Lo ngại giáo viên 'vừa đọc sách vừa dạy'

27/04/2017 08:04 GMT+7

Băn khoăn về giáo viên và thời điểm triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới là nội dung chủ yếu được đề cập đến trong buổi lấy ý kiến đóng góp do Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức vào chiều 26.4.

Sợ học sinh là “vật tế thần”
Ông Trịnh Vĩnh Thanh, Phó phòng Giáo dục Q.Gò Vấp, cho biết chương trình tiểu học xây dựng với trường 2 buổi/ngày trong khi điều kiện thực hiện mô hình này của TP.HCM gặp nhiều khó khăn. Chẳng hạn Q.Gò Vấp mới chỉ có khoảng 60% trường thực hiện được, vậy áp dụng chương trình mới như thế nào? Ở bậc THCS, trước đây các môn vật lý, hóa học, sinh học độc lập. Sắp tới tích hợp thành bộ môn khoa học tự nhiên, vậy nội dung sách giáo khoa sẽ tích hợp theo môn hay từng bài?
Đặc biệt, ông Thanh lo ngại, giáo viên dạy như thế nào, sinh viên các trường sư phạm đã được đào tạo đáp ứng quy định này hay chưa? Nếu để tình trạng giáo viên vừa đọc sách vừa dạy mà không có thời gian nghiên cứu, chưa thí điểm mà triển khai đại trà ngay thì rất dễ rơi vào hệ quả như chương trình hiện hành. Hơn ai hết, học sinh là người chịu hệ lụy, có khi trở thành “vật tế thần”.

Kết quả không như mong muốn, có kiện ngành giáo dục ?
Bà Nguyễn Thị Thu Cúc, Hiệu trưởng Trường THPT Gia Định (Q.Bình Thạnh), cho rằng số lượng môn học còn khá nhiều dù quy định là được chọn, có một số môn e rằng có sự chồng chéo kiến thức. Chẳng hạn ở bậc tiểu học, môn học cuộc sống quanh ta có trùng lắp với tìm hiểu tự nhiên hay tìm hiểu tin học với thế giới công nghệ...?
Cũng theo bà Cúc, điều quan trọng quyết định thành công là giáo viên và học sinh. Thực tế cho thấy một số môn chưa có giáo viên, chưa có kế hoạch đào tạo vậy thì chất lượng giảng dạy như thế nào? Nếu cho rằng có thể chuyển đổi thì cũng cần phải suy nghĩ. Muốn tạo sự đam mê cho học sinh, đạt được mục tiêu đề ra thì phải có giáo viên bài bản chứ không phải cứ đọc sách rồi dạy.
Một lãnh đạo trường THPT Thủ Đức đưa ra ví dụ đối với môn công nghệ, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật có đào tạo mã ngành nhưng rất ít giáo sinh chịu về trường giảng dạy. Từ đó dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên, phải điều chuyển giáo viên môn khác qua.

Bà Bùi Minh Tâm, Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh (Q.1), cũng cho rằng nếu không để đội ngũ giáo viên đi trước thì khó thành công. Chẳng hạn, nội dung, sách giáo khoa không cho giáo viên tiếp cận sớm thì triển khai dạy làm sao đạt chất lượng?
Còn ông Lưu Hồng Uyên, Trưởng phòng Giáo dục Q.6, nói: “Về đội ngũ giáo viên, ở bậc tiểu học may ra còn thuận lợi vì là giáo viên dạy nhiều môn, còn THCS thì khó khăn vì giáo viên đơn môn. Không thí điểm mà triển khai đại trà ngay thì khó đạt hiệu quả”.
Một hiệu trưởng cho rằng, chương trình đề ra mục tiêu như vậy mà đến khi kết quả học sinh không như mong muốn, phụ huynh có kiện ngành giáo dục được không?

tin liên quan

Thần đồng 11 tuổi tốt nghiệp lớp 12

Cậu bé Agastya Jaiswal mới đây đã trở thành hiện tượng của Ấn Độ khi tốt nghiệp lớp 12 chỉ mới 11 tuổi. Cha em rất tự hào vì Agastya là người trẻ nhất ở bang Telangana, Ấn Độ từng đạt được thành tích này.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.