Lũ các sông từ Quảng Bình đến Thừa Thiên-Huế đạt đỉnh

17/10/2011 09:52 GMT+7

* Hơn 6.100 căn nhà bị ngập sâu ở Quảng Bình (TNO) Đêm qua và sáng nay 17.10, lũ các sông từ Quảng Bình đến Thừa Thiên-Huế đã đạt đỉnh và đang xuống dần; riêng sông Hương và sông Vu Gia - Thu Bồn đang lên.

>> Mưa lũ tại Quảng Bình
>> Quảng Trị: Nước lũ tràn QL1A, kẹt xe hàng cây số
>> Quảng Trị: Ngập lụt trên diện rộng
>> Miền Trung ngập nặng

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, mực nước lúc 4 giờ sáng 17.10, trên các sông chính như sau: Sông Gianh tại Mai Hóa: 4,9m, dưới BĐ2: 0,1m; sông Kiến Giang tại Lệ Thủy: 3,69m, trên BĐ3: 0,99m; sông Hiếu tại Đông Hà: 4,39m, trên BĐ3: 0,39m; sông Thạnh Hãn tại Thạch Hãn: 5,55m, trên BĐ3: 0,05m; sông Bồ tại Phú Ốc: 4,24m, dưới BĐ3: 0,26m; sông Hương tại Kim Long: 2,27m, trên BĐ2: 0.27m; sông Vu Gia tại Ái Nghĩa: 7,57m, dưới BĐ2: 0,43m.

Dự báo lũ sông Hương và sông Vu Gia - Thu Bồn tiếp tục lên, các sông khác từ Quảng Bình đến Thừa Thiên-Huế tiếp tục xuống.

Trưa nay, lũ sông Hương sẽ đạt đỉnh là 2,8m, dưới BĐ3: 0,7m; sông Vu Gia tại Ái Nghĩa lên mức 8,5m, trên BĐ2: 0,5m; hạ lưu sông Thu Bồn lên mức BĐ1, sau đó còn tiếp tục lên.

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư cảnh báo cần đề phòng lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng ở vùng trũng và đồng bằng các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Nam. (Tiến Dũng)

Gần 500 hành khách kẹt tại ga Huế

Mưa lớn kéo dài trong suốt 3 ngày qua, đỉnh điểm có lúc lượng mưa lên tới 300 - 600mm, kết hợp với triều cường hạ du đã khiến nhiều địa bàn của tỉnh Thừa Thiên-Huế ngập sâu trong lũ.

Báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên-Huế sáng nay (17.10) cho biết: mực nước trên các triền sông đang lên rất nhanh, sông Hương tại Kim Long đạt 2,44m trên mức BĐ2; sông Bồ tại Phú Ốc 4,54m vượt mức BĐ3; sông Ô Lâu tại Phong Bình 2,98m vượt mức BĐ3 gần 1m.

Các hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện trên địa bàn đã qua tràn từ 1,5 - 2,4m. Trong đó, hồ thủy điện Hương Điền vận hành hai van xả lũ về hạ du lưu lượng 729m3/giây. Kể từ 8 giờ sáng 17.10, hồ thủy điện này tiếp tục mở ba cửa van khống chế lưu lượng xả lũ bình quân 1.030m3/giây.

Hiện toàn tỉnh Thừa Thiên-Huế đã có 3.946 ngôi nhà bị ngập trong lũ. Trong đó, huyện Phong Điền có 1.240 nhà, Hương Trà: 850, Quảng Điền: 756 và TP Huế có 1.100 nhà.

 
Nhiều tuyến đường ở TP Huế ngập sâu đến 0,7m - Ảnh: B.N.L

Mưa lớn cũng đã gây ngập úng cục bộ hầu hết các tuyến đường tại trung tâm TP Huế, đặc biệt là khu vực nội thành ngập từ 0,1 - 0,3m.

Các đường liên xã dọc triền sông Ô Lâu như: Phong Chương, Phong Bình, huyện Phong Điền ngập 0,4 - 0,5m. Tương tự, các tuyến tỉnh lộ 4, 8… thuộc huyện Quảng Điền ngập sâu từ 0,5 - 1m khiến cho việc đi lại của người dân hết sức khó khăn.

Các tỉnh lộ đi các huyện ngập từ 0,3 - 1m. Đường sắt Bắc Nam tại km 656+ 400 đến 657+100  Mỹ Chánh - Phò Trạch bị ngập 0,5m, hiện đang cấm lưu thông. Tại ga Huế, hai đoàn tàu SE2 và SE4 với tổng số 491 hành khách đang kẹt tại ga.

Tính đến thời điểm này, tỉnh Thừa Thiên-Huế đã tổ chức di dời 507 hộ dân với 1.036 hộ đến nơi an toàn. Tỉnh đang tích cực chỉ đạo thực hiện các biện pháp ứng phó với tình hình lũ lụt diễn biến hết sức phức tạp.

