Linh động để đạt hiệu quả

12/03/2009 00:55 GMT+7

Báo Thanh Niên mấy ngày nay đăng loạt bài Làm việc sáng thứ bảy, phản ánh nhiều khía cạnh thực tiễn của hoạt động này sau một năm thực hiện tại TP.HCM. Ý kiến phản ánh đa chiều, nhưng tựu trung lại là hai “phe”: nhiều cán bộ thực thi cho rằng nên bỏ, còn người dân lại đề nghị nên tiếp tục triển khai.

Cần nhắc lại đây là chủ trương của Chính phủ và được thành phố thực hiện, trong tình hình có nhiều tồn đọng trong các lĩnh vực dịch vụ hành chính công mà chính quyền không giải quyết kịp thời cho người dân do quá tải. Như thế, chỉ khi nào các tồn đọng này không còn hoặc còn lại rất ít thì có thể bỏ chế độ làm việc sáng thứ bảy. Đến nay, tuy chưa có những đánh giá chính thức một cách toàn diện về hiệu quả của làm việc sáng thứ bảy, nhưng đa số mọi người đều đồng tình đây là một chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân và phục vụ thiết thực cho người dân. Nhưng thực tiễn một số nơi làm việc sáng thứ bảy cũng cho thấy hiệu quả không cao lắm, gây lãng phí, lượng người dân đến giao dịch chỉ đếm trên đầu ngón tay. Và đề xuất bỏ làm việc sáng thứ bảy xuất phát từ cơ sở này. 

Vấn đề, theo tôi là phải tìm được nguyên nhân vì sao người dân không đến giao dịch vào ngày thứ bảy, trong khi hồ sơ tồn đọng trong dân còn rất nhiều? Trước tiên, thành phố cần khảo sát xem đại bộ phận người dân thành phố có biết là một số cơ quan công quyền làm việc sáng thứ bảy và đó là những cơ quan nào không? Nếu họ chưa biết thì phải thông tin cho họ biết bằng nhiều phương thức như qua báo đài, trên các trang web của đơn vị và thông báo ngay tại cơ quan. Tiếp đó, cần đánh giá xem hiệu quả của buổi làm việc sáng thứ bảy, có thực sự giải quyết những công việc mà ngày thường giải quyết được không, hay cơ quan tổ chức làm việc chỉ để tiếp nhận hồ sơ rồi… hẹn dân. Nếu chỉ có vậy, người dân "ngán" đến làm việc ngày thứ bảy là đương nhiên.

Để tránh lãng phí, địa phương cũng cần linh động hơn trong tổ chức thực hiện làm việc sáng thứ bảy. Trong từng lĩnh vực dịch vụ công, có thể quy định cụ thể các loại công việc đặc biệt giải quyết trong buổi sáng thứ bảy (ví dụ ở Sở Xây dựng sáng thứ bảy, chỉ giải quyết việc cấp phép xây dựng…). Tại một số đơn vị, phường xã, nếu qua theo dõi một thời gian dài, không thấy có nhu cầu lớn từ người dân thì có thể chỉ làm 2 buổi sáng thứ bảy trong 1 tháng chẳng hạn. Bộ máy làm việc ở từng cơ quan cần gọn nhẹ (cán bộ đa năng, kiêm nhiệm) nhưng đầy đủ hiệu lực (có lãnh đạo trực để ký ngay); trường hợp không có dân đến giao dịch, cán bộ công chức cần chủ động làm những việc còn tồn đọng trong tuần (đặc biệt là những lĩnh vực như cấp phép xây dựng, giấy chủ quyền nhà đất…). Và cuối cùng, liên quan đến thái độ phục vụ của cán bộ, công chức, cần có chế độ đãi ngộ người làm thêm sáng thứ bảy một cách thỏa đáng, công bằng.

Làm việc sáng thứ bảy, rõ ràng là một chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân và nên giữ lại. Vấn đề là khi triển khai cần hết sức linh động, phù hợp với từng địa phương, đơn vị. Đây là trách nhiệm của từng cơ quan đơn vị, phải chủ động nghiên cứu đề xuất UBND thành phố nội dung làm việc của ngành mình, lĩnh vực mình vào sáng thứ bảy. Phần UBND thành phố cũng cần tổ chức một hội nghị sơ kết đánh giá toàn diện hiệu quả làm việc sáng thứ bảy, trong khuôn khổ của tiến trình cải cách hành chính ở thành phố, để từ đó có biện pháp tổ chức hữu hiệu hơn.

Th.S Lê Văn Thành
(Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM )

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.