Việc rửa tay với xà phòng - một việc làm tưởng chừng rất đơn giản, ai cũng có thể làm được và thực hiện một cách thường xuyên tuy nhiên trên thực tế tỷ lệ này còn rất thấp, kể cả trong cơ sở y tế. Khảo sát gần đây nhất của Bộ Y tế cho thấy chỉ 23% rửa tay trước khi ăn và 36% sau khi đi vệ sinh.
Trong khi đó, nghiên cứu của Bộ Y tế cho thấy, có thể giảm từ 1-10% tỷ lệ suy dinh dưỡng của trẻ dưới 5 tuổi nếu cha mẹ thường xuyên rửa tay cho trẻ với xà phòng. Trên thực tế, tỷ lệ người dân rửa tay thường xuyên với xà phòng còn thấp, kể cả các cơ sở y tế. Theo thống kê tại Việt Nam chỉ 23% người dân có thói quen rửa tay bằng xà phòng và nước sạch trước khi ăn, 36% rửa tay bằng xà phòng sau khi đi nhà vệ sinh.
Rửa tay đúng cách với xà phòng là biện pháp ngăn ngừa dịch bệnh hiệu quả, dễ thực hiện, ít tốn kém. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh bàn tay “không sạch” có thể chứa hàng triệu vi khuẩn và rất nhiều tác nhân gây bệnh. Bàn tay không sạch là nguy cơ của hàng loạt các ổ bệnh. Có đến 50% các loại bệnh dễ lây lan như: cúm, tiêu chảy, tay chân miệng… mắc phải do vệ sinh cơ thể không đúng cách
Theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc, cần có các hình thức truyền thông nâng cao ý thức, làm cho việc rửa tay - một hành vi đơn giản nhưng có thể cứu sống được nhiều người - trở thành một thói quen được thực hiện thường xuyên.
Nên lưu ý, để thực hiện được tốt việc này cần phải thông qua việc đảm bảo các trường học và cộng đồng có được những sự hỗ trợ cần thiết: đủ nước sạch và sẵn có xà phòng để có thể làm cho hành vi này trở thành một thói quen hàng ngày, biến việc rửa tay từ một hành động không mấy thích thú thường ngày trở thành một thói quen tích cực.
Duy trì thói quen rửa tay sạch
Mỗi năm, các bệnh tiêu chảy và viêm đường hô hấp cấp tính cướp đi sinh mạng của hơn 3,5 triệu trẻ em dưới 5 tuổi. Rửa tay bằng xà phòng và nước, đặc biệt là vào những thời điểm quan trọng: sau khi đi vệ sinh và trước khi chạm vào thức ăn - sẽ giúp giảm 40% tỉ lệ mắc bệnh tiêu chảy, tuy nhiên hành vi rất đơn giản này lại chưa được thực hiện một cách thường xuyên.
Để cộng đồng có thói quen rửa tay sạch - một biện pháp hữu hiệu phòng chống dịch bệnh đường tiêu hóa: tiêu chảy, tay chân miệng…các cấp chính quyền, các đơn vị trong ngành y tế, các tổ chức chính trị xã hội, tham gia tích cực vào các hoạt động của chiến dịch; tập trung đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền dưới nhiều hình thức nhằm vận động nhân dân hình thành thói quen rửa tay với xà phòng để phòng chống dịch bệnh đến với mỗi người dân, tới mọi miền tổ quốc. Hơn 90 triệu người dân Việt Nam sẽ luôn có bàn tay sạch, dần dần đưa việc rửa tay với xà phòng trở thành một thói quen, nếp sống văn minh và một nét đẹp văn hóa của cộng đồng.
Rửa tay đúng là theo quy trình vệ sinh tay thường quy do Bộ Y tế ban hành với 6 bước cơ bản:
- Làm ướt bàn tay, lấy 3 - 5ml dung dịch rửa tay hoặc chà bánh xà phòng lên lòng và mu hai bàn tay. Xoa hai lòng bàn tay vào nhau cho xà phòng dàn đều.
- Đặt lòng và các ngón của bàn tay này lên mu bàn tay kia và chà sạch mu bàn tay và kẽ các ngón tay (từng bên).
- Đặt lòng hai bàn tay vào nhau, chà sạch lòng bàn tay và kẽ ngón tay.
- Móc hai bàn tay vào nhau và chà sạch mặt mu các ngón tay.
- Dùng lòng bàn tay này xoay và chà sạch ngón tay cái bàn tay kia và ngược lại.
- Chụm đầu các ngón tay của bàn tay này và chà sạch đầu các ngón tay vào lòng bàn tay kia và ngược lại. Rửa sạch tay dưới vòi nước, sau đó dùng khăn sạch thấm khô tay.
Thời gian vệ sinh tay tối thiểu cho cả quy trình là 30 giây.
|
Bình luận (0)