Năm ngoái, ĐBSCL gần như không có lũ. Hàng ngàn người sống bằng nghề khai thác thủy sản mùa lũ đã một phen nợ nần do nước chẳng chịu lên. Cũng vì vậy mà cái không khí sôi nổi, háo hức của người dân khi đón một mùa lũ mới - lũ đẹp tăng lên nhiều lần.
Người dân miền Tây vui mừng đón con lũ đẹp, nhưng thực tế sản lượng thủy sản đã bị giảm sút nhiều so với những năm trước - Ảnh: Chí Nhân |
Đánh bắt cá vùng giáp biên
Khu vực giáp biên giới với Campuchia là những nơi đón lũ sớm nhất và sản lượng tôm cá về cũng nhiều nhất so với các nơi khác ở miền Tây. Các cánh đồng dọc biên giới bây giờ chỉ toàn nước là nước. Trên những đồng nước ấy, xa xa là các hàng đăng, đú của người dân địa phương dùng để khai thác thủy sản mùa lũ.
Anh Trần Văn Tú, sống trên bờ kênh Vĩnh Tế (xã An Nông, H.Tịnh Biên, An Giang) nói rằng, nghe tin năm nay lũ về sớm, bà con ở đây ai cũng háo hức, cuối tháng 6 đã chuẩn bị xong các dụng cụ đánh bắt. "Tháng 7 nước nhảy khỏi bờ", những đàn cá linh non đầu tiên "vượt biên giới" Campuchia bơi về Việt Nam, được bà con mang đú ra "đón" rất kịp thời. Anh Tú có 3 hàng đú, nếu như hồi đầu mùa mỗi hàng đú anh chỉ thu được chừng hơn chục kg thì đến thời điểm này sản lượng cá thu được đã tăng gấp đôi, ba lần. Trung bình mỗi ngày anh cũng kiếm lời được hơn 300 ngàn đồng. "Năm nay lũ về mừng thiệt, nhưng nếu so với năm, bảy năm trước thì lượng cá chưa bằng phân nửa", anh Tú nói.
Bắt rắn, chuột Trong mùa nước nổi, ở miền Tây còn có nhiều nghề khá đặc biệt như bắt rắn, chuột. Những nghề này tập trung chủ yếu ở H.Tri Tôn (An Giang) vì nơi đây có địa hình cao nên đón lũ trễ hơn các địa phương khác. Khi nước lũ về các loại rắn, chuột đồng không còn chốn dung thân nên di cư đến các khu vực có địa hình cao ráo để ẩn nấp. Người dân sống bằng nghề này cho biết, chỉ cần bỏ công đi bắt mỗi người có thể kiếm bình quân khoảng 200 ngàn đồng/ngày. |
Do tôm cá ngày càng ít nên để bắt được nhiều cá hơn, một số hộ có vốn phải qua tận Campuchia thuê mặt nước "làm lô". "Làm lô" là cách nói của người dân vùng này, do chính quyền Campuchia phân đất thành từng lô cho người dân đấu thầu thuê để khai thác thủy sản mùa lũ. Mỗi lô tương ứng với một xã ở bên ấy, chỉ bằng sáu, bảy mươi phần trăm diện tích một xã ở Việt Nam. Anh Nguyễn Văn Vũ (ở xã An Phú, H.Tịnh Biên) - người từng sang Campuchia "làm lô" nhiều năm, cho biết mấy năm nay, người ta qua Campuchia làm lô ngày càng nhiều vì tôm, cá ở Việt Nam đang ít dần đi.
