Lớp học của những người “đặc biệt”

06/11/2012 03:10 GMT+7

Đã 80 tuổi nhưng cụ Hồ Hương Nam (số nhà 253, An Dương, Yên Phụ, Tây Hồ, Hà Nội) vẫn hằng ngày miệt mài đến Trường để chăm sóc, dạy dỗ những trẻ em khuyết tật ở trường THCS An Dương.

Tấm lòng của một nhà giáo

Cụ Hồ Hương Nam sinh năm 1933, từng là giáo viên của Trường THCS Hoàng Hoa Thám. Quê gốc của cụ ở Đông Ba (Huế), sau năm 1954, cụ tập kết ra Bắc sinh sống và làm việc.

Khi còn là giáo viên, cụ cũng là cộng tác viên dân số gia đình và trẻ em ở phường Yên Phụ. Tiếp xúc với nhiều với mảnh đời nên cụ hiểu hơn ai hết nỗi khổ của những con người khuyết tật. Những lúc ấy cụ cũng muốn làm một điều gì đó để giúp đỡ những con người bất hạnh này nhưng vì điều kiện không cho phép, mãi đến sau này ý tưởng mở lớp học tình thương của cụ mới được thực hiện.

Lớp học của những người “đặc biệt”
Cụ Hồ Hương Nam - Ảnh: Hồng Nhung 

Ở cái tuổi đáng lẽ ra sẽ được nghỉ ngơi để sum vầy với con cháu, thế nhưng cụ Nam lại không nghĩ vậy. “Mình tuổi già, nhưng vẫn đang còn sức khỏe để đóng góp cho địa phương. Nói rộng hơn đó là tình thương và trách nhiệm. Các cháu khuyết tật đã thiệt thòi rồi, vậy thì mình cũng phải làm một cái gì đó để đỡ đần, giúp đỡ các cháu”, cụ Nam tâm tình.

Mỗi học trò, một phương pháp giảng dạy

Cụ Nam mở lớp học tình thương vào năm 1997 đặt ở trong Trường THCS An Dương. Lúc mới mở lớp, cụ đã phải cất công đi từng nhà để vận động gia đình cho con em tới lớp. Những ngày đầu ấy cụ gặp rất nhiều khó khăn bởi nhiều gia đình không ủng hộ. Khi cụ đi vận động, nhiều gia đình nghĩ rằng con cái họ bị tật nguyền rồi, có học tập thì cũng không thay đổi được gì nên họ nhất quyết không cho con họ đi học. Nhiều lần bị từ chối như vậy, thế nhưng cụ Nam vẫn không nản chí, hằng ngày cụ vẫn đến từng nhà vận động. Sự kiên trì và tình thương của cụ Nam lâu dần đã lay động được mọi người để nhiều người quyết định cho con cái mình tới theo học lớp của cụ Nam. Hiện tại lớp học của cụ hoạt động từ thứ hai đến thứ sáu theo lịch của nhà trường.

Lớp học này đặc biệt từ cô giáo cho tới học sinh. Học trò đa số là trẻ em có hoàn cảnh không may (câm điếc, mù lòa, thiểu năng trí tuệ…). Nhắc tới những học sinh “đặc biệt” ấy, “cô giáo” Nam đùa rằng: “Mình đã là cô giáo đặc biệt rồi nên giờ dạy học sinh đặc biệt cũng mong sao chúng có thể làm nên những điều đặc biệt, đó là sau này có thể tự lập, hoặc ít nhất cũng ý thức được bản thân để giảm gánh nặng cho bố mẹ chúng”.

Thế nhưng để làm được điều đặc biệt ấy không hề đơn giản. Các học sinh trong lớp không được như người bình thường, nên bản năng tự chủ và ý thức tiếp thu rất kém. Lớp học có 15 người nhưng cụ phải dạy mỗi người theo một phương pháp khác nhau. Học sinh câm điếc cụ dạy họ phương pháp viết, học sinh mù cụ dạy họ phương pháp nghe… Nhiều lúc cụ Nam là cô giáo nhưng đôi lúc cần thiết cụ cũng có thể trở thành người mẹ, người bà của các học sinh ấy. Chính tình thương bao la của cụ đã truyền cho những học sinh có hoàn cảnh không may ấy thêm động lực và niềm tin vào cuộc sống. Các học sinh trong lớp luôn xem cụ như là một “bà tiên” đối với mình.

Đã 15 năm gắn bó với lớp học đặc biệt ấy, thế nhưng cụ không hề nhận bất cứ một sự trợ cấp nào từ phía chính quyền cũng như nhà trường. Cụ bảo rằng mình được dạy miễn phí, được giúp đỡ các em như thế này đã là vui lắm rồi. Hằng ngày cụ vẫn chỉ dựa vào những đồng lương hưu của mình để trang trải cuộc sống tuổi già. Cụ chỉ ước mình thêm sức khỏe để có thể gieo thêm những mầm xanh hy vọng cho những mảnh đời bất hạnh.

Hồng Nhung

>> Giúp trẻ em khuyết tật
>> Giúp trẻ em khuyết tật
>> 148 lớp học “gia sư áo xanh”
>> 148 lớp học “gia sư áo xanh”
>> Trần lớp học rơi, 4 cô trò phải nhập viện
>> Lớp học xóm trọ công nhân

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.