1.Từ nhà tôi lên xã Yên Lãng (H.Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) mười hai cây số. Thuở bé khi nghe bố nói “nước cầu Trà, ma Yên Lãng” tôi hỏi vì sao thì bố cũng không biết.
Sau này tìm hiểu mới rõ cầu Trà cách không xa phía dưới núi Hồng, ngày trước nổi tiếng là vùng nước độc. Lội qua suối ấy là lông chân rụng hết. Phù du và cá tép cũng không sống nổi vì thượng nguồn con suối Trà có rừng lim, lá rụng xuống thải ra chất độc. Bởi thế mà nước luôn trong vắt. Còn “ma Yên Lãng” thì thôi rồi vì nghe nói có thời ở đấy người chết đói nhiều lắm. Mảnh đất ấy thật sự khốn khó từ xưa.
Nhưng rồi những gì tôi được biết sau này đã không còn như trong câu thành ngữ đó. Cánh đồng Yên Lãng tuy không phải thượng đẳng điền nhưng cũng đã gạt cái đói ra khỏi cuộc sống thường nhật. Những năm sau hòa bình và cả những năm đánh Mỹ lúa đã xanh, mặt người đã có sắc hồng, cầu Trà được xây mới, dòng nước vẫn trong nhưng không còn độc như xưa. Cuộc sống có thể coi là ổn cho vùng đất vốn là nơi khỉ ho cò gáy.
2. Mỏ than núi Hồng thuộc địa phận xã này được khai thác từ lâu. Nghe nói chỉ là than cám, nhưng lại là loại than dầu, dùng luyện cốc rất có giá trị. Xưa nay khai thác than núi Hồng chỉ dạng cò con, chở bằng xe tải rong ruổi về Thái Nguyên mỗi ngày vài chuyến cho khu gang thép, còn lại bán cho dân làm chất đốt. Sau này có con đường sắt do quân đội đào đắp nối mỏ than núi Hồng với ga Quán Triều thì thêm ngày đôi chuyến, mỗi chuyến vài ba toa hàng. Con đường đó không an toàn nên các ga xây dựng để đón khách cũng bỏ không, bị hủy hoại dần theo thời gian.
Đường sắt chỉ còn mỗi nhiệm vụ chở than. Khi tốc độ khai thác tăng lên, mỏ than bắt đầu gặm xuống cánh đồng các xóm. Cách nay gần hai chục năm, tôi lên thăm một người bạn học cũ thời phổ thông đang làm phó giám đốc mỏ, đã thấy một số ruộng bị khoét sâu thành thùng đấu. Đây là mỏ lộ thiên, biết mạch than xuống khu đồng nên không ít nông dân khoét đất ruộng mình khai thác than để thu tiền ngay. Từ đấy cả vùng Yên Lãng không “yên” nữa vì những vụ đào tìm mạch quặng bauxite trên sườn đồi, sườn núi và lật mặt ruộng lấy than. Rầm rập chủ bưởng các nơi kéo về và những hố than gạt cây lúa ra khỏi lề canh tác. Do lối khai thác thổ phỉ, tệ nạn xã hội và môi trường ô nhiễm lại bao phủ lên vùng đất yên bình. Người dân bản địa dần lâm vào cảnh khốn cùng do bị người ta thu mất ruộng để đào than. Nước cầu Trà giờ đây ô nhiễm nặng bởi khai khoáng dù rừng lim không còn. Ma Yên Lãng cũng đang hiện trở lại bởi sự khốn quẫn của người dân.
Chẳng lẽ câu “nước cầu Trà, ma Yên Lãng” đã thành lời nguyền không sao gỡ được?
Đông Ngàn
Bình luận (0)