Lừa đảo qua điện thoại: Lật tẩy chiêu dùng chứng minh giả mở tài khoản ngân hàng

20/11/2015 15:33 GMT+7

Nhiều vụ lừa đảo tự nhận là công an yêu cầu người dân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng và toàn bộ chứng minh nhân được dùng để mở tài khoản ngân hàng là giả.

Nhiều vụ lừa đảo tự nhận là công an yêu cầu người dân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng và toàn bộ chứng minh nhân được dùng để mở tài khoản ngân hàng là giả.

Bọn tội phạm thường dùng tài khoản ngân hàng để nhận tiền lừa đảo - Ảnh: Ngọc ThạchBọn tội phạm thường dùng tài khoản ngân hàng để nhận tiền lừa đảo - Ảnh: Ngọc Thạch
Giả công an để lừa đảo
Trong mấy ngày nay, vợ chồng ông K. (nhân viên nhà xuất bản có trụ sở tại TP.HