Liều mình để... có con - Kỳ 2: Có bệnh vái tứ phương

25/06/2013 03:30 GMT+7

Có một mụn con là cái đích đến của tất cả những người lập gia đình. Nhưng mơ ước bình dị ấy đôi khi lại quá xa vời với nhiều người.

>> Liều mình để... có con

Bán nhà tìm con

Không biết từ bao giờ tên “xóm hiếm muộn” được đặt cho con hẻm nhỏ gần Bệnh viện (BV) Từ Dũ (TP.HCM), nơi các cặp vợ chồng từ khắp nơi về thuê phòng trọ để vào bệnh viện kiếm con. Anh Tú và chị Y.Hờ (28 tuổi) là đôi vợ chồng dân tộc H’Mông (thuộc huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) đầu tiên, gia nhập cư dân “xóm” hiếm muộn.

 Ngày vui của các bé chào đời từ thụ tinh trong ống nghiệm
Ngày vui của các bé chào đời từ thụ tinh trong ống nghiệm - Ảnh: Thanh Tùng

Lấy nhau 3 năm không có con, nghe nhiều lời ong tiếng ve của hàng xóm, thấy chồng mặt nặng mày nhẹ, chị Y.Hờ cương quyết: “Được rồi, nếu đi khám mà bác sĩ bảo tại em thì em sẽ để anh đi lấy vợ khác”. Năm 2006 đi khám ở BV đa khoa Nghệ An anh mới biết nguyên nhân do mình nên không dám trách chị nữa. Sau đó, có người đi TP.HCM điều trị ẵm con về, anh chị hỏi thăm và bắt đầu nuôi hy vọng. Tích cóp được 50 triệu đồng, anh chị vào nam tìm con.

Dù tiền thuê không hề rẻ (2,4 triệu đồng/giường/người/trên lầu và 4 triệu đồng cho phòng dưới đất) nhưng nhiều cặp vợ chồng vẫn bám trụ để hạn chế đi lại sợ ảnh hưởng đến phôi thai. Chị Nga, một cư dân của “xóm” hiếm muộn này là nguồn động viên lớn cho các chị đang điều trị ở đây. Chị Nga là giáo viên cấp 1 ở tận Gia Lai, chồng tinh trùng yếu nên chị đã một lần thụ tinh ống nghiệm (TTON) thành công. “Cháu là con trai, 6 tuổi rồi. Cháu rất thông minh, sáng dạ. Vợ chồng tôi cũng ky cóp nhiều năm, dành dụm để lần này quyết kiếm thêm một đứa con nữa cho cháu có anh, có em”, chị Nga chia sẻ. Chúng tôi gặp chị Thủy ở phòng mạch của một bác sĩ chuyên về hiếm muộn ở Q.1. Chị im lặng ngồi ở một góc khuất chờ đến lượt siêu âm trứng. Sau một hồi làm quen, chị Thủy thổ lộ đã có một đứa con trai nhưng 16 tuổi cháu bị tai nạn mất. Chị bước vào tuổi 43, còn anh 45 nên quyết định nhờ sự tiến bộ của y tế can thiệp bằng phương pháp TTON. 5 lần thất bại, lần thứ 6 này cũng là lấn cuối cùng. Chị buồn bã, kể: “Cứ mỗi lần thất bại mình lại hy vọng lần sau. Rồi lại bắt đầu và lại chờ kết quả xổ số. Cứ thế hết lần này đến lần khác. Nhìn lại, sao thấy giống mình ném tiền vào đánh bạc. Thua cháy túi mà vẫn cứ tiếp tục như kẻ nghiện. Căn nhà cầm ngân hàng được 500 triệu đồng, lần này nữa là coi như nướng sạch vào canh bạc tìm con!”.

Uống cả thuốc độc

Nhiều lần ra, vào BV phụ sản Hùng Vương, Từ Dũ, chúng tôi nhận thấy có một nghịch lý diễn ra hằng ngày. Bên này, một hàng dài các chị gương mặt thấp thỏm chờ bỏ đi những giọt máu sắp tượng hình vì có thai ngoài ý muốn. Bên kia, dòng người chen chúc nhau chờ một phép màu để cầu mong có một đứa con. “Việc bỏ một đứa con có vẻ khá dễ dàng nhưng việc tìm con mang về sao mà khó quá”, chị Minh (Tây Ninh) thở dài nói.