Tại Thừa Thiên-Huế, đã có 1 người bị thương do lũ. Đó là bà Nguyễn Thị Sớm, 56 tuổi, xã Phong Thu, huyện Phong Điền bị té ngã gãy xương bả vai khi đang vận chuyển tài sản di dời trong lũ. (Bùi Ngọc Long)

Hơn 6.100 căn nhà bị ngập sâu ở Quảng Bình

Từ đêm qua đến 9 giờ 30 phút sáng nay 17.10, Quảng Bình tiếp tục có mưa vừa đến mưa to, nước trên các sông Kiến Giang, Gianh tiếp tục lên cao.

Thống kê sơ bộ, tại tỉnh Quảng Bình có hơn 6.100 căn nhà bị ngập sâu gần 1m. Nước lũ cũng làm 3 người chết và mất tích.

Những địa phương bị nặng nhất là Lệ Thủy, Quảng Ninh, Quảng Trạch.

Lệ Thủy là vùng thường xuyên bị ngập lụt của tỉnh Quảng Bình, chính quyền và người dân đã chủ động hơn trong công tác phòng chống, do đó đã hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Tuyến quốc lộ 1A đoạn qua các huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh và Bố Trạch nhiều nơi bị ngập sâu đến 0,5m.

Để đảm bảo giao thông được thông suốt, Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Quảng Bình huy động hơn 50 cán bộ, chiến sĩ phối hợp với Công ty Quản lý đường bộ 494 thành lập các tổ kiểm soát phân luồng và hướng dẫn giao thông tại các điểm bị ngập lụt; đồng thời bố trí lực lượng ứng trực thường xuyên 24/24 giờ.

Thượng tá Nguyễn Thuận Do, Phó trưởng phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Quảng Bình cho biết: “Chúng tôi phối hợp với các lực lượng chức năng để triển khai phân luồng, phân làn, phân tuyến trên quốc lộ 1, đặc biệt là tại các điểm ngập lụt. Chúng tôi đã điện thông báo cho công an tỉnh Quảng Trị, Hà Tĩnh để phân luồng các loại xe không cho đi vào các điểm bị ngập lụt trên địa bàn tỉnh Quảng Bình". (Quang Ngọc)

Phòng chống lũ theo cấp báo động

Báo cáo nhanh của Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão T.Ư sáng nay 17.10 cho biết, lũ tại khu vực Trung Trung Bộ đã làm 2 người chết và 4 người bị thương.

Trong đó, Quảng Bình và Quảng Trị mỗi tỉnh có 1 người chết, cả 4 người bị thương đều ở Quảng Bình. Mưa lũ cũng làm 23.572 căn nhà, 390 ha nuôi trồng thủy sản và 635 ha hoa màu bị ngập, 6.361 hộ dân phải di dời.

Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão T.Ư đã có công điện yêu cầu các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi triển khai phương án chống lũ theo cấp báo động, kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, hạ lưu các hồ, đập vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét để tổ chức sơ tán dân bảo đảm an toàn về người và tài sản.

Các địa phương nêu trên theo dõi chặt chẽ diễn biến mực nước các hồ chứa, thực hiện vận hành điều tiết đảm bảo an toàn công trình và hạ du, chủ động triển khai lực lượng cứu hộ để xử lý sự cố phát sinh đảm bảo an toàn tuyệt đối công trình.

Trước khi xả nước hồ, chủ công trình phải thông báo cho chính quyền địa phương và nhân dân vùng hạ lưu biết để chủ động sơ tán, đồng thời báo cáo Ban Chỉ huy phòng chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn các cấp liên quan để chỉ đạo kịp thời.

Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão T.Ư cũng yêu cầu các tỉnh duy trì lực lượng thường trực tìm kiếm cứu nạn để xử lý khi có yêu cầu, tổ chức lực lượng kiểm soát giao thông tại các khu vực đường bị ngập, các ngầm, đò ngang, đò dọc để hướng dẫn người, phương tiện qua lại đảm bảo an toàn. Nghiêm cấm việc vớt củi khi có lũ đồng thời chuẩn bị mọi thứ theo phương châm 4 tại chỗ (lương thực, nước uống, thuốc men, nhu yếu phẩm...) sẵn sàng đối phó với tình huống bị lũ chia cắt, kéo dài ngày.

Báo cáo nhanh của Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão T.Ư sáng nay cho biết, lũ lớn và kéo dài tại đồng bằng sông Cửu Long đã làm 46 người chết, 80.686 nhà bị ngập nước, 21.451 ha lúa bị ngập úng, trên 1.455 km bờ bao bị sạt lở và 1.294 km đường giao thông nông thôn bị ngập...

Quang Duẩn

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.