Lỗ do quản trị, DN xăng dầu phải chịu!

23/09/2011 00:54 GMT+7

Doanh nghiệp (DN) xăng dầu kêu lỗ, lãnh đạo Bộ Công thương cũng cho rằng kinh doanh xăng dầu lỗ nhưng Bộ trưởng Bộ Tài chính với các số liệu cụ thể đã chứng minh các DN xăng dầu có lãi.

 

Với tư cách là Bộ trưởng Tài chính, tôi không chấp nhận bất kỳ một khoản chi phí nào do chủ quan DN gây ra, người dân họ cũng không thể chấp nhận được - Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ - Ảnh: Ngọc Thắng

Theo các chuyên gia, các DN xăng dầu rất khó lỗ. Còn nếu lỗ thì là do quản trị yếu kém.

TS Hoàng Thọ Xuân, nguyên Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), nhận định muốn biết được lỗ lãi của các DN xăng dầu phải có đầy đủ số liệu và nhiều yếu tố khác để làm căn cứ tính toán. Nhưng nếu DN thực sự lỗ, nguyên nhân chắc chắn từ lỗi quản trị. Bởi quản trị DN yếu kém sẽ dẫn tới chi phí tăng cao, khiến giá cơ sở cũng tăng theo.

Nhập nhèm và tù mù

Liên quan tới chuyện giá xăng dầu nhập khẩu, TS Xuân đặt vấn đề, các DN xăng dầu chưa rõ ràng ở nhiều yếu tố. Họ phải biết đâu là thị trường cung cấp tốt nhất giữa rất nhiều thị trường nhập khẩu khác nhau; liệu DN đã chọn được giá nhập khẩu tốt nhất, đối tác cung cấp hợp lý nhất hay chưa; giá gốc như thế nào, chi phí nào tối ưu nhất; tại sao phải chọn duy nhất một nhà cung ứng; nguyên tắc để tính giá cơ sở là gì; yếu tố nào để cấu thành giá cơ sở...

Những vấn đề này đều rất nhập nhèm và tù mù. Cho nên, cần phải nghiên cứu căn cơ và mổ xẻ từ gốc để tìm ra thực tế lỗ lãi. DN cho biết có báo cáo tất cả với cơ quan quản lý, nhưng vấn đề người tiêu dùng quan tâm là báo cáo có trung thực và hợp lý hay không. “Các DN xăng dầu cần có câu trả lời sòng phẳng cho Nhà nước và xã hội đối với tất cả những vấn đề chưa rõ ràng. DN xăng dầu là DN nhà nước nên không khó để làm rõ mọi thứ. Nếu ê-kíp điều hành của đơn vị nào không ổn thì có thể thay thế bằng ê-kíp khác hiệu quả hơn”, ông Xuân nói.

Theo TS Nguyễn Minh Phong, Viện Nghiên cứu kinh tế - xã hội Hà Nội, các DN xăng dầu lỗ qua nhiều hình thức, trong đó có lỗ do quản trị, chẳng hạn chi phí thất thu, tuyển dụng quá nhiều lao động... Do đó, nếu lỗ về quản trị thì DN phải chịu trách nhiệm chứ không thể chờ đợi Nhà nước bù lỗ. Để tránh phải tiếp tục chịu lỗ, các DN cần phải thiết kế lại hệ thống kinh doanh của mình, làm sao ít nhân sự hơn, áp dụng khoa học công nghệ bằng cách tự động hóa máy móc hiện đại, tránh hao hụt lớn như hiện nay. Còn theo một chuyên gia kinh tế (đề nghị không nêu tên), DN quản lý không tốt dẫn đến lỗ thì người lãnh đạo và DN đó phải chịu trách nhiệm, không thể bắt người dân thông qua Nhà nước gánh thay. "Không thể bắt người dân phải gánh các khoản tiệc tùng, rượu chè, chi tiêu phung phí của DN, của người điều hành. DN lỗ triền miên thì phải tính cách giải thể hoặc sáp nhập những công ty nhà nước với nhau, không thể để tồn tại dài lâu được", chuyên gia này bình luận.

Lỗ là điều kỳ lạ

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, về việc lỗ, lãi, ngay bản thân DN kinh doanh xăng dầu cũng  bất nhất vì có lúc thông báo lãi cao nhưng đến khi muốn tăng giá thì kêu lỗ. Giả sử lỗ thật thì người chịu thiệt vẫn là người tiêu dùng, do Nhà nước phải dùng ngân sách để bù vào. Ngân sách ở đây là tiền thuế của người tiêu dùng chứ không thể có nguồn nào khác. Cũng không loại trừ khả năng lãi thật nhưng cuối cùng lỗ vì lãi đã rơi vào túi một nhóm người nào đó. Vì vậy, cần phải đi sâu vào việc tính toán để đánh giá thực chất lỗ hay lãi. "Chúng tôi đang đặt niềm tin vào các kết quả kiểm tra của Bộ Tài chính trong thời gian tới. Bộ Tài chính đang bắt đầu đúng khi thành lập những đoàn kiểm tra các DN xăng dầu. Đây là bước đầu tiên cần thiết để làm rõ lỗ lãi. Các báo cáo từ trước đến nay có đáng tin cậy để làm cơ sở tăng giảm giá xăng dầu có thể sẽ được giải đáp”, bà Lan phát biểu.

Theo TS Lê Đăng Doanh, khả năng lỗ của các DN xăng dầu là rất khó, bởi họ đang nắm giữ thị phần rất lớn và hầu như đang độc quyền, thống lĩnh thị trường. Điều kiện giá xăng dầu thế giới cũng ủng hộ các DN xăng dầu trong nước kinh doanh có lãi; nhiều lần tăng giá nhưng lại giảm giá nhỏ giọt; có quyền làm giá... thì lỗ là điều kỳ lạ. Cho nên phải làm rõ thực phí và hao hụt, đồng thời xem lại mọi chi phí kinh doanh của DN có hợp lý. Đó là những chi phí trong chi tiêu, mua sắm... của DN.

Các chuyên gia kinh tế đều ủng hộ quan điểm của Bộ Tài chính là từng bước điều hành giá cả xăng dầu tuân theo quy luật thị trường, có cạnh tranh và công bằng. Còn hiện nay, kinh doanh xăng dầu vẫn tồn tại các dấu hiệu của độc quyền, có thâu tóm thị trường... Đó là nguyên nhân dẫn đến hệ quả người tiêu dùng thiệt, ngân sách thiệt mà DN thì vẫn liên tục kêu lỗ.

N.Trần Tâm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.