Lợi thế ốc đảo và cành khế tinh thần

02/11/2013 16:19 GMT+7

(TNO) Cho đến trước khi diễn ra cái trận đấu chết tiệt với Atletico Bangu kia, U.23 Việt Nam vẫn giống như một đội tuyển bị lãng quên, một ốc đảo trên biển cả dư luận. Lâu lắm rồi trước thềm SEA Games, những chàng trai của chúng ta mới lại là... ốc đảo, chứ không phải là kinh đô, càng chẳng phải là kinh đô ánh sáng.

(TNO) Cho đến trước khi diễn ra cái trận đấu chết tiệt với Atletico Bangu kia, U.23 Việt Nam vẫn giống như một đội tuyển bị lãng quên, một ốc đảo trên biển cả dư luận. Lâu lắm rồi trước thềm SEA Games, những chàng trai của chúng ta mới lại là... ốc đảo, chứ không phải là kinh đô, càng chẳng phải là kinh đô ánh sáng.

>> Thắng luân lưu, U.23 Việt Nam vào chung kết BTV Cup 2013
>> Ông Hoàng Văn Phúc vẫn chỉ huy U.23 Việt Nam tập luyện
>> Biết trước trận U.23 Việt Nam có... mùi

 
Trước khi diễn ra trận đấu với Atletico Bangu, U.23 Việt Nam (áo đỏ) vẫn giống như một đội tuyển bị lãng quên - Ảnh: Khả Hòa

Cánh báo chí chúng tôi nhìn vào ốc đảo mà bụng dạ mừng thầm, bởi là ốc đảo thì đỡ bị quan tâm, đỡ bị sức ép, đỡ bị áp lực, và từ vị thế của một ốc đảo chúng ta sẽ làm được cái điều mình chưa làm được khi đứng ở vị thế của một kinh đô cũng chưa biết chừng?

Thế nhưng bây giờ thì ốc đảo bị sóng đánh rạn rồi, tin về U.23, về ông Tùng, ông Phúc lại tràn ngập trên báo, trên ti vi rồi. Còn hy vọng gì cho SEA Games 27?

Người ta từng thống kê rằng ở các kỳ SEA Games gần đây, lực lượng báo chí theo chân đội tuyển bóng đá Việt Nam luôn đứng vào hàng số 1 Đông Nam Á. Cầu thủ ăn, ngủ, đi đứng, sinh hoạt như thế nào, tất cả đều được cánh báo chí săn 24/24.

Đó thực ra là chuyện thường của bóng đá chuyên nghiệp, nhưng cơ khổ là phần lớn các cầu thủ Việt Nam lại chưa được dạy phải ứng xử và tự ứng xử trước môi trường dư luận truyền thông chuyên nghiệp.

Thế nên khi trở thành trung tâm điểm, họ hoặc sẽ hoảng loạn áp lực, hoặc sẽ vênh váo huyễn hoặc - cả hai trạng thái đều khiến họ không còn là họ nữa. Một quan chức VFF có lần tâm sự: “Nhiều lúc cứ mong truyền thông ít quan tâm đi, thậm chí là “bỏ đói” đội tuyển đi. Cứ như thế tụi nó lại dễ đá hơn…”.

Thì đợt này đúng là truyền thông đã “bỏ đói” đội tuyển U.23 còn gì. Tròm trèm tháng nay, chuyện về U.19 - cái tập hợp trẻ trung, được nuôi nấng bởi bởi một công nghệ đào tạo hiện đại rõ ràng nóng hơn, hút hơn và hấp dẫn nhiều. Ngay cả khi U.19 ngừng thi đấu, còn U.23 đang thi đấu ở BTV Cup thì vấn đề nuôi và giữ những đôi chân 19 vẫn được chú ý hơn nhiều so với mấy trận giao hữu, cọ xát đơn thuần của U.23.

Thế mà đùng một cái, U.23 lại chơi 30 phút “chủ hòa tiêu cực” trước Atletico Bangu, khiến khán giả Bình Dương phải thốt lên hai tiếng: Bán độ. Mà chẳng riêng gì khán giả Bình Dương, từ Hà Nội, chính một lãnh đạo VFF cũng phẫn nộ nhắn tin vào máy ông trưởng đoàn Trương Hải Tùng khi trận đấu đang diễn ra: “Đá gì mà kỳ vậy? Có gì bất thường không?”.

Cá nhân tôi không đồng nhất hai chữ “bất thường” với hai chữ “bán độ”, nhưng tôi đồng nhất nó với tư tưởng “chủ hòa” để chọn đối thủ ở vòng bán kết, và tiếp tục đồng nhất với cách nhìn nhận của phó chủ tịch VFF Nguyễn Lân Trung: “Các cầu thủ có thể đá “chủ hòa” ở BTV Cup thì họ cũng có thể “chủ hòa” ở SEA Games chứ! Khi ấy thì ai có thể kiểm soát được tinh thần, tư tưởng của họ?”.

Và như thế cái dở của ông trưởng đoàn Trương Hải Tùng (giờ đã là cựu trưởng đoàn) cùng HLV Hoàng Văn Phúc là đã thoả hiệp với tư tưởng “chủ hòa” có phần tiêu cực của quân mình.

Nói lại điều này không phải để trách cứ, mà để cùng nhìn lại những vấn đề  phải sòng phẳng nhìn nhận và rút kinh nghiệm trước khi đem quân đi đánh SEA Games.

Cá nhân tôi tin rằng HLV Hoàng Văn Phúc hay bất cứ nhà cầm quân nào ngồi thay ghế ông Phúc lúc này cũng sẽ đủ bình tĩnh để nhìn ra những điều như thế. Và nếu đã nhìn ra rồi, họ biết phải làm gì để hàn gắn những vết rạn bỗng nhiên ập đến của một ốc đảo.

Tự nhiên lại nhớ về Đội tuyển Việt Nam của Tiger Cup (tiền thân của AFF Suzuki Cup) lần 1 năm 1996. Kỳ Tiger Cup mà thầy Weigang nghi ngờ nhóm “tứ quái” không chơi hết mình nên nằng nặc đòi đuổi nhóm này về nước.

Thế nhưng khi trưởng đoàn Tô Hiền cầm một cành khế trước toàn đội với ý nhắc nhở “quê hương là chùm khế ngọt” thì mọi rạn nứt bỗng được giải quyết một cách thần tốc. Đội tuyển Việt Nam đã đứng dậy sau sóng gió, và một đội tuyển không được đánh giá cao rốt cuộc đã giành chiếc HCĐ ấn tượng.

Bây giờ, U.23 Việt Nam cũng cần một “cành khế” như “cành khế” của ông Tô Hiền ngày xưa.

Hy vọng là khi bay gấp từ Hà Nội vào Bình Dương để ngồi vào ghế trưởng đoàn thay ông cựu trưởng đoàn Trương Hải Tùng, Tổng thư ký VFF Ngô Lê Bằng cũng mang vào đó một… cành khế tinh thần như vậy!

Phan Đăng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.