Loại bỏ than đá là thách thức không dễ vượt qua

27/11/2017 07:30 GMT+7

Thế giới phải giảm tiêu thụ than đá trên toàn thế giới trong khi Liên Hiệp Quốc cố gắng duy trì mục tiêu giữ nhiệt độ trái đất tăng không quá 2 độ C.

Hội nghị cấp cao của Liên Hợp Quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP23) diễn ra ở Bonn, Đức đã khép lại với nhiều sáng kiến, cam kết về môi trường từ các nước nhưng một vấn đề lớn là cam kết cắt giảm sử dụng than đá, giảm phát thải CO2 chưa thực sự rõ ràng và đầy tranh cãi.
Duy trì tham vọng ở Paris
Sau 2 tuần căng thẳng, COP 23 cuối cùng đã đi đến nhất trí giữ vững mục tiêu đầy tham vọng trong Thoả thuận Paris đạt được tại Pháp cách đây 2 năm về chống biến đổi khí hậu. Bộ quy tắc chi tiết thực thi thoả thuận trên cũng đạt được nhiều tiến triển tại COP 23.
Dự kiến, bộ quy tắc sẽ ra mắt cuối năm 2018 và là công cụ thông báo cũng như theo dõi lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính của mỗi quốc gia. Văn kiện này cũng đặt mục tiêu chấm dứt sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong thế kỷ 21.
Hình nộm than đá được dựng lên về cuộc chiến chống sử dụng than đá ngay ngoài Trung tâm hội nghị của LHQ Đình Tuyển

Chủ tịch COP23, ông Frank Bainimarama, Thủ tướng quốc đảo Fiji, nói: “Đây là thành công lớn nhất và quan trọng nhất của COP 23. Hội nghị đã làm việc cần phải làm, đó là tiến hành các hướng dẫn cụ thể nhằm thực hiện Thỏa thuận Paris và chuẩn bị cho các hoạt động tham vọng hơn thông qua cuộc đối thoại Talanoa năm 2018”.

"Đối thoại Talanoa," tiếng Fiji nghĩa là “chia sẻ kinh nghiệm”, sẽ được các nước khởi động trong năm 2018 nhằm xem xét lại các kế hoạch giảm thiểu khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Vì lẽ đó, COP24 tổ chức tại Ba Lan sẽ là thách thức lớn về tương lai của nhiên liệu hóa thạch, trong đó có than đá, một trong những yếu tố quan trọng nhất trong quá trình xem xét cắt giảm lượng CO2 từ các nước.
Người biểu tình phản đối "than sạch" bên ngoài toà nhà LHQ nơi diễn ra COP23 Đình Tuyển

Mịt mù cắt giảm CO2

Tại COP23, Liên minh chống sử dụng than đá đã hình thành gồm Anh, Canada, Mexico, Angola, Bỉ, Đan Mạch, Hà Lan, Phần Lan, Pháp, Ý, New Zeland, Costa Rica, Fiji và nhiều quốc gia khác. Tổng cộng 25 quốc gia, tiểu bang và khu vực đã tham gia liên minh trên với cam kết chấm dứt dùng than để sản xuất điện vào năm 2030 và đặt mục tiêu hỗ trợ các công nhân, cộng đồng bị ảnh hưởng trong quá trình chuyển đổi. Liên minh này ghi nhận khoảng 800.000 người chết mỗi năm trên toàn thế giới do ô nhiễm từ đốt than.
Theo một nghiên cứu được công bố tại Bonn, nếu chuyển đổi phương pháp sản xuất điện thì có thể sẽ kéo giảm từ 11 gigaton phát thải CO2 hiện nay xuống còn 0,5 gigaton vào năm 2035, tức giảm 95%. “Một sự thay đổi trong chính sách năng lượng không còn là vấn đề công nghệ hay kinh tế nữa mà là một vấn đề cam kết chính trị mới đủ mạnh”, chuyên gia Christian Breyer thuộc Đại học Công nghệ Lappeenranta (Phần Lan). Có nhiều bài học như Anh đã chuyển từ sử dụng 40% lượng điện từ than vào năm 2012 xuống 2% lượng điện từ than vào tháng 7.2017.
Những nhà máy điện than được xem là tác nhân chính phát thải khí CO2 Flickr.com

Tuy nhiên, trên thực tế, một số quốc gia tiêu thụ than lớn nhất gồm Trung Quốc (một nửa lượng than thế giới), Mỹ, Ấn Độ và Đức đã không tham gia vào liên minh nói trên. Thậm chí họ tỏ ra “làm lơ” với mục tiêu cắt giảm than. Đơn cử như Đức chần chừ với việc loại bỏ than đá, nguồn nhiên liệu hàng đầu sản xuất tới 45% tổng sản lượng điện của nước này. Nguyên nhân đưa ra là sẽ có khoảng 100.000 người bị mất việc làm. Đây cũng là những lý do cơ bản của Trung Quốc, Mỹ... đưa ra

Trên thế giới, than đá cũng là nhiên liệu sản xuất ra khoảng 40% lượng điện nhưng lại “phả” vào môi trường lượng CO2 khổng lồ. COP23 kết thúc, nhưng chắc chắn, việc giảm sử dụng than toàn cầu sẽ thách thức không dễ vượt qua. Theo các nhà nghiên cứu, nếu thế giới muốn đạt mục tiêu kiềm chế nhiệt độ tăng lên trong thế kỷ này thì việc sử dụng than phải được loại bỏ càng sớm càng tốt.
Ba vấn đề cốt lõi của COP23

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Võ Tuấn Nhân, trưởng đoàn Việt Nam dự COP23, cho biết các nội dung thảo luận tại COP23 rất phong phú, đa dạng, nhưng tựu trung lại là 3 vấn đề lớn gồm: các quy định chi tiết thực hiện Thoả thuận Paris để thực hiện sau 2020; nỗ lực ứng phó biến đổi khí hậu trước 2020; đồng thời chuẩn bị cho nỗ lực đánh giá toàn cầu năm 2018. COP23 cũng là diễn đàn để các quốc gia, các tổ chức quốc tế chia sẻ kinh nghiệm, thành tựu, công nghệ ứng phó biến đổi khí hậu.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.