TNO

Lò bánh trung thu truyền thống vẫn hút khách ở Sài Gòn

25/08/2014 08:20 GMT+7

Cho dù các thương hiệu bánh công nghiệp sản xuất hàng loạt tràn ngập thị trường, bánh truyền thống vẫn có chỗ đứng nhất định bởi hương vị độc đáo qua bao năm tháng. Những lò bánh trung thu kiểu truyền thống ở Sài Gòn vẫn tấp nập làm ra hàng tấn bánh mỗi mùa rằm tháng 8.

Cho dù các thương hiệu bánh công nghiệp sản xuất hàng loạt tràn ngập thị trường, bánh truyền thống vẫn có chỗ đứng nhất định bởi hương vị độc đáo qua bao năm tháng. Những lò bánh trung thu kiểu truyền thống ở Sài Gòn vẫn tấp nập làm ra hàng tấn bánh mỗi mùa rằm tháng 8.

>> Lưu ý khi mua bánh trung thu tươi
>> Thị trường trung thu vào cao điểm

Bánh trung thu của người Triều Châu trong Chợ Lớn

 Lò bánh trung thu truyền thống vẫn hút khách ở Sài Gòn 1
Những mẻ bánh mới từ lò nướng - Ảnh: Giang Vũ


Một thương hiệu nức tiếng trong cộng đồng người Hoa ở Chợ Lớn gần 30 năm nay là bánh trung thu Phương Diêm Thuận. Trước và sau 1975, Phương Diêm Thuận vốn nổi tiếng về các loại bánh Tây (bánh cookie, bánh ngọt...). Từ năm 1987, tiệm bắt đầu chuyển sang làm bánh trung thu với phong vị của người Triều Châu.

Anh Phương Triển Phong, chủ tiệm bánh Phương Diêm Thuận cho biết, người Hoa khi lưu lạc tới Sài Gòn đã mang theo nghề làm bánh trung thu. Trải qua nhiều thế hệ, cộng đồng người Hoa sẵn sàng truyền lại cho nhau nên không bị thất lạc. Gia đình anh học nghề bánh trung thu cũng từ một lò bánh nổi tiếng khi xưa ở Chợ Lớn nhưng bây giờ đã không còn nữa.

“Bánh trung thu của người Quảng Đông thường chỉ có hai loại nhân là chủ yếu: nhân thập cẩm và nhân hạt sen. Trong khi đó, bánh của người Triều Châu thì phong phú với đủ loại nhân và có độ ngọt ít hơn”, anh Phong chia sẻ.

Phương Diêm Thuận không có đại lý mà bán ngay tại nhà riêng, cũng là xưởng sản xuất. Người muốn ăn phải tìm để quận 6 để mua mà vẫn không quản đường xa. Mỗi năm, xưởng bánh của anh Phong sản xuất hàng tấn bánh theo đơn đặt hàng và bán lẻ. Đó là chưa kể lượng bánh mà khách Việt kiều đặt riêng để mang về nước làm quà từ giữa tháng 6 âm lịch.

Lò bánh trung thu truyền thống vẫn hút khách ở Sài Gòn 2
Chế biến nhân bánh theo kiểu truyền thống ở Phương Diêm Thuận - Ảnh: Giang Vũ 

Cũng theo anh Phong, hương vị của bánh trung thu Chợ Lớn vẫn khác hẳn so với bổn xứ Trung Hoa hay ở các cộng đồng người Hoa khác trên thế giới. Cách làm bánh vẫn là kiểu truyền thống của người Hoa nhưng hương vị thay đổi theo khẩu vị người Việt. Cùng với sự phát triển của dòng bánh trung thu tại Việt Nam, Phương Diêm Thuận cũng tự chế ra nhiều kiểu nhân khác nhau phù hợp với thị hiếu đương đại.

Chẳng hạn dòng bánh mùa trung thu năm nay đáng chú ý với loại bánh nhân khá mới mẻ như khóm dứa (thơm), nhân hạt sen lá dứa, nhân khoai môn dứa, nhân thập cẩm tôm, bánh dẻo đậu xanh chanh dây… bên cạnh các loại nhân quen thuộc của thị trường bánh trung thu. Bánh trung thu đắt nhất ở đây là những chiếc bánh lớn làm thủ công như Uyên Ương Thưởng Nguyệt (giá 380.000đ) và Phước Lộc Thọ (480.000đ).

