'Lời nguyền' của những tòa tháp

05/04/2015 09:16 GMT+7

Việc xây dựng những tòa nhà chọc trời có phải là điềm gở báo hiệu những năm tháng u ám của nền kinh tế?

Việc xây dựng những tòa nhà chọc trời có phải là điềm gở báo hiệu những năm tháng u ám của nền kinh tế?

Biểu đồ sự song hành giữa nhà chọc trời và những lần lao đao của kinh tế - Ảnh: The Economist - Đồ họa: Hạ Huy
Biểu đồ sự song hành giữa nhà chọc trời và những lần lao đao của kinh tế
- Ảnh: The Economist - Đồ họa: Hạ Huy
Từ cuối thế kỷ 19, kỹ thuật xây dựng đã có nhiều đột phá và các yếu tố hạn chế độ cao các tòa nhà gần như bị loại bỏ. Độ cao của các tòa nhà từ đó chủ yếu phụ thuộc vào những tính toán kinh tế, chiến lược và tâm lý. Trung tâm thương mại Một thế giới, được xây tại vị trí Trung tâm thương mại Thế giới (WTC) sụp đổ trong vụ khủng bố 11.9.2001, là một ví dụ về tính tâm lý và chiến lược của độ cao. Con số 541 m chiều cao (1.776 foot, theo năm nước Mỹ thành lập) được chọn để cho phép nó trở thành tòa nhà cao nhất nước Mỹ và biểu thị cho sức mạnh chính trị của nền cộng hòa.
Do tính biểu tượng của chúng, các tòa nhà chọc trời có thể phục vụ nhiều mục tiêu ngoài việc cung cấp chỗ ở và văn phòng. Chúng có thể xuất phát từ cái tôi của nhà thầu xây dựng và chủ đầu tư trong cuộc đua giành ngôi vị tòa nhà cao nhất của thành phố, quốc gia, khu vực và thế giới. Các tòa nhà siêu cao cũng nằm trong chiến lược phát triển quốc gia hoặc khu vực, như WTC ở New York, Burj Khalifa ở Dubai và Tháp đôi Petronas ở Malaysia. Chúng có tác dụng thu hút du khách, đầu tư và tạo thêm việc làm.
Các tòa nhà chọc trời có thể sinh lợi lớn vì càng xây cao, chủ đầu tư càng có thêm diện tích sàn để cho thuê hoặc bán. Nhưng đến một mức nào đó, các tầng bổ sung không còn hiệu quả về kinh tế bởi chi phí biên - chẳng hạn chi phí dành cho thang máy và lượng sắt thép để gia cố chống gió - tăng nhanh hơn doanh thu biên. Năm 1930, kinh tế gia William Clark và kiến trúc sư John Kingston đã xác định độ cao tối ưu về lợi nhuận cho một tòa nhà chọc trời ở trung tâm New York là 63 tầng. Vì thế, những tòa nhà chọc trời liên tục phá kỷ lục về độ cao có thể là dấu hiệu cho thấy nhà đầu tư đang đánh giá quá cao lợi nhuận tiềm năng. Thực tế, nhiều trường hợp nhà đầu tư xây dựng những tòa tháp phá kỷ lục ngay cả khi họ biết sẽ không hiệu quả về kinh tế, các tòa nhà cao hơn so với độ cao tối ưu về lợi nhuận và có khả năng dẫn tới lạm dụng tài nguyên. Thậm chí, một số chuyên gia đã đề cập tới lý thuyết “lời nguyền nhà chọc trời”, cho rằng đằng sau chiều cao của các tòa tháp là những yếu tố có thể dự báo chu kỳ kinh tế của quốc gia hay cả thế giới.
Sự song hành kỳ lạ
Theo chuyên san The Economist, ý tưởng về một lời nguyền được chuyên gia Andrew Lawrence thuộc Ngân hàng Dresdner Kleinwort Benson đưa ra vào năm 1999, khi ông lưu ý đến sự song hành kỳ lạ giữa việc xây dựng các tòa nhà cao nhất thế giới và khủng hoảng kinh tế. Việc khánh thành Tòa nhà Singer và Tòa tháp Metropolitan Life ở New York, lần lượt trong năm 1908 và 1909, khá trùng hợp cuộc khủng hoảng tài chính năm 1907 và đợt suy thoái sau đó. Tòa nhà Empire State được khởi công ngay trước khi Phố Wall sụp đổ năm 1929 và khai trương năm 1931, khi đại suy thoái đang diễn ra. Tháp đôi Petronas trở thành tòa nhà cao nhất thế giới năm 1996, ngay trước cơn bão tài chính châu Á. Chưa hết, tòa nhà cao nhất thế giới Burj Khalifa mở cửa năm 2010, giữa lòng cuộc khủng hoảng tài chính của thế giới.
Từ ý tưởng ban đầu đó, Lawrence đã hoàn thiện Chỉ số nhà chọc trời (Skyscraper Index). Đây không phải là một chỉ số thực thụ mà đơn giản là một thời gian biểu thể hiện thời điểm các tòa nhà cao nhất thế giới được hoàn thành và thời điểm nổ ra các cuộc khủng hoảng tài chính lớn. Từ đó, ông cho rằng có “sự liên hệ nguy hiểm” giữa việc xây dựng tòa nhà cao nhất thế giới mới và một cuộc khủng hoảng kinh tế chực chờ. Theo Lawrence, những tòa tháp khổng lồ có thể là minh chứng cho sự phân bổ bất hợp lý nguồn vốn trên diện rộng và báo hiệu một đợt biến động điều chỉnh sắp xảy đến của thị trường.