Anh Tú thuê 1 lô thuộc xã Kamnab, huyện Kirivong (tỉnh Takeo). Trên lô ấy, anh đặt 7 hàng đú. Đưa chúng tôi vượt kênh Vĩnh Tế đi thăm lô trên đất Campuchia, anh Tú nói: "Mỗi ngày, tôi cùng một người em qua Campuchia 3 lượt để thu hoạch cá. Lô này không ngay luồng nên ít cá lắm, chỉ khoảng 500 kg mỗi ngày. Cá đem về được rọng lại trong vèo lưới trên con kênh Vĩnh Tế trước nhà, chờ bạn hàng đến cân vào mỗi sáng. Nếu may mắn thì chỉ cần 2 con nước (vào ngày rằm và 30 hằng tháng, thời điểm nước đổ về nhiều - NV) là có thể lấy lại được tiền đóng thuế và tiền đầu tư cây lưới. Còn để thu hồi vốn đấu thầu thuê đất thì phải đợi lâu lắm, vì lô này tôi trúng thầu với mức 3,2 kg vàng. Mức giá này còn rẻ so với nhiều lô khác và có thời hạn khai thác trong thời gian 10 năm", anh Tú cho biết.
Không chỉ ở Tịnh Biên mà nhiều địa phương khác như: An Phú, Tân Châu, Châu Đốc… người dân sang Campuchia thuê đất làm lô khá phổ biến. Cách tính giá thuê, thuế, hình thức ở mỗi địa phương bên Campuchia cũng khác nhau. Theo nhiều người làm lô ở nước bạn cho biết, làm lô có mức đầu tư lớn mà rủi ro lại cao nên cũng không ít người thiếu kinh nghiệm bị phá sản.
Nuôi, trồng mùa lũ
Nguồn lợi thủy sản tự nhiên ngày càng ít nên cũng có không ít người đã phải chuyển sang nghề khác như: nuôi tôm trên ruộng lúa, nuôi cá đồng, nuôi lươn... Điển hình trong số này có thể kể đến mô hình nuôi tôm càng xanh trong ruộng lúa ở H.Hồng Ngự (Đồng Tháp). Theo ông Nguyễn Văn Buôn, Phó trưởng phòng NN-PTNT huyện, sản lượng thủy sản đánh bắt tự nhiên ở địa phương sụt giảm mạnh, nếu như năm 2009 toàn huyện khai thác được khoảng 1.900 tấn thì đến năm 2010 chỉ còn khoảng 1.000 tấn, con số này năm nay ước tính cũng chỉ khoảng 1.100 tấn. Chính vì vậy mà người dân địa phương đã chủ động chuyển sang các mô hình nuôi thủy sản trong mùa lũ để bù đắp lại nguồn tự nhiên bị sụt giảm. Lợi thế của việc nuôi thủy sản trong mùa lũ là có thể tận dụng một phần nguồn thức ăn tự nhiên nên hiệu quả kinh tế cao hơn so với các thời điểm khác trong năm.
Ông Buôn cho biết, năm 2010 địa phương đề ra kế hoạch nuôi tôm trên 24 ha diện tích đất lúa, nhưng kết quả cuối vụ đạt đến trên 30 ha. Năm nay, nhiều người dân tham gia hưởng ứng mô hình này nhưng địa phương lại đang gặp khó khăn về nguồn giống cung cấp cho nông dân.
Còn ở thị xã Tân Châu, nghề nuôi lươn đang phát triển mạnh với 412 hộ dân tham gia tập trung ở các xã Tân An, Tân Thạnh. Còn ở H.Châu Thành (An Giang), nghề nuôi lươn trong mùa nước nổi đã phát triển nhiều năm với trên 1.000 hộ tham gia.
Trong mùa nước nổi, nhiều người dân còn tận dụng lợi thế này để trồng các loại rau thủy canh như: ấu, rau nhút, sen, súng, rau muống… Thậm chí, người dân xã Vĩnh Bình (H.Châu Thành, An Giang) còn tận dụng đất trống quanh nhà để trồng điên điển với diện tích gần 10 ha.
"Người dân miền Tây luôn nhạy bén trong việc thích nghi với những hoàn cảnh khó khăn. Nhưng khi những nguồn lợi từ tự nhiên ngày càng cạn kiệt thì cũng là điều đáng buồn và cần phải suy nghĩ", một lão nông ở vùng đầu nguồn sông Cửu Long tâm sự.
Chí Nhân
Bình luận (0)