'Liều mình' làm mới âm nhạc

Ngọc An
Ngọc An
07/01/2019 06:39 GMT+7

Trong liveshow Ánh trăng tình yêu diễn ra mới đây tại Hà Nội, ca sĩ Lan Anh hát bolero cùng dàn nhạc giao hưởng lập tức tạo nên những tranh luận trái chiều.

Lan Anh - một trong những ca sĩ nhạc thính phòng và nhạc cách mạng được yêu thích hiện nay - thể hiện ca khúc bolero Không bao giờ quên anh của nhạc sĩ Hoàng Trang cùng dàn nhạc giao hưởng. Sau tiết mục này, khách mời của chương trình - nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn chơi tác phẩm Thao thức vì em của Lam Phương cũng cùng với dàn nhạc giao hưởng. Hai tác phẩm thuộc hàng kinh điển của bolero được phối khí và trình bày khá “lạ tai”. Trong khán phòng, những tràng pháo tay vang lên sau mỗi phần trình diễn cho thấy không ít khán giả thích thú với sự sáng tạo, cách mà Lan Anh cùng ê kíp mở rộng “biên độ” âm nhạc cho bolero. Nhưng cũng có không ít khán giả lên tiếng cho rằng chính việc thử nghiệm này đã “phá nát” bolero.

Không phải dễ

Làm cái mới bao giờ cũng mạo hiểm vì nghệ sĩ không lường được người nghe sẽ đón nhận ra sao. Nghệ sĩ muốn thử nghiệm phải dám đương đầu với phản ứng của công chúng
Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long
Còn nhớ, vài năm trước, khi chương trình Giai điệu tự hào - mà trong đó những ca khúc cũ được làm mới - được thực hiện đã dấy lên “làn sóng” tranh luận khi nhiều ca khúc nhạc “đỏ”, nhạc cách mạng được phối khí với những thể loại âm nhạc khác như nhạc kịch, nhạc rock... Nhiều ý kiến chỉ trích nhạc sĩ Thanh Phương - giám đốc âm nhạc của chương trình, rằng anh đã “phá nát” nhạc “đỏ”, nhạc cách mạng, những tác phẩm đã đi cùng năm tháng. Nhạc sĩ Thanh Phương khi đó đã lên tiếng phủ nhận, nói “phá nát” là không đúng. Bởi anh không “phá” hay sửa lời và vẫn giữ đúng tinh thần, ý nghĩa của ca khúc như “bản lề” cho sự sáng tạo. Nhạc sĩ lý giải, ca khúc cũ được sáng tác trong khoảng thời gian âm nhạc vẫn còn đơn giản, cách hòa thanh chỉ dừng lại ở một vài gam nốt, nhịp điệu. Áp dụng các thủ pháp nghệ thuật của thời hiện đại đưa vào ca khúc cũ là cách thay đổi không gian âm nhạc của ca khúc để tạo nên hơi thở mới cho tác phẩm mới. Nhưng anh cũng thừa nhận việc làm mới những tác phẩm đi cùng năm tháng không phải là việc dễ, bởi: “Nếu làm không khéo sẽ dễ biến tác phẩm thành... nồi lẩu”.
“Liều mình” làm mới âm nhạc
Album Chat với Mozart 2 của Mỹ Linh
Khoảng 5 năm trước, ca sĩ Tân Nhàn ra mắt album Yếm đào xuống phố kết hợp chèo, xẩm với nhạc jazz cũng gây tranh cãi giữa một bên ý kiến cho rằng nghệ sĩ đã “phá” âm nhạc truyền thống và một bên ủng hộ cái mới. Mặc dù từng vấp phải những tranh cãi như vậy nhưng Tân Nhàn chia sẻ, trong năm nay, cô dự định làm liveshow trong đó kết hợp âm nhạc truyền thống với dàn nhạc giao hưởng. Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng, người từng thực hiện album Yếm đào xuống phố và sắp tới đây là liveshow của ca sĩ Tân Nhàn, cho rằng: “Bên cạnh việc bảo tồn theo đúng cách truyền thống, những nghệ sĩ hiện đại có thể đóng góp sự phát triển của âm nhạc truyền thống theo nhiều cách khác nhau” và nói thêm: “Nghệ thuật giống như vườn hoa, đừng đóng hàng rào lại và nói phải làm thế này, hay không được làm thế kia”.

Cần thử nghiệm

Trong nhạc Việt, những nghệ sĩ thành công sau thời gian dài kiên định “thử nghiệm” làm mới âm nhạc có thể nhắc tới là Mỹ Linh (hát lời Việt trên nền hòa âm hiện đại cho những tác phẩm thính phòng kinh điển trong 2 album Chat với Mozart), Đàm Vĩnh Hưng, Lệ Quyên (hát bolero theo lối hiện đại hơn kiểu hát truyền thống)..
Theo nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long, có thể phân biệt nhiều “thử nghiệm” là cách sáng tạo của nghệ sĩ trong nước theo con đường thế giới đã từng khai thác, nhưng khán giả trong nước còn lạ lẫm nên thấy khó nghe; bên cạnh đó là những “thử nghiệm” mang tính chất làm mới dòng nhạc. Ông cho rằng dù với kiểu “thử nghiệm” nào thì đây cũng là hoạt động không thể không có, dù rất dễ gây tranh cãi. “Thử nghiệm hay làm mới là cách sáng tạo âm nhạc không theo lối mòn cũ, mang đến giá trị mới cho người nghe. Làm cái mới bao giờ cũng mạo hiểm vì nghệ sĩ không lường được người nghe sẽ đón nhận ra sao. Nghệ sĩ muốn thử nghiệm phải dám đương đầu với phản ứng của công chúng”, ông nhìn nhận.
Ông Nguyễn Quang Long nhấn mạnh, thử nghiệm âm nhạc thành công quan trọng không khác gì phát minh khoa học, bởi có thể mở ra các khuynh hướng âm nhạc trong tương lai. Ông lấy ví dụ, vào cuối thể kỷ 19 - đầu thế kỷ 20, thế giới cũng chứng kiến khuynh hướng khai thác chất liệu nhạc của các dân tộc mà trước đó không được chú ý nhiều và mở ra khuynh hướng cho dòng chảy âm nhạc bác học giai đoạn đó.
Sau khi thực hiện liveshow của ca sĩ Lan Anh, nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng lường trước anh có thể sẽ tiếp tục bị phản ứng khi tham gia “cuộc chơi” cùng dàn nhạc giao hưởng tạo kết hợp với âm nhạc truyền thống trong liveshow của ca sĩ Tân Nhàn. “Có thể tôi sẽ bị lên án, nhưng tôi thích sự mạo hiểm. Có thể tôi bồng bột, tôi không làm được đến nơi đến chốn, nhưng tôi nghĩ sự “hy sinh” của mình cũng sẽ tốt cho những người đi sau đó”, nhạc sĩ nói.
Ông Nguyễn Quang Long gợi nhắc lại câu chuyện về các nhạc sĩ lớn của thế giới như Mozart, Beethoven, Bach… khi sáng tạo cũng từng gặp những phản ứng của nhiều người không thích yếu tố mới. “Ngay trong cùng một thời đại, có nhiều nghệ sĩ cũng đi tìm những cái mới nhưng chỉ một vài người được hậu thế biết đến là do sự đào thải của thời gian. Có những nhạc sĩ qua đời, tác phẩm của họ mới được ghi nhận đúng”, nhà nghiên cứu bày tỏ và nhìn nhận: “Thử nghiệm âm nhạc cần chấp nhận rủi ro thành, bại. Đó là việc đương nhiên”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.