‘Lò đã nóng rồi, không ai muốn có thêm củi sau khi đặc khu ra đời’

Anh Vũ
Anh Vũ
23/05/2018 14:45 GMT+7

Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM) đã cảnh báo như vậy khi góp ý dự thảo luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc sáng nay, 23.5.

Thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc (gọi tắt là các đặc khu kinh tế), đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM) nhất trí với chủ trương thành lập các đặc khu kinh tế đặc biệt, nhằm phát triển đất nước.

Tuy nhiên, ông Nghĩa dẫn các điều kiện ưu đãi dành cho dự án đầu tư công lớn này: từ đất đai, tài nguyên đến ngân sách của nhà nước đầu tư vào hạ tầng các khu vực; ngân sách đầu tư cho các đặc khu theo đề án (đề án xây dựng 3 đặc khu cần khoản đầu tư thêm 1,5 triệu tỉ đồng, trong đó ngân sách bỏ ra khoản không nhỏ); kèm theo những tác động lớn do toàn bộ bộ máy hành chính di dời sẽ ảnh hưởng tới cuộc sống hàng trăm ngàn dân ở các khu vực trên... và đặt vấn đề: "Trong 10 năm, 20 năm hay 30 năm nữa, tất cả khoản đầu tư này cho ai, đem lại lợi ích gì?".

Đặc biệt, theo đại biểu Nghĩa, nhiều chuyên gia lưu ý đây là những vùng đất lớn, tất cả đất giá đã cao và có chủ. Do đó, cử tri cần câu trả lời ngoài bài toán kinh tế, Việt Nam sẽ được, mất gì về văn hoá xã hội an ninh quốc phòng?. “Chúng ta phải được nhiều, nhiều lần so với chi phí bỏ ra, 3 đặc khu phải giúp kinh tế phát triển xanh, sạch hơn, chủ quyền lãnh thổ được bảo vệ vững chắc; thành phố văn minh, thịnh vượng”, ông Nghĩa bày tỏ.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cũng lưu ý, luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc với các điều khoản ưu đãi không được trái Hiến pháp, nên cần thêm điều khoản nêu rõ, lãnh thổ 3 đặc khu đều liên quan tới biển đảo, chủ quyền trên biển nên phải tuân theo luật Biên giới, luật Biển và luật Tài nguyên nước.

“Cho nên, luật pháp và chính sách của chúng ta phải có thiết kế sao cho chỉ mở cửa cho bạn bè, chứ không rước kẻ cướp vào nhà; nếu kẻ cướp giả làm bạn tốt thì phải có chế tài để đuổi chúng ra. Do đó, phải quy định tiêu chí và quy trình rà soát chặt chẽ đối với nhà đầu tư chiến lược, vì dự luật dành cho họ những ưu đãi khá dễ dãi và quyền hạn quá lớn. Liệu những nhà đầu tư công nghệ cao có lựa chọn các đặc khu, hay các đặc khu chủ yếu sẽ thu hút đầu tư về casino, du lịch, bất động sản?”, ông Nghĩa băn khoăn.

Vẫn theo đại biểu này, rút kinh nghiệm nhiều khu đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế mở vừa qua, việc thu hồi đất diện rộng đã tạo ra sự bất ổn, khiếu kiện kéo dài mấy chục năm trong việc đền bù, giải tỏa, tái định cư của hàng triệu dân. Do đó, quy định thu hồi đất để thực hiện ”các dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng” quá rộng có thể ảnh hưởng đến việc triển khai hoạt động của đặc khu kinh tế.

“Về lộ trình thành lập các đặc khu, do chúng ta đang thí điểm nhiều mặt, đề nghị không triển khai đồng loạt, chỉ nên làm trước 1 đặc khu để rút kinh nghiệm, rồi mới làm tiếp. Lò đã nóng lắm rồi, chúng ta chắc không ai muốn có thêm nhiều củi sau khi 3 đặc khu ra đời”, ông Nghĩa cảnh báo.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.