Lớp học đặc biệt

07/11/2022 14:00 GMT+7

Lớp học đặc biệt, đó là lớp học của Cô giáo Đào Thị Thanh An - Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Nguyễn Việt Khái, huyện Phú Tân, TP. Cà Mau dành cho những người phụ nữ nghèo, do điều kiện cuộc mưu sinh hoặc di tản trong chiến tranh mà chưa biết đến trường học, thậm chí chưa hề được làm quen với con chữ.

Tâm tình cô giáo An

Chị Đào Thị Thanh An trước đây cũng là cô giáo - xa bục giảng mười mấy năm với cương vị là Chủ tịch Hội phụ nữ xã Nguyễn Việt Khái, chị luôn gắn bó với chị em phụ nữ quê hương mình.

Chị An dạy chữ cho phụ nữ Khmer

tgcc

Nguyễn Việt Khái là xã còn nhiều khó khăn của huyện Phú Tân, đa phần chị em nơi đây đời sống bằng nghề đánh bắt cá, mò cua, bắt ốc, làm thuê làm mướn. Một lần tình cờ khi chị giúp chị em làm hồ sơ để hỗ trợ chị em vay vốn ngân hàng để phát triển kinh tế. Nhiều chị em không biết ký tên mình phải lăn chỉ tay. Chị rất xót lòng và cảm thương chị em quê mình. Tình yêu quý các chị em thôi thúc chị An phải mở lớp học tình thương dành cho các chị. Học sinh của chị do điều kiện cuộc mưu sinh hoặc di tản trong chiến tranh mà chưa biết đến trường học, thậm chí chưa hề được làm quen với con chữ. Trò chuyện với chúng tôi chị An tâm sự: “Tôi nghĩ mình sẽ đem chữ về cho các chị, để chí ít các chị cũng viết được tên mình, không phải lăn chỉ tay khi đi làm giấy tờ, hoặc là các chị có thể tự đọc được những thông tin trên báo”.

Lớp học đặc biệt của chị An

tgcc

Từ những suy nghĩ và trăn trở đó, tháng 8 năm 2015 lớp học tình thương của Chị An ra đời và trụ sở Sinh hoạt văn hóa của ấp Gò Công trở thành phòng học đặc biệt.

Để các chị đến lớp, chị bắt đầu lặn lội đến từng ấp, từng nhà một để vận động, thuyết phục chị em đến học chữ. Vẫn biết nhiều người muốn học chữ để làm chủ cuộc đời mình, nhưng những ngày đầu vận động họ đến lớp quả không dễ. Họ tính toán, so đo khi mình là lao động chính trong nhà, đi học thì lấy ai làm việc để trang trải cuộc sống. Âu lo hơn khi có người đã lên chức ông nội, bà ngoại mới cắp sách đến trường liệu có học được không... bằng tình cảm của mình, nhưng mình thuyết phục các chị bằng cả tình cảm và lý lẽ, các chị hiểu và bắt đầu nghe theo mình, lớp học lúc đầu có vài chị em, giờ có mấy chục chị em theo học”, chị An tâm sự.

Yêu thương những chữ cái đầu tiên

Nghe câu chuyện chị Đào Thị Thanh An vừa chia sẻ “các chị không biết viết tên mình, phải lăn chỉ tay khi đi làm giấy tờ” chúng tôi thật sự có cùng cảm xúc với chị An. Cứ thử tưởng tượng xem, thời điểm này đây mà mình không biết chữ thì khi đi đâu đó, mình không đọc được tên đường, xài điện thoại nhưng chẳng lưu được tên ai, và cũng chẳng đọc được tin nhắn. Rồi mỗi khi vào bệnh viện, chắc chắn mình lại nháo nhác tìm người biết chữ để làm thủ tục nhập viện dùm cho,... Vô vàn những bất cập từ nạn không biết chữ, kể cả có thể bị kẻ xấu lợi dụng. Có lẽ vì vậy mà khi được chị An vận động đến lớp, các chị, các cô dù tuổi đã cao vẫn nhiệt tình đi học đều đặn mỗi ngày.

Chị An với chương trình mẹ đỡ đầu trẻ mồ côi vì Covid-19

tgcc

Như câu chuyện của bà Nguyễn Thị Hai ở ấp Gò Công, năm nay bà Hai đã ngoài 60 tuổi. Lúc trẻ phần vì gia đình nghèo, phần do chiến tranh bà không có điều kiện đến trường, ở cái tuổi 63 bà chưa biết viết tên mình thành chữ. Đôi khi thấy con cháu được học hành, bà cũng từng ước mơ được đến trường, biết đọc biết viết như bao người nhưng không lẻ ở cái tuổi này bà lại đi học, và lớp học nào dành cho bà?. Cứ tưởng rằng suốt cuộc đời sẽ không bao giờ biết chữ, vậy mà giờ đây bà đã biết viết tên mình. Không chỉ vậy bà còn tự đọc được tin tức trên báo, và đọc luôn được cả những dòng thông tin chạy trên tivi, bà mừng lắm.

