Có thể thấy điều đó ở ngay kết quả của chuyến thăm. Ấn Độ cam kết cung cấp tín dụng 500 triệu USD cho một số dự án cơ sở hạ tầng ở Myanmar. Hai bên thỏa thuận tăng cường hợp tác khai thác dầu khí ở Myanmar, xây dựng hệ thống đường ống dẫn dầu nối hai nước và đẩy mạnh trao đổi thương mại. Điều đó lại càng nổi bật khi chuyến thăm diễn ra gần như ngay sau khi Chính phủ Myanmar quyết định ngừng xây dựng đập thủy điện Myitsone do Trung Quốc trợ giúp. Hợp tác về năng lượng rất quan trọng đối với cả hai nước vì nhu cầu của Ấn Độ rất lớn và tiềm năng dầu khí ở Myanmar rất dồi dào. Chưa hết, ràng buộc nhau vào những lợi ích chung như thế sẽ nhanh chóng làm láng giềng trở thành đối tác tin cậy và chiến lược, thậm chí tạo nền tảng để trở thành đồng minh trong chuyện này hay chuyện khác. Cả hai cùng hướng tới thời kỳ mới ở Myanmar.
Với những thay đổi ở Myanmar, phương Tây sẽ tăng cường quan hệ với nước này để khai thác thị trường mới. Trung Quốc thì đã có ảnh hưởng lớn ở đây từ lâu. Vì thế, Myanmar sẽ trở thành một trong những đối tác quan trọng trong ván cờ lợi ích địa chiến lược mới ở khu vực. Ấn Độ không thể không cạnh tranh ảnh hưởng và Myanmar không thể không cần đối trọng. Quan hệ song phương này vì thế lợi đơn lợi kép cho cả hai.
La Phù
Bình luận (0)