Trách nhiệm của ai khi gian lận thi cử xảy ra ở nhiều địa phương?

Anh Vũ
Anh Vũ
30/05/2019 09:02 GMT+7

Thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội sáng 30.5, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu kiến nghị cần loại bỏ nền giáo dục nói dối, xử lý nghiêm trách nhiệm gian lận thi cử.

Là đại biểu đầu tiên phát biểu, bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu cho biết, cử tri An Giang vô cùng bức xúc về gian lận thi cử và mong mỏi Bộ Giáo dục - Đào tạo chỉ ra thiếu sót trong những năm vừa qua, đặc biệt là trách nhiệm cụ thể của cá nhân, tổ chức từ T.Ư đến địa phương, bởi gian lận không chỉ xảy ra ở 1 mà nhiều địa phương.
“Mỗi năm 1 lần, Bộ thay đổi cách thức thi tốt nghiệp trung học phổ thông nhưng càng cải cách, kết quả lại càng kém hơn, tiêu cực nhiều hơn”, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu nhận xét.
Trong 3 năm vừa qua, vẫn theo vị đại biểu của An Giang, Bộ Giáo dục - Đào tạo cũng không tổ chức tập huấn cho tỉnh khắc phục kẽ hở từ khâu chấm thi. Phần mềm chấm môn tự luận quá lỏng lẻo, bài thi trắc nghiệm không rọc phách, dùng bút chì để khoanh. Bộ cũng không đánh giá kết quả thi của các tỉnh, thành phố tỷ lệ như thế nào.
“Không thể không đặt dấu hỏi tại sao nhiều tỉnh miền núi điểm khá, giỏi cao hơn Hà Nội, TP.HCM. Nếu phúc tra trên cả nước, tôi tin sẽ còn phát hiện rất nhiều. Đây là lỗi hệ thống, lỗi quy trình, rất cần có người chịu trách nhiệm trước nhân dân. Có như vậy, những thử nghiệm của Bộ Giáo dục trong thi cử nói riêng và giáo dục nói chung mới đảm bảo tính nghiêm túc”, đại biểu Hiếu đề nghị.
Nhìn rộng hơn, đại biểu này cho rằng, Bộ Giáo dục - Đào tạo có nhiều cải cách, tuy nhiên phương pháp chưa đúng: “Đúng làm sao được khi 1 lớp học 100% học sinh loại giỏi. Phiên thảo luận về luật Giáo dục sửa đổi, nhiều ý kiến đã bàn về triết lý giáo dục, theo tôi trước mắt cần đưa ra nguyên tắc giáo dục rất cần thiết lúc này là một nền giáo dục không nói dối, không thể tạo ra một sản phẩm giáo dục hoàn hảo khi chúng ta nói dối ngay từ những năm đầu tiên các con cắp sách tới trường”, ông nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.