Quang DuẩnNếu hình thành được chuỗi cung ứng thực phẩm sẽ kiểm soát được giá cả tốt hơn - ảnh: D.Đ.Minh |
Chỉ số giá tiêu dùng 8 tháng đầu năm đã tăng 15,68%, trong đó nhóm hàng thực phẩm có mức tăng cao nhất. Theo Bộ Công thương, phần lớn do tác động của mặt hàng thực phẩm, trong đó rõ nhất là biến động của thịt heo, mặt hàng có tỷ trọng tiêu dùng lớn nhất trong nhóm hàng thực phẩm. Nguyên nhân do người chăn nuôi nhỏ lẻ, vốn chiếm đa số trong cơ cấu chăn nuôi, lo ngại dịch bệnh, giá thành sản xuất tăng cao nên đã giảm đàn, treo chuồng, vì vậy đã dẫn đến nguồn cung thiếu hụt.
Giá thịt lợn giảm 18% Hôm qua 13.9, Cục phó Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) Nguyễn Thanh Sơn cho biết, sau một thời gian tăng chóng mặt, giá thịt lợn và thịt gia cầm đã hạ nhiệt. Cụ thể, giá thịt lợn hơi xuất chuồng đã giảm 8% so với đầu tháng 9 và giảm tới 18% so với mức giá cao nhất hồi tháng 7 vừa qua. Giá thịt gia cầm giảm 10 - 13%, tùy từng loại. Giá thịt giảm đã khiến lượng thịt nhập khẩu giảm theo. Trong tháng 8 cả nước chỉ nhập 12 ngàn tấn thịt, ít hơn tháng trước đó 2 ngàn tấn. |
Chuyện liên kết từ nông trại đến bàn ăn đã được các nước trên thế giới thực hiện từ rất lâu, nhờ đó họ có thể đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và có thể kiểm soát được thị trường cũng như có thể truy xuất nguyên nhân các sự cố xảy ra trong chuỗi vận hành. Riêng tại VN, đề án này đã được bàn thảo nhiều song đến nay vẫn chưa biết phải bắt đầu từ đâu. Một số doanh nghiệp có tiềm lực đã bắt đầu tự đầu tư thực hiện liên kết và đạt được một số kết quả khả quan.
Một trong những đơn vị chủ động tiên phong trong liên kết chuỗi sản xuất - tiêu thụ là Saigon Co.op (SGC) với mặt hàng rau, củ, quả. Năm 2010, SGC đã thực hiện ứng vốn cho các hợp tác xã nông nghiệp với số tiền 30 tỉ đồng và đầu tư cả dây chuyền sơ chế đóng gói rau an toàn. Năm 2011, số tiền đầu tư ứng vốn của SGC cho các hợp tác xã cũng đã tăng lên 35 tỉ đồng.
Ông Văn Đức Mười - TGĐ Công ty Việt Nam kỹ nghệ súc sản (Vissan) - bộc bạch: “Trong lĩnh vực chế biến thực phẩm, chúng tôi đã tạo được mối liên kết giữa nhà máy và nhà nông và có được nhiều cái lợi rất lớn như chủ động được nguồn nguyên liệu, không phải ăn đong từng bữa, có thể giảm được chi phí đầu vào và kiểm soát được vệ sinh thực phẩm. Tuy nhiên, nếu chỉ có một mình Vissan thì không đủ sức để đáp ứng nhu cầu thị trường. Do vậy cần phải huy động nguồn cung và nhà phân phối khác trên cả nước tham gia vào chuỗi cung ứng thì mới giải quyết căn cơ”.
Theo bà Lê Ngọc Đào - PGĐ Sở Công thương TP.HCM, từ chương trình bình ổn giá, TP.HCM đã xây dựng các đề án chiến lược phát triển chăn nuôi phục vụ bình ổn giá và xây dựng mô hình quản lý thực phẩm theo chuỗi, tạo liên kết vùng chăn nuôi đến năm 2015. Theo đó, TP.HCM sẽ lựa chọn các doanh nghiệp có năng lực và kinh nghiệm để khuyến khích, hỗ trợ hoạt động liên kết vùng, hình thành chuỗi cung ứng thực phẩm cho thành phố.
Quang Thuần
Bình luận (0)