Lũ đặc biệt lớn trên các sông ở Trung Bộ

12/11/2007 16:47 GMT+7

* Tang thương vùng rốn lũ (TNO) Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, hiện nay, lũ trên các sông thuộc các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Quảng Nam đang ở mức đặc biệt lớn, tình trạng ngập lụt xảy ra nghiêm trọng trên diện rộng, lũ có khả năng lên lại.

Hiện nay lưỡi áp cao lạnh lục địa có cường độ ổn định, đới gió đông trên cao vẫn hoạt động mạnh. Tối và đêm nay 12.11, các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Định có thể mưa vừa, mưa to đến rất to, nhưng cường độ mưa giảm so với 12 giờ qua. Tối nay, lũ trên sông Hàn tại Cẩm Lệ và sông Thạch Hãn có khả năng đạt đỉnh; sông Hàn tại Cẩm Lệ lên mức 4,2m (trên BĐ3: 2,5m); sông Thạch Hãn tại Quảng trị lên mức 5,0m, dưới BĐ3: 0,4m. Tối và đêm nay lũ các sông từ Thừa Thiên - Huế đến Quảng Ngãi có khả năng lên lại và dao động ở mức rất cao.
 
Lúc 16 giờ hôm nay 12.11, mực nước trên các sông như sau:
- Sông Thạch Hãn tại Quảng Trị: 4,78m, dưới BĐ3: 0,62m;
- Sông Bồ tại Phú Ốc (Thừa Thiên Huế): 4,67m, trên BĐ3: 0,17m;
- Sông Hương tại Kim Long (Thừa Thiên Huế): 4,30m, trên BĐ3: 1,30m;
- Sông Vu Gia tại Ái Nghĩa (Quảng Nam): 10,04m, trên BĐ3: 1,24m;
- Sông Thu Bồn tại Câu Lâu (Quảng Nam): 5,33m, trên BĐ3: 1,63m; tại Hội An: 3,27m, trên BĐ3: 1,57m, cao hơn đỉnh lũ năm 1999: 0,06m;
- Sông Hàn tại Cẩm Lệ (Quảng Nam): 3,80m, trên BĐ3: 2,10m;
- Sông Trà Bồng tại Châu Ổ (Quảng Ngãi): 4,42m, trên BĐ3: 0,32m;
- Sông Trà Khúc tại trạm Trà Khúc (Quảng Ngãi): 5,25m, dưới BĐ3: 0,45m;
- Sông Vệ tại trạm Sông Vệ (Quảng Ngãi): 3,75m, dưới BĐ3: 0,35m;
- Sông Kôn tại Thạch Hòa (Bình Định): 7,60m, trên BĐ3: 0,10m;
- Sông Ba tại Củng Sơn (Phú Yên): 31,59m, trên BĐ2: 0,09m, tại Phú Lâm: 2,43m, dưới BĐ2: 0,27m.

Tang thương vùng rốn lũ

Tại Bình Định, đợt lũ lụt kinh hoàng đầu tháng 11.2007 vừa thôi hoành hành thì một đợt mưa lũ khác với quy mô lớn lại ồ ạt đổ về. Con số thiệt hại về người và tài sản cứ không ngừng tăng lên từng giờ. Người dân vùng rốn lũ đang đối mặt với muôn vàn khó khăn.

Màn trời chiếu đất

Thiệt hại quá nặng nề đã dồn cuộc sống người dân vùng lũ vào tình cảnh hết sức ngặt nghèo. Lương thực, giống cây trồng, vật nuôi đều bị lũ dữ cuốn trôi. Với nhiều gia đình, tài sản lớn nhất là ngôi nhà che mưa che nắng cũng bị đánh sập hoàn toàn. Họ lâm cảnh màn trời chiếu đất trong cơn túng thiếu.

Anh Trần Văn Thân, 42 tuổi, ở xã Phước Thành, huyện Tuy Phước thất thần nhìn ngôi nhà trong đống đổ nát. Cố nhặt nhạnh cả giờ đồng hồ, anh Thân cũng chỉ thu lượm được vài viên ngói còn nguyên. Tất cả đã vụn nát vì mưa lũ. Sự não nề hiện rõ trên khuôn mặt khắc khổ của anh.

