Liveshow 2009: Cuộc chơi phân định đẳng cấp?

06/03/2009 23:15 GMT+7

Với chi phí đầu tư khoảng 1,5 tỉ đồng, cho dù bán hết vé (giá 200.000 - 900.000 đồng/vé) thì liveshow Mỹ Lệ in Symphony (diễn ra tối 8.3) cũng chấp nhận lỗ hơn 1,2 tỉ. Qua đó có thể thấy việc tổ chức liveshow thời điểm 2009 gian khó hơn trước rất nhiều. Thế nhưng không ít ca sĩ vẫn quyết “chơi liveshow cho bằng được” với sự biến hóa nhiều cách, nhiều kiểu...

Biết lỗ vẫn làm

Biến hóa lớn nhất trong việc tổ chức liveshow thời điểm hiện nay là đã có sự “phân luồng”, cho dù vẫn có điểm chung là chọn lượng khán giả vừa phải. Một là làm “sang tới bến” kiểu dạ tiệc âm nhạc (như liveshow của Đàm Vĩnh Hưng, Quang Dũng - Hồng Nhung, sắp tới là Mỹ Lệ, Đức Tuấn...) dành cho khán giả nhiều tiền với giá vé cao (như show Quang Dũng - Hồng Nhung diễn ra ngày 28.2 với giá 3 triệu đồng/vé). “Luồng” thứ hai là tập trung về các sân khấu bình dân tại Sài Gòn như tụ điểm 126 Cầu Vồng, Trống Đồng... (như liveshow của Uyên Trang ngày 13.2, của ca sĩ hải ngoại Trang Thanh Lan đêm 22.2, ca sĩ Thanh Thảo tối 8.3...).

Chỉ riêng về địa điểm thì rõ ràng những điểm diễn quen thuộc, từng là sân khấu cho các liveshow (như Lan Anh, nhà hát Hòa Bình, nhà hát Bến Thành, CLB Phan Đình Phùng, Quân khu 7...) đã không còn chỗ đứng trong chọn lựa của các nhà tổ chức. Vì bên cạnh chi phí thuê sân bãi, lắp đặt dàn âm thanh, ánh sáng đã khá cao, còn là việc khán giả đến xem thuộc đủ thành phần, rất khó xác định. Thời buổi kinh tế khó khăn, ca sĩ dù đã “bấm bụng” tổ chức liveshow cũng phải mạnh dạn gạt bỏ khán giả lờ mờ về chân dung, phải chọn ngay: hoặc bình dân hoặc sang trọng; với loại không gian nào, bao nhiêu ghế ngồi... để nắm chắc sẽ... lỗ bao nhiêu trước giờ mở màn cho khỏi bị sốc.

 

Poster liveshow của Mỹ Lệ

Chơi sang = ghi dấu đẳng cấp?

Biết rõ rằng cả hiệu quả kinh tế lẫn tiếng vang sau liveshow giống như trò đánh đu mạo hiểm, nhưng các ca sĩ vẫn hào hứng tổ chức, khiến không ít người đặt câu hỏi: Tại sao? Chơi sang, để thể hiện đẳng cấp, hâm nóng tên tuổi, làm cho có chứ không lẽ một năm chẳng làm gì? Và còn có cả lý do rất dễ mủi lòng, như làm vì tình yêu âm nhạc, vì đam mê nghệ thuật...

Liệu có thể trông chờ gì ở những liveshow mà thực chất chẳng hơn gì một đêm diễn ở phòng trà (về nội dung), cho dù về hình thức cũng có vài món kèm theo như: triển lãm tranh, tiệc rượu, buffet...

Liveshow của Hồng Nhung - Quang Dũng được cho là không có gì đặc biệt ngoài giá vé, nhưng chính sự “cao cấp” đó đã khiến cả người diễn lẫn người nghe đều bị gồng cứng. Quang Dũng cho biết: “Trước đây mọi người làm liveshow là để ghi dấu thương hiệu, còn giờ chúng tôi muốn ghi dấu đẳng cấp, khẳng định style, gu thẩm mỹ ở một chương trình sàng lọc khán giả, không dành cho đại chúng. Với Có đâu bao giờ hôm 28.2, tôi và Hồng Nhung đã có một đêm vui trọn vẹn với những khán giả “của chúng tôi”, và dù chẳng có lãi nhưng cũng chẳng lỗ vì tất cả mọi khâu, kể cả đạo diễn, ban nhạc hay ca sĩ đều giảm cát-sê đến mức tối thiểu”. Trường hợp của Mỹ Lệ với liveshow Mỹ Lệ in Symphony hát với dàn nhạc giao hưởng, mở ra một chương mới với sở trường nhạc tiền chiến và cổ điển, sau ba năm cô vắng bóng trên sân khấu. Cách thức trở lại “quyết liệt” như không hát đủ loại nhạc để chiều đủ loại thị hiếu, tổ chức show với hình thức như một tổ khúc gồm ba phần, mỗi phần chuyển tải một ý tưởng trọn vẹn phong cách mà mình theo đuổi (nhạc nhẹ kết hợp giao hưởng và cổ điển), rõ ràng Mỹ Lệ đã xác định con đường dài của mình với nghề hát.

Chưa biết cuộc chơi gọi là đẳng cấp này có thực sự đạt được... đẳng cấp hay không, nhưng cuộc “chơi sang” kiểu Mỹ Lệ có lẽ cũng để lại dấu ấn với khán giả. Còn chuyện cô đi đến đâu, đi dài như thế nào sẽ không chỉ phụ thuộc vào một liveshow.

Phan Cao Tùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.