Chị Minh còn khá trẻ, mới 30 tuổi. Lập gia đình 7 năm nay mà chưa có con. Mấy năm nay chị “sưu tầm” khá nhiều “thầy”. Ai chỉ “chiêu” gì hay chị cũng làm thử. “Có lần nghe nói ăn 3 đọt cau có bầu, tui mua luôn 3 cây cau về lấy 3 cái đọt chẻ ra ăn. Ăn xong say cứng miệng, xém chút vào BV cấp cứu. Rồi nghe người ta chỉ một ông thầy ở Bến Tre chữa được bá bệnh nhưng không lấy tiền chỉ làm phước. Tui cũng mò mẫm hỏi đường đi, đôi ba lần cầu cạnh thầy mới tiếp và phán vợ chồng tui cưới nhằm ngày xấu. Nếu muốn giải hạn thì đưa thầy 10 triệu, 13 tấm hình của vợ chồng để thầy cúng lại lễ tơ hồng. Lần sau, quay lại đưa tiền, đưa hình cho thầy cúng xong thầy cho bình nước lạnh kêu về nhà chịu khó uống sẽ có con. Uống hết, tui xuống thầy đôi ba bận nữa xin nước uống cả nửa năm mà chẳng thấy gì. Chồng tui chửi quá trời nói tui ngu, nghe lời mấy ông thầy bậy bạ. Giờ tui quyết tâm làm TTON”, chị Minh kể.

Cầm kết quả xét nghiệm ở Trung tâm Medic ra, mặt chị Thân buồn rười rượi. Bác sĩ vừa kết luận chị bị tắc ống dẫn trứng, chẩn đoán phải mổ mới có hy vọng có con. Trong lúc ngồi đợi cơn mưa tạnh, gặp người đồng cảnh ngộ, như trút gánh nặng, chị kể: “Lấy chồng 3 năm không có con, nhà mong cháu nên chị cũng đến phòng mạch một bác sĩ phụ sản khám. Bác sĩ không kêu làm xét nghiệm gì, bán cho thuốc uống canh trứng mang về nhà uống. Mất 2 tháng không tác dụng gì. Không muốn TTON, chị chuyển sang uống thuốc nam. Đến nay chị đi cũng 5 thầy thuốc nam. Mỗi thầy 3 đến 6 tháng rồi mà chẳng ích gì”. Chị Thân còn bật mí, trong số đó chị còn bốc thuốc của bà N. ở Hà Nội, mà hồi tháng 9.2011 báo chí đưa tin thuốc của bà này bán có cả “Phòng Kỷ” và chứa hàm lượng a xít “acid aristolochic 1” lớn, có độc tính cao, uống lâu dài sẽ gây ung thư. “May mà mới uống có 4 thang”, đôi mắt buồn chỉ chực rơi nước mắt của chị nhìn xa xăm, “Không biết bao giờ con mới về với mình nhỉ”.

Mười ba năm chạy chữa hiếm muộn vẫn chưa có kết quả là trường hợp của chị Thương. Không chịu nổi quá nhiều áp lực, căng thẳng chị tìm xin một cô bé làm con nuôi và giờ cháu đã 3 tuổi.

Nhớ lại thời kỳ chạy chữa gian nan trước đây, chị Thương còn rùng mình: “Không biết bao nhiêu lần vào ra BV, không biết bao nhiêu lần nằm lên chiếc băng ca lạnh toát để chụp thuốc mê, chọc hút trứng, không biết bao nhiêu cây kim chọc ngoáy vào người, bao nhiêu máu lấy ra để xét nghiệm... chỉ để chờ nghe bác sĩ nói “chị đã có thai” mà chờ mãi không thấy. Những hí hửng rồi hụt hẫng khi thấy bụng căng tròn lên vì quá kích buồng trứng mà tưởng con đã về... Chán nản tây y, chuyển sang đông y lại những tháng ngày kiêng ăn cái này, cữ ăn cái kia và ngày ba lần nuốt cái thứ thuốc đen xì, đắng nghét mà mới nhìn thấy đã toát mồ hôi. Nhưng rồi hết tháng này đến tháng kia, que thử thai cứ một vạch làm tôi bị trầm cảm, u uất”. Theo chị Thương, chính đứa con nuôi đã đưa chị trở về cuộc sống vui vẻ vốn có trước kia... 

Lê Nga - Hà Minh

>> Ở tù vẫn có con và điều hành đường dây ma túy
>> Nguyên nhân không thể có con
>> Có con tốt cho sức khỏe

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.