Lũ qua 'bùn non' ập đến: Người miền Trung tất tả dọn bùn sau lũ

Lê Hồng Hạnh
Lê Hồng Hạnh
19/10/2020 19:36 GMT+7

Chưa kịp vui mừng vì cơn lũ lớn vừa đi qua, người dân tỉnh Quảng Trị lại phải vật lộn với cơn ác mộng mang tên bùn non. Bùn non ở khắp nơi khắp nơi, có nơi bùn non cao nửa mét xung quanh sân vườn.

Như thường lệ mỗi mùa lũ về, khi nước lên cao thì người dân tất tưởi “chạy lũ”, khi nước hạ lại vội vã về nhà để dọn dẹp bùn đất còn lại ở nhà, sân vườn sau cơn lũ. Ngày 19.10 nước lũ ở nhiều huyện trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã rút, công cuộc dọn dẹp hậu quả sau lũ bắt đầu bằng việc “dọn” bùn non.

Ám ảnh đêm lũ lịch sử kinh hoàng "trăm năm có một" ở Quảng Trị

Lũ đi để lại “bùn non”

Cũng như người dân khác, sau khi nước rút tôi và mẹ cũng vật lộn với đống bùn non ở sân và những nơi bị ngập. Mẹ tôi hễ cứ thấy nước hạ từng nào là lại xách nước xối đi bùn non bết dính trên sàn nhà.
Từ lúc còn nhỏ tôi đã chứng kiến cảnh ba mẹ khổ sở vì dọn bùn sau cơn lũ. Cứ hễ nước vào ban đêm, sáng ra là thấy mẹ dành nguyên ngày để dọn bùn đất và dọn dẹp nhà cửa. “Bùn non là phải dọn ngay lúc đó, phải lấy nước dội đi ngay chứ không nó khô cứng lại rất khó dọn. Nước hạ chỗ nào, chỗ nào còn dính bùn non là phải lấy nước dội đi ngay”, mẹ tôi nói.

Người dân dọn bùn quên cả ăn uống

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

Một người dân cào bùn bằng cuốc, bùn ngập lên quá đầu gối

Ảnh: NVCC

Chính vì vậy, dù nước lũ có lên cao nhưng tôi vẫn thấy mẹ ở nhà, nước lũ bắt đầu chững lại không dâng lên nữa là mẹ tôi lại không ngơi tay cho đến khi nước ra hẳn. Mẹ tôi rất kỹ nên thường dọn bùn cho đến khi nhà ướt nhẹp vì nước mới thôi. Dọn dẹp ở nhà xong, mẹ lại đi dọn dẹp phụ nhà người thân.

Lúa, gà của người dân cũng bì bùn bao trùm

Ảnh: NVCC

Đi vòng quanh huyện Cam Lộ (tỉnh Quảng Trị), bùn non ở khắp nơi, cây cối, nhà cửa, trường học, đường đi đều ngập tràn bùn. Không những vậy, lúa, gà cũng bị bùn non trùm lấy. Ở đâu cũng thấy cảnh người dân đi chân đất, quần áo lấm lem, bận rộn dọn dẹp nhà cửa quên cả ăn uống.
Phần lớn người dân ở những vùng ngập sâu vẫn phải ăn cơm trợ cấp vì hầu hết bếp ga đến đồ dùng đều được người dân cất lên gác xép gần mái nhà. Không biết nước sẽ lại dâng lên lúc nào nên chưa ai dám lấy xuống, hơn nữa nhà ẩm ướt, mất điện, trời lại vẫn lâm râm mưa.

Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị đối mặt nguy cơ lũ quét, sạt lở rất cao

Kiệt sức vì dọn bùn

Gia đình anh Trần Anh Quốc (ngụ thôn Thạch Đâu, xã Cam Hiếu, H.Cam Lộ) đã sống chung với cảnh dọn dẹp bùn non gần nửa tháng qua kể từ đợt lũ lớn đầu tiên. Vì nhà ở vị trí thấp cứ mưa lớn là nước vào nhà, nên việc dọn dẹp “chiến trường” đã trở nên quen thuộc với gia đình anh. Mới hôm trước phải hì hục dọn dẹp, hôm sau lại mưa lớn, nước lũ lại ùa vào nhà thế là lại tiếp tục công việc dọn dẹp ngoài ý muốn.
Không biết kêu ai, người dân chỉ còn cách sống chung với bùn đất. Có những nơi ngập nặng, sau khi nước rút bùn non cao lên tận nửa mét, người dân phải dùng xẻng, cuốc, cào phơi lúa (một loại nông cụ của người miền Trung) để cạo bùn non đi.

Nhiều nơi bùn cao lên nửa mét

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

Dọn dẹp bùn non tốn rất nhiều sức, nhiều người dân ngồi ngay giữa nhà, giữa bùn để nghỉ ngơi lấy sức rối lại hì hục dọn tiếp.
Đến chiều ngày 19.10, sau hơn nửa ngày trời dọn dẹp, gia đình chị Trần Na (ngụ Thị trấn Cam Lộ, huyện Cam Lộ) vẫn bất lực thở dài vì dọn mãi vẫn chưa xong bùn đất.
Tranh thủ ngày nghỉ, chị Na cùng chồng về nhà ba mẹ ở thôn Bắc Bình (Xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ) để dọn dẹp phụ ông bà. Trong trận lũ lớn vừa qua, thôn Bắc Bình là một trong những thôn bị ảnh hưởng nặng, nhiều nhà dân bị cô lập vì lũ, nhiều hộ gia đình phải đi sơ tán tránh lũ, người dân trong làng phải chèo thuyền ra cầu nhận đồ ăn cứu trợ rồi chèo về chia cho dân làng.

Nhiều người kiệt sức vì dọn bùn nhiều ngày liên tiếp

Ảnh: NVCC

Chia sẻ với PV, chị cho biết không chỉ gia đình chị, người dân trong làng cũng kiệt sức ngay cả thanh niên trong xóm vì nhiều ngày liên tiếp chèo thuyền lên cầu lấy thức ăn, rồi lại về dọn bùn non.
Chị Na kể lại, vì trong nhà có bà cố đã 97 tuổi, hôm trước vì nước lên cao quá nên phải cho bà lên gác xép nhưng tay bà cố không may bị thương nên phải qua bệnh viện để điều trị. Ba chị Na cũng vì dọn nước lũ quá nhiều nên kiệt sức phải nhờ xe cứu hộ chở đến bệnh viện sau đó.
“Những phần quà như cơm hộp, sữa với người ngoài như mình thì bình thường nhưng từ lúc qua phụ dọn lũ, dọn bùn mới biết người dân đều họ kiệt sức không để ý chuyện đến nấu ăn, nên những phần cơm như rứa đáng quý lắm”, chị bộc bạch.

Người dân không còn cách nào khác ngoài việc sống chung với lũ và bùn đất sau lũ

Ảnh: NVCC

 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.