Lơ là tiêm chủng, trẻ nguy kịch do mắc viêm não Nhật Bản

04/06/2018 20:13 GMT+7

Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Nhi T.Ư đang điều trị cho hơn 30 bệnh nhi bị viêm não, viêm màng não , trong đó có 2 trẻ mắc viêm não Nhật Bản rất nặng.

Cháu Lê Quỳnh Tr. (13 tuổi, ở Hải Dương) nhập viện trong tình trạng sốt cao, li bì, co giật. Người nhà cho biết, trước đó, Tr. xuất hiện sốt cao, dùng thuốc hạ sốt nhưng không giảm. 2 ngày sau, trẻ xuất hiện đau đầu, buồn nôn nên được đưa đến bệnh viện tỉnh.
Tại đây, sau khi tiến hành thăm khám, làm các xét nghiệm và chọc dịch não tủy, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi Tr. mắc viêm não Nhật Bản và chuyển lên Bệnh viện Nhi T.Ư (Hà Nội). Do bệnh diễn biến nhanh và nặng nên dù đã điều trị thở máy, dùng thuốc chống phù não đến nay đã 10 ngày, nhưng tình trạng của bệnh nhi Tr. vẫn chưa ổn định.
“Từ bé đến giờ hình như cháu mới được tiêm 1 mũi vắc xin phòng viêm não Nhật Bản, tôi cũng không nhớ lắm, nhưng từ đó đến nay chưa được tiêm thêm mũi nào”, mẹ bệnh nhi Tr. cho hay.
Trẻ cần được tiêm chủng đầy đủ phòng viêm não Nhật Bản và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm (ảnh minh họa) Ảnh Liên Châu
Nằm cùng phòng Cấp cứu Khoa Truyền nhiễm, nhập viện với triệu chứng ban đầu tương tự bệnh nhi Tr. là bé Nguyễn Đức A. (15 tháng tuổi, ở Bắc Ninh), cũng được các bác sĩ chẩn đoán bị viêm não Nhật Bản khá nặng. May mắn hơn Tr. là sau 4 ngày thở máy, điều trị chống phù não, hiện tình trạng của Đức A. đã tạm thời ổn định. Người thân của bệnh nhi này cho hay: “Do từ bé cháu hay bị hắt hơi, sổ mũi rồi ốm suốt, nên gia đình cũng chưa cho cháu đi tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản”.
Nhận biết viêm não/màng não
Thạc sĩ, bác sĩ Đỗ Thiện Hải, Phó trưởng khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Nhi T.Ư, cho biết viêm não Nhật bản là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm lây qua muỗi đốt, có tỷ lệ tử vong và di chứng cao (khoảng 25 - 35%).
Viêm não Nhật Bản thường khó phát hiện sớm do các triệu chứng ban đầu rất giống với những sốt vi rút khác. Tuy nhiên, các gia đình cần lưu ý, đến ngày thứ hai hay thứ ba của bệnh, triệu chứng biểu hiện rõ dần như: sốt cao đột ngột, buồn nôn, nôn khan, đau đầu, phản ứng lờ đờ, chậm chạp.
Với kinh nghiệm nhiều năm điều trị, bác sĩ Hải khuyến cáo: “Viêm não Nhật Bản diễn tiến rất nhanh, có thể sau 3 ngày, thậm chí chí chỉ 1 ngày sau khi biểu hiện bệnh, bệnh nhân đã có biểu hiện co giật, rơi vào hôn mê, phải thở máy, có thể chỉ 1 - 2 ngày là trẻ tử vong”.
Bác sĩ cũng đặc biệt lo ngại về những di chứng thần kinh với bệnh nhân sau mắc viêm não Nhật Bản (ảnh hưởng chức năng vận động, giảm khả năng giao tiếp, giảm hoặc mất khả năng lao động...).
Theo bác sĩ Đỗ Thiện Hải, tiêm chủng là biện pháp tốt nhất để phòng viêm não Nhật Bản. Vắc xin này đã có trong chương trình tiêm chủng quốc gia, do đó, các bậc phụ huynh nên lưu ý thực hiện các mũi tiêm này đúng lịch, đủ mũi. Trong đó, mũi 1 tiêm khi trẻ 1 tuổi, mũi 2 tiêm sau mũi 1 từ 1 - 2 tuần và mũi 3 tiêm nhắc lại 1 năm sau khi tiêm mũi 2.
“3 mũi tiêm này có khả năng bảo vệ trẻ trong khoảng 5 - 7 năm, sau đó nồng độ kháng thể trong máu giảm dần, nguy cơ mắc bệnh lại tăng lên. Do đó, các bậc phụ huynh sau khi cho con tiêm mũi 3, nên đưa trẻ đi tiêm nhắc lại sau 3 - 4 năm, đến khi trẻ được 15 tuổi”, bác sĩ Hải hướng dẫn.
Bác sĩ Hải cũng lưu ý, cần chú ý vệ sinh môi trường, giữ gìn nhà ở sạch sẽ, vệ sinh chuồng trại để muỗi truyền bệnh viêm não Nhật Bản không có nơi trú đậu. Nên ngủ màn, không cho trẻ chơi gần chuồng gia súc, đặc biệt lúc chập tối đề phòng muỗi đốt. Khi trẻ sốt cao cùng với các triệu chứng tổn thương hệ thần kinh (tri giác lơ mơ, co giật...) cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.