Lò bánh lâu đời của Sài Gòn còn sót lại: Đông Hưng Viên

 Lò bánh trung thu truyền thống vẫn hút khách ở Sài Gòn 3
Tiệm bánh trung thu Đông Hưng Viên trước năm 1975 - Ảnh tư liệu

Đông Hưng Viên là thương hiệu quen thuộc với người Sài Gòn từ rất lâu trước năm 1975 cùng với các thương hiệu nay đã không còn nữa như Tân Tân, Long Xương, Đại Chúng, Vĩnh Hưng Tường… Tuy nhiên, sau năm 1975, người chủ tiệm của Đông Hưng Viên đã sang Mỹ. Hai thợ làm bánh chính của tiệm này, một người là ông Bốc Mỹ Nguyên đã ra nước ngoài sinh sống, một người ở Sài Gòn (đã mất). Thợ bánh chính của Đông Hưng Viên ở Sài Gòn (hoạt động từ 1975) hiện nay là anh Nguyễn Văn Hùng, học nghề từ ông Bốc Mỹ Nguyên, cũng như tiệm Đông Hưng Viên ở Sài Gòn không còn liên quan đến người chủ của thương hiệu Đông Hưng Viên bên Mỹ.

Anh Hùng cho biết, khi học nghề từ người thợ chính của Đông Hưng Viên, anh đã nắm được những bí quyết từ nhồi bột cho đến làm nhân. Sau này, dựa trên những kiến thức đã học, anh đã sáng tạo ra các loại nhân bánh mới. “Làm bánh trung thu thoạt nhìn tưởng đơn giản nhưng càng làm càng thấy, để cho ra một loại nhân mới đòi hỏi sự cần mẫn và lòng yêu nghề của người thợ”, anh Hùng chia sẻ.

Lò bánh trung thu truyền thống vẫn hút khách ở Sài Gòn 4
Công đoạn làm nhân bánh thủ công khá công phu - Ảnh: Giang Vũ 

Những bánh độc lạ của Đông Hưng Viên năm nay có nhân trà xanh, đậu xanh nho, nhân kiwi bên cạnh những loại bánh “ruột” của Đông Hưng Viên gồm vi cá, gà quay, các loại đậu, hạt sen, khoai môn, dừa sầu riêng… Hộp bánh đắt nhất của tiệm gồm Bát trân Hoàng triều (280.000đ) và Uyên ương hồ điệp (550.000đ), Rồng vàng (630.000đ)…

Các hãng bánh truyền thống có thương hiệu và lâu đời tại Sài Gòn đã hiện đại hóa một phần truyền thống của mình, đó là không còn nướng bằng lò than nữa mà chuyển sang lò điện, công suất cao hơn và không gây ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, khuôn bánh được dập bằng máy cho ra chi tiết sắc nét và đẹp hơn. Tuy nhiên, các giai đoạn thủ công từ việc ngâm đậu, chế các loại nhân vẫn do từng xưởng bánh tự chế biến, đặc biệt cách xào nhân, nêm gia vị là một bí quyết riêng của mỗi tiệm.

Lò bánh trung thu truyền thống vẫn hút khách ở Sài Gòn 5
Bánh chuẩn bị cho vào lò nướng - Ảnh: Giang Vũ 

Bởi vậy, mỗi mùa trung thu về, người ta vẫn thường tìm đến những thương hiệu tồn tại từ lâu, có bản sắc riêng trong cách chế biến nhân bánh với hương vị không làm từ hương nhân tạo, trứng muối ngâm theo bí quyết riêng để mua thưởng thức hoặc đem làm quà tặng. Bởi chắc chắn trong tâm thức của người Sài Gòn, bên cạnh vị ngon vốn có của dòng bánh làm theo kiểu truyền thống này còn là hương vị của thời gian, ký ức...

Lò bánh trung thu Phương Diêm Thuận
108-110 Phạm Phú Thứ, P3, Q6
Lò bánh trung thu Đông Hưng Viên
176-177 Bãi Sậy, P4, Q6

 

Giang Vũ (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.