Lũ đã xóa tên làng

09/10/2009 01:11 GMT+7

Cho đến ngày 7.10, các cấp chính quyền và lực lượng chức năng ở huyện Đại Lộc (Quảng Nam) mới tiếp cận được địa bàn thôn Đại Mỹ, xã Đại Hưng - tâm điểm tàn phá khốc liệt của bão lũ.

Đã gần 10 ngày nhưng người dân làng Đại Mỹ vẫn chưa hết bàng hoàng trước một trận bão lũ hãi hùng. Dòng sông Kôn hiền hòa bao năm nay, bây giờ thực sự trở thành nỗi ám ảnh đối với người dân làng Đại Mỹ. Chỉ sau một cơn lũ, dòng sông đã đổi hướng ăn sâu vào ngôi làng, lấy đi của người dân tất cả những tài sản mà họ tích cóp được.

Đường bê tông kiên cố cũng bị tàn phá

Ngôi nhà của anh Phạm Văn Thạnh vừa mới hoàn thành cách đây chưa đầy 2 tháng được xem là ngôi nhà lớn nhất, kiên cố nhất trong thôn và là kết quả của sức lao động, toàn bộ tiền của trong bao nhiêu năm qua của vợ chồng anh, nhưng cơn lũ đã biến toàn bộ thành một đống gạch vụn hoang tàn, đổ nát. “Hết trơn rồi. Chừ còn chi nữa, vợ chồng, con cái phải sống nhờ bà con, người thì cho lon gạo, người thì cho cái nồi”. Không riêng gì gia đình anh Thạnh, ở làng Đại Mỹ còn nhiều hộ gia đình khác cũng rơi vào hoàn cảnh màn trời chiếu đất. Rất may là các ngôi nhà bị sụp đổ, cuốn trôi ấy đều không bị thiệt hại về người.

Về Đại Mỹ trong những ngày này, những dấu vết lưu lại của cơn lũ thật khủng khiếp. Cùng với hàng loạt nhà bị cuốn trôi, nhà đổ, xiêu vẹo, tốc mái... thì ở đây người dân phải đối mặt với một nỗi kinh hoàng khác đó là toàn bộ ngôi làng bị vùi lấp trong cát. Cả thôn Đại Mỹ có trên 240 hộ, nhưng đã có đến hơn 50% số hộ gia đình bị vùi lấp một lớp cát dày từ 1 đến 2 mét. Có nhà, cát đã vùi đến nóc. Dù người dân có nỗ lực đến mấy cũng khó có thể khắc phục được để ổn định cuộc sống trong một sớm một chiều.

Muốn vào nhà, người dân phải khom mình thế này - ành: H.T

Ông Văn Bá Lý, Bí thư Chi bộ thôn nói: “Trước mắt, thôn vận động bà con dựa vào nhau mà sống. Nhà nào may mắn còn được ít lúa gạo thì ăn dè xẻn, còn lại hỗ trợ bà con khác cầm hơi. Mất mát quá nhiều, bà con ở đây cũng không còn sức lực để ra đồng”.

Ông  Mai Đình Lự, Phó bí thư thường trực Huyện ủy Đại Lộc cho biết: “Trước mắt huyện vận động đoàn viên thanh niên giúp bà con dựng tạm lại mái nhà để che mưa, nắng, dọn dẹp đường sá để đi lại. Còn với đồng ruộng bị cát vùi lấp thì chỉ có thể huy động máy móc mới san ủi, cày lấp hết được. Về lâu dài, phải tính toán đến phương án di dời thôn Đại Mỹ đến một nơi khác, an toàn hơn”. 

Lời ngỏ

Trong những ngày này, triệu triệu trái tim, triệu triệu tấm lòng đang hướng về miền Trung ruột thịt, nơi mà đồng bào mình đang phải hứng chịu những hậu quả tàn khốc của cơn bão Ketsana.

Liên tục trên các phương tiện truyền thông chúng ta bắt gặp hình ảnh, ánh mắt các em nhỏ miền Trung ngơ ngác, thảng thốt trong mưa, lũ. Quần áo, sách vở, đồ dùng học tập đã bị ngập ướt, bị lũ cuốn trôi, nhiều địa phương các em đã trở lại trường nhưng đi học tay không.

Với mong muốn chia sẻ kịp thời những mất mát thiệt thòi cho các em nhỏ miền Trung và mong các em sớm ổn định cuộc sống, có điều kiện trở lại trường học tập, T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Báo Thanh Niên tổ chức chương trình Một triệu cuốn vở, một triệu cây bút cho trẻ em miền Trung.

Ban Bí thư T.Ư Đoàn kêu gọi các tập thể, cá nhân, các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội hãy đồng hành cùng chương trình, hãy sẻ chia tình cảm và kết nối yêu thương vì miền Trung ruột thịt, hãy thắp sáng ước mơ đến trường cho trẻ em miền Trung.

Mọi sự tham gia ủng hộ cùng các hoạt động cứu trợ khác xin liên hệ Tòa soạn Báo Thanh Niên tại TP.HCM và Hà Nội, các văn phòng đại diện trên toàn quốc.

Ban Bí thư T.Ư Đoàn

Hồ Trọng - Kim Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.