Đứng ngoài cửa lớp học quan sát, thấy bà Hai, cùng các dì các chị đã lớn tuổi mà vẫn nắn nót viết từng con chữ cái đầu tiên, đôi mắt in hằn dấu thời gian, lâu lâu lại nheo vài cái cho đỡ mỏi mà thật xúc động. Việc được đi học, được biết chữ - đây là quyền căn bản của mọi người, vậy mà các chị đã ngoài 40, có người đã hơn 50 thậm chí đã ngoài 60 tuổi vẫn mới bắt đầu học con chữ đầu tiên. Cái tên cha mẹ đặt cho mấy mươi năm mới tự tay mình ghép chữ thành tên. Vậy mới thấy chiến tranh và cái nghèo khó nó khắc nghiệt đến dường nào.

“Giờ mừng không biết nói sao cho đúng, năm mươi mấy tuổi mới biết chữ, nói thiệt không biết chữ ngại dữ lắm, đi đâu cũng khó, tên đường cũng không đọc được, nhất là mỗi lần cần phải ký tên, không biết chữ sao ký, toàn lăn chỉ tay, giờ ký được rồi, mừng lắm”. Bà Thạch Thị Hương, người dân tộc Khmer ở ấp Gò Công, xã Nguyễn Việt Khái vui mừng nói với chúng tôi.

Chị An trao quà cho trẻ em nghèo ở huyện Phú Tân

tgcc

Còn chị Trương Thị Giả, 38 tuổi ở ấp Gò Công, có thể nói chị Gỉa là thành viên nhỏ tuổi nhất của lớp học này, mỗi ngày sau khi vất vả trong cuộc mưu sinh chiều chiều chị lại tranh thủ cùng các dì, các chị ở địa phương đến trụ sở sinh hoạt văn hóa của ấp để học chữ. Chị nói rằng, “trước đây mỗi khi đâu đâu, ai hỏi đến chữ nghĩa chị mắc cở dữ lắm và thấy mình thật thiệt thòi, rất tủi thân, giờ biết chữ rồi chị thấy tự tin hơn, rất mừng”.

Học không bao giờ là muộn

Ngày đi làm, tối đến trong căn phòng trụ sở sinh hoạt văn hóa ấp Gò Công, xã Nguyễn Việt Khái lại vang vọng tiếng đánh vần chữ cái còn chuyệch choạc của các bà, các mẹ. Những “học sinh” U60 như Bà Hai, hay U38 như chị Giả đã chứng minh một điều rằng “Sự học chưa bao giờ là muộn, “học nữa, học mãi”. Nếu giờ đây chúng ta cho trẻ đến trường để mong trẻ có tương lai tươi sáng hơn thì những người chị, người dì, người mẹ trong lớp học đặc biệt này họ đến đây gọi chị Đào Thị Thanh An là cô giáo chỉ bởi một lý do giản đơn là chỉ cần để biết đọc, biết viết, để khỏi phải lăn chỉ tay mỗi khi cần ký tên.

Còn với địa phương, khi lớp học này mở ra chính là lúc sẽ có thêm nhiều người phụ nữ biết tự mình tìm hiểu những thông tin, những quy định, những chính sách của Đảng và Nhà nước trên báo đài, để qua đó họ hiểu và sẽ có lối sống tốt đẹp hơn. Nhận xét về lớp học đặc biệt của chị Đào Thị Thanh An, ông Nguyễn Văn Thống - Phó Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Việt Khái, huyện Phú Tân nói: “Từ hai năm nay, cô Đào Thị Thanh An đã mở lớp học xóa mù chữ cho chị em phụ nữ ở đây, nhất là phụ nữ đồng bào Khmer. Sau hai năm lớp học đi vào hoạt động thì nhiều bà con đã biết đọc, biết viết, biết tự mình đọc thông báo, tin tức. Điều này góp phần rất quan trọng trong việc giúp địa phương tuyên truyền chủ trương đường lối của Đảng, Pháp luật của Nhà nước đến Nhân dân được tốt hơn”.

Rời lớp học tình thương, tôi ra về mang theo hình ảnh các chị, các dì đến lớp với bộ quần áo còn lắm lem bởi những vất vả của cuộc sống thường nhật, nhưng ánh mắt các chị, các dì rạng ngời bởi họ đã biết viết tên mình và hơn cả đó là khi họ nhận được tấm lòng và sự nhiệt tình của cô giáo Đào Thị Thanh An.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.