Kết luận từ những thống kê, dù sơ sài, của Lawrence càng cổ vũ cho niềm tin phổ biến rằng độ cao của nhà chọc trời là chỉ báo sớm cho chu kỳ kinh tế. Một số ý kiến cho rằng những tòa nhà cao chót vót thường được xây vào thời điểm gần đỉnh của chu kỳ kinh tế vì khi đó nguồn tiền dồi dào hơn và người ta dễ “hoang phí” hơn.
Giải mã “lời nguyền”
Trong nhiều năm qua, lý thuyết của Lawrence gây ra tranh cãi sôi nổi trong giới chuyên gia, và nhà kinh tế Jason Barr thuộc Đại học Rutgers (Mỹ) đã bắt tay nghiên cứu chi tiết nhằm giải đáp những hoài nghi xung quanh “lời nguyền”. Trong báo cáo có tên Skyscraper Height and the Business Cycle: Separating Myth from Reality (Độ cao nhà chọc trời và chu kỳ kinh tế: Hoang đường và thực tế) công bố vào tháng 10.2014, Barr đặt vấn đề: Nếu mối liên hệ giữa độ cao và chu kỳ kinh tế là có thật và nếu độ cao của nhà chọc trời là chỉ báo sớm cho sự suy sụp kinh tế, thuyết “lời nguyền” sẽ rất hữu ích đối với các chính phủ và giới tài chính.
Trung tâm thương mại Một thế giới sừng sững giữa khu Hạ Manhattan ở thành phố New York - Ảnh: Reuters
Trung tâm thương mại Một thế giới sừng sững giữa khu Hạ Manhattan ở thành phố New York
- Ảnh: Reuters
Barr cùng 2 đồng nghiệp Bruce Mizrach và Kusum Mundra đã tìm hiểu quá trình xây dựng 14 tòa nhà phá kỷ lục độ cao, từ tòa nhà Pulitzer ở New York (khai trương năm 1890) đến Burj Khalifa lẫn quy mô các cuộc khủng hoảng lớn và so sánh chúng với sự tăng trưởng GDP của Mỹ (được các tác giả xem là đại diện khá phù hợp cho kinh tế thế giới). Theo “lời nguyền”, nếu quyết định xây dựng các tòa nhà cao nhất được đưa ra gần đỉnh của chu kỳ kinh tế thì có thể sử dụng các dự án này để dự báo diễn biến kinh tế. Tuy nhiên, các chuyên gia ở Đại học Rutgers nhận ra rằng biên độ thời gian tính bằng tháng từ ngày thông báo dự án đến đỉnh của chu kỳ kinh tế rất lớn, trải từ 0 - 45. Thống kê ngày hoàn công của các tòa nhà và khủng khoảng cũng cho ra biên độ lớn tương đương. Chưa hết, chỉ có 7/14 tòa nhà khai trương trong giai đoạn đi xuống của chu kỳ kinh tế. Như vậy, không thể dự đoán chính xác thời kỳ suy thoái hoặc khủng hoảng bằng cách xem xét ngày thông báo dự án hoặc hoàn công các tòa nhà cao nhất thế giới.
Sau đó, nhóm của Barr còn tiến xa hơn và tiếp tục mở rộng mẫu nghiên cứu lên 311 tòa nhà chọc trời ở 4 quốc gia, vùng lãnh thổ, gồm Mỹ, Canada, Trung Quốc và Hồng Kông để rồi đưa ra kết luận rằng có sự liên hệ một chiều giữa GDP và những tòa nhà cao nhất thế giới. Cụ thể, độ cao nhà chọc trời không thể dự báo thay đổi về GDP, nhưng GDP có thể được sử dụng để dự báo thay đổi về độ cao. Nói cách khác, nghiên cứu phát hiện rằng việc xây dựng các tòa nhà cao nhất được thúc đẩy bởi sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng. Các nhà thầu có xu hướng tìm cách gia tăng lợi nhuận trong bối cảnh tăng trưởng thu nhập (và kéo theo gia tăng nhu cầu về không gian văn phòng) bằng cách xây các tòa nhà ngày càng cao.
Tóm lại, nghiên cứu của Barr và đồng sự đã bác bỏ cái gọi là “lời nguyền của các tòa tháp” và khẳng định độ cao nhà chọc trời không thể là chỉ báo cho suy thoái kinh tế.
Tòa nhà cao hơn 1 km
Theo The Economist, thế giới đang trong một cuộc chạy đua xây dựng nhà chọc trời với gần 100 tòa nhà cao hơn 200 m được xây dựng trong năm 2014.
Năm nay, Thượng Hải sẽ chào đón Tháp Thượng Hải (632 m), tòa nhà cao thứ hai thế giới và cao nhất Trung Quốc. Nhưng cả hai ngôi vị này của Tháp Thượng Hải sẽ mất vào tay Trung tâm tài chính quốc tế Bình An (660 m) ở Thâm Quyến, dự kiến hoàn thành vào năm 2016. Tuy nhiên, tất cả sẽ trở thành “chú lùn” khi so sánh với Tháp Vương quốc đang được xây dựng ở Ả Rập Xê Út. Tòa tháp cao nhất thế giới dự kiến hoàn thành vào năm 2018 này có chiều cao hơn 1 km, gấp đôi tòa nhà cao nhất nước Mỹ là Trung tâm thương mại Một thế giới ở New York.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.