Loạn giá tôn lợp

19/11/2014 05:00 GMT+7

Một tình trạng xảy ra rất phổ biến ở không ít các địa phương, đó là cùng một quy cách sản phẩm tôn của một thương hiệu trên thị trường, nhưng các cơ sở kinh doanh lại bán với nhiều giá khác nhau.

Máy cán, máy dập tại một cơ sở kinh doanh tôn  
- Ảnh: Nam Anh

Ký hiệu MSC trên tôn nhái - Ảnh: Nam Anh

Tôn cuộn giá rẻ trong kho của một cơ sở - Ảnh: Hà An

Mới đây, sau khi mất nhiều ngày khảo sát thị trường tôn, anh Dũng (ở H.Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) mới chọn mua được 100 m2 tôn “hiệu” H.S để lợp mái nhà. Ưa chuộng tôn H.S nhưng anh Dũng không khỏi lo lắng trước tình trạng biến tôn dởm thành tôn “xịn”. Trước đó, anh đã mua tôn H.S trong một công ty tương đối lớn ở Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc nhưng gần hai tháng sau, anh tá hỏa khi phát hiện trên tôn lợp đã xuất hiện vết gỉ sét, thậm chí có vùng còn bị phai màu. Đây cũng là thắc mắc của nhiều người khi mua tôn “xịn” tại các cơ sở kinh doanh tôn lợp.

Giá rẻ cỡ nào cũng được

 

Chỉ cần có máy in thì tôn Trung Quốc, tôn dởm có thể biến thành tôn chính hãng. Trong trường hợp tôn chất lượng thấp có in nhãn hiệu, chủ kinh doanh sẽ xóa nhãn hiệu cũ rồi in nhãn hiệu chất lượng tốt như H.S hay SSSC để đánh lừa người mua

Anh Trần Văn Dương (38 tuổi, ngụ ở H.Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc)

Trong những ngày vào vai dân buôn tìm mối hàng lớn cung cấp cho các chủ công trình xây dựng, chúng tôi mới tá hỏa khi phát hiện nhiều cơ sở kinh doanh cung cấp tôn chính hãng hiệu H.S hoặc P.N với giá thấp hơn rất nhiều so với giá mà nhà sản xuất cung cấp.

Khi tìm đến cơ sở kinh doanh tôn của ông T. (ở xã Hữu Bằng, H.Thạch Thất, TP.Hà Nội), vừa ngỏ ý mua tôn, ông chủ đã giới thiệu đủ các loại mặt hàng như tôn Trung Quốc, tôn liên doanh. Tại đây còn có bán tôn H.S với giá rẻ bất ngờ, chỉ 65.000 đồng/m2, loại 0,37 mm; 70.000 đồng/m2 loại 0,40 mm... Thậm chí nếu mua nhiều, có xe vận chuyển hàng tận nơi thì giá sẽ được hạ thấp hơn. Ở cửa hàng kinh doanh của ông T., ô tô chở tôn vào ra tấp nập cả ngày.

Anh Trần Văn Dương (38 tuổi, ngụ ở H.Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc), mối quen lấy hàng nhiều năm ở cơ sở ông T. để tiêu thụ, tiết lộ: Sở dĩ tôn “hiệu” tại đây có giá thấp hơn so với hàng chính hãng là nhờ công nghệ giả, nhái để đánh lừa người tiêu dùng. Khi khách hàng hỏi mua, dù là tôn H.S hay tôn P.N, chủ cơ sở cũng đều gật đầu và dù trả giá thật rẻ, họ vẫn đáp ứng được. “Chỉ cần có máy in thì tôn Trung Quốc, tôn dởm có thể biến thành tôn chính hãng. Trong trường hợp tôn chất lượng thấp có in nhãn hiệu, chủ kinh doanh sẽ xóa nhãn hiệu cũ rồi in nhãn hiệu chất lượng tốt như H.S hay SSSC để đánh lừa người mua”, Dương kể.