Anh Thân mất sức lao động vì bệnh tật hành hạ, đã phải phẫu thuật đến 3 lần. Vợ anh, chị Phạm Thị Lộc, 37 tuổi, tảo tần bán vé số để nuôi chồng và 2 đứa con (Trần Văn Long, lớp 9 và Trần Văn Lanh, lớp 7 trường THCS Phước Thành). Rong ruổi với xấp vé số từ sáng sớm đến tối mịt, chị Lộc chỉ kiếm được vỏn vẹn 20.000 đồng. Khó khăn lắm anh chị mới dựng được một ngôi nhà để sống qua ngày, nhưng bây giờ đã sập đổ bẹp dí trên nền đất.



Nhà sập hoàn toàn, gia đình anh Trần Văn Thân rơi vào cảnh màn trời chiếu đất (ảnh: Đình Phú)

Gia đình anh Thân, chị Lộc thuộc diện hộ nghèo. “Vợ chồng tui chưa bao giờ có dư được một triệu đồng. Ngày nào lo chạy gạo ngày ấy”, anh Thân ngậm ngùi cho biết. Trước tình thế éo le, bà con lối xóm đã che tạm cho gia đình anh chị một túp lều nhỏ bằng bạt. Bốn phía lều trống hoác. Túp lều tạm bợ ấy sẽ không thể nào trụ vững trước đợt mưa lũ xối xả đang tái diễn.

Cảnh ngộ trắng tay của gia đình anh Thân chỉ là một trong số hàng trăm gia đình nông dân vùng lũ tỉnh Bình Định trong những ngày vừa qua. Lũ lụt cứ hoành hành không dứt. Tất cả chống chọi trong nỗ lực tuyệt vọng. Họ đang khẩn thiết trông chờ vòng tay nhân ái của cộng đồng.

Nỗi ám ảnh từ những chiếc sõng

Bốn đợt lũ liên tiếp trong tháng 10.11.2007 cướp đi sinh mạng gần 30 người dân tỉnh Bình Định. Hai ngày vừa qua đã có thêm 6 người chết và 1 người mất tích.

Khi nước lũ tràn về, các khu dân cư bị cô lập hoàn toàn, nhà cửa ngập gần tới nóc. Nhiều người đã bất chấp hiểm nguy vượt lũ để đi mua lương thực, nước uống. Phương tiện di chuyển chủ yếu là những chiếc sõng trông rất mỏng manh. Dân địa phương ví loại phương tiện này là “xuồng lá tre”. Nó có thể bị nhấn chìm một cách dễ dàng trong mưa lũ.


"Xuồng lá tre" - nỗi ám ảnh chết chóc (ảnh: Đình Phú)

Ông Võ Thành Tiên – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy viên thường trực Ban phòng chống lụt bão tỉnh Bình Định tỏ ra tiếc nuối về sự cố lật sõng diễn ra hằng ngày. Ông Tiên cứ giật mình lẩy bẩy mỗi khi chuông điện thoại reo. Ông sợ sẽ phải nhận thêm một tin buồn nữa. “Chúng tôi liên tục cảnh báo cần phải luôn đề cao tinh thần cảnh giác trong mưa lũ, nhưng bà con ở nhiều nơi vẫn chưa ý thức hết sự rủi ro. Có những cái chết oan uổng quá. Vừa mới chèo sõng ra khỏi nhà thì tai họa ập đến”.

Theo ông Tiên, nếu không thật sự cần thiết, bà con vùng lũ không nên ra khỏi nhà trên những chiếc “xuồng lá tre”. Trong tình thế khẩn cấp cần phải di chuyển, bà con có thể liên lạc với chính quyền địa phương (ứng cứu với phương án 4 tại chỗ) hoặc trực ban Ban phòng chống lụt bão tỉnh nhờ giúp đỡ qua số điện thoại: 056.822544.

“Hy vọng những chiếc sõng không còn là nỗi ám ảnh chết chóc của người dân vùng lũ”, ông Võ Thành Tiên buồn bã nói.

Đình Phú

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.