Ngày 20.3, Sở Tư pháp TP.HCM tổ chức Hội nghị góp ý đối với dự thảo bộ luật Dân sự sửa đổi.
Về quy định trong dự thảo “Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ, việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng; trong trường hợp này, tập quán, pháp luật tương tự hoặc án lệ được áp dụng để xem xét, giải quyết”, một số đại biểu đồng tình, cho rằng đây là quan điểm tiến bộ, là cách để tòa án ngày càng nâng tầm, phù hợp với yêu cầu của xã hội. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến khác cho rằng việc thay đổi cần có lộ trình chứ áp dụng tại thời điểm hiện nay là thiếu tính khả thi.
Theo ông Trần Văn Sự, nguyên Phó chánh án TAND TP.HCM, Hiến pháp quy định “thẩm phán và hội thẩm xét xử độc lập và tuân theo pháp luật”, cho nên việc tòa phải đưa ra phán quyết kể cả trong trường hợp không có luật là chưa phù hợp với Hiến pháp. Ông Sự cũng cho rằng “có luật nhưng đôi khi cấp sơ thẩm xử theo quan điểm cấp sơ thẩm; phúc thẩm xử theo quan điểm cấp phúc thẩm”. “Dự thảo có đề cập nếu không có luật thì căn cứ vào lẽ công bằng. Nhưng mỗi người sẽ hiểu lẽ công bằng theo cách của họ. Khi tranh chấp ra tòa, ai cũng nói mình đúng. Xử sơ thẩm, thẩm phán cho 5/5 là công bằng, nhưng khi lên phúc thẩm, cấp này lại bảo chia 2/8 mới công bằng. Như vậy, phán quyết này hoàn toàn là do cảm tính của thẩm phán chứ chưa hẳn đó là công bằng”, ông Sự nói và đề xuất: “Cần chậm mà chắc sẽ tốt hơn”.
Luật sư Bùi Khắc Toản (Đoàn luật sư TP.HCM) cũng nói quy định rộng như trên sẽ gây gánh nặng, áp lực cho các thẩm phán. Có thể bó hẹp lại theo hướng nếu luật không quy định thì xem xét theo nguyên tắc thỏa thuận, tự nguyện cam kết của các bên.
Tại hội nghị, hầu hết đại biểu đề nghị tiếp tục ghi nhận hộ gia đình và tổ hợp tác là các chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự, chứ không nên bỏ đi như dự thảo đề ra.
Bình luận (0)