Theo lời của nhiều chủ thầu xây dựng, thị trường tôn lợp trong nước đang chứng kiến sự “lên ngôi” của tôn lợp Trung Quốc in giả, in nhái tôn của các thương hiệu nổi tiếng. Tại một số cửa hàng kinh doanh tôn, sắt thép trên đường Trường Chinh (Q.Đống Đa, TP.Hà Nội) bày bán la liệt tôn Trung Quốc, tôn liên doanh các loại, khi chúng tôi hỏi mua tôn H.S, bà chủ nhanh nhảu báo giá: 68.000 đồng/m2 loại 0,37mm, 72.000 đồng/m2 loại 0,40 mm. Nhưng tại đây không có bày sẵn tôn H.S để khách hàng chọn mua. “Vì hàng công ty nên chắc chắn mua thì mới gọi điện cho đại lý phân phối chở tới, chứ không có hàng sẵn để xem”, bà chủ lý giải.

 

Bán tôn xốp để gian lận

Ngoài dập mã, một số nơi còn sử dụng chiêu bán tôn xốp để gian lận với hàng tôn chính hãng. Như trong trường hợp khách hàng yêu cầu mua tôn xốp H.S hay SSSC, nhưng nhà máy dùng tôn chất lượng thấp hơn rồi in nhãn hai hãng tôn này lên trên. Do phần xốp được dán lên phần mặt dưới của tấm tôn nên thương hiệu tôn chính hãng bị che mất, khiến người tiêu dùng rất khó phát hiện ra. Còn trong trường hợp khách hàng muốn thấy rõ được dòng chữ in tên thương hiệu, thì chỉ còn cách phải xé lớp xốp, như vậy sẽ hư tấm tôn.

Tương tự, tại nhiều cửa hàng kinh doanh tôn, thép trên địa bàn Hà Nội, chủ hàng cũng chỉ quảng cáo bán tôn chính hãng với giá “mềm” và thường không có hàng mẫu để xem trước.

Mã số “ngầm” của tôn giá rẻ

Tại Đông Anh, một huyện ngoại thành ở Hà Nội, khi vào vai ông chủ mới mở đại lý, chúng tôi được Tuấn, chủ một cơ sở kinh doanh tôn khá lớn cho biết: “Hiện tôn giá rẻ sản xuất đại trà với số lượng lớn và được sản xuất bằng dây chuyền, công nghệ tinh vi, nên khó lòng phát hiện ra. Để không bị nhầm lẫn với hàng xịn, ngay khi sản xuất trong nội dung in ở mặt dưới của tấm tôn có ký hiệu MSC...”. Tuấn cho rằng, hàng MSC là hàng nhà máy sản xuất, nhưng các thông số về chất lượng, kỹ thuật đều mập mờ, không rõ ràng từ màu sắc, độ bền, cho tới độ dày... và chỉ “dân trong nghề” mới để ý tới ký hiệu này.

Đúng như lời của Tuấn, loại tôn mà chủ cơ sở này bán cho khách lạ được in “1221m: MSC, 042. TOVICO, ISO, 9001. 2008”. “Giờ chỗ nào cũng vậy, cứ đường đường mà bán tôn chính hãng thì còn lâu mới khá nổi. Như mấy cửa hàng tôi biết, lần nào nhập tôn về cũng phải độn mấy cuộn MSC vào để về bán kèm. Nếu số lượng tôn tiêu thụ của tôi cỡ trên 50 tấn/tháng thì tôi sẽ đặt hàng mối từ nhà máy nhập tôn giá rẻ, chất lượng thấp của Trung Quốc”, Tuấn nói. Tuấn cũng cho biết, những cuộn tôn in MSC chỉ có giá bằng một nửa so với tôn trong nước. Đây chính là lý do mà các đại lý, cửa hàng bán tôn có thể bán tôn “xịn” trá hình với giả rẻ hơn nhiều so với tôn của nhà máy.

Hà An - Nguyễn Tuấn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.