Tiếp đó, ngày 6.6, Tổ chức Hướng tới minh bạch (cơ quan đầu mối quốc gia của Tổ chức Minh bạch quốc tế), cùng Trung tâm nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng công bố kết quả đề tài nghiên cứu tại VN “Chi phí không chính thức trong dịch vụ y tế…” đã chỉ ra, nạn phong bì là thực trạng nhức nhối, phổ biến trong lĩnh vực y tế, người bệnh phải “lót tay” để được phục vụ tốt hơn… Hai kết quả trên khiến nhiều người giật mình, thất vọng.
Từ cơ chế phục vụ kiểu “xin - cho” của thầy thuốc đối với người bệnh trong nước, đã dẫn đến việc tham nhũng trong lĩnh vực y tế. Lâu nay quan hệ giữa thầy thuốc ở bệnh viện (BV), nhất là BV công lập và người bệnh giống như người ban phát và kẻ ngửa tay xin, mặc dù bước chân vào BV, người bệnh phải trả mọi chi phí; bệnh nhân (BN) chính là khách hàng của BV và bác sĩ (BS), nhưng cung cách phục vụ của nhân viên y tế, BS đối với người bệnh lại không công bằng. Khi vào BV công, tốn một mớ tiền cho việc khám, làm xét nghiệm, chụp chiếu, nhưng người bệnh rất thiếu thông tin, vì y, BS luôn cáu gắt, trả lời cộc lốc, khó chịu, thậm chí còn quát tháo. Hỏi một câu về bệnh tật đã khó, huống chi nói đến người bệnh thắc mắc, phản biện về phương pháp chữa trị do BS đưa ra (điều mà người bệnh ở các nước tiên tiến được làm). Vì thế, để “đổi lấy” sự ân cần, dễ chịu, phục vụ tốt, nhanh của BS, thường BN phải “lót tay” là như vậy.
Điều trái khoáy đang diễn ra hiện nay ở hầu hết các BV công là, người bệnh phải “lót tay” nhiều lần cho một dịch vụ y tế nhưng họ không hề biết. Đó là, nhiều nơi “làm khó”, hoặc “hướng” người bệnh để họ chuyển qua mổ, điều trị dịch vụ - phải tốn chi phí rất cao so với mổ theo chương trình, và BS đã hưởng mấy mươi phần trăm trong mỗi ca mổ dịch vụ, nhưng người bệnh vẫn còn phải biết điều “lót tay” riêng cho BS để đổi lấy cái “nhanh” và “dễ chịu”. Ngoài ra, một số BS tại BV công (thường là những BV lớn, chuyên khoa) “câu” bệnh ra ngoài để mổ, thường là đưa ra cơ sở y tế nhỏ hơn, hoặc BV tư nhân (nhằm hưởng khoản ăn chia cao hơn). Nhiều BN ngại ra cơ sở y tế nhỏ, muốn được mổ tại BV công lớn cho đảm bảo, thì phải “lót tay” cho BS để “được” ở lại mổ dịch vụ ngay chính BV đó!
Người hành nghề ở mọi lĩnh vực đều cần có cái tâm, có đức, nhưng với nghề y là một trong những ngành nghề “y đức” càng được coi trọng, được nhắc đến trước tiên. Phục vụ không tận tình, thậm chí “làm khó” để buộc người bệnh phải “lót tay” cho mình, hoặc phải chuyển qua sử dụng những dịch vụ do mình đặt ra nhằm hưởng lợi là những thực trạng đang diễn ra ngày càng nhiều. Điều đó đã đi chệch hướng, và ngày càng làm xói mòn y đức, gây mất lòng tin, sự tôn kính của người bệnh đối với thầy thuốc.
Thanh Tùng
Bình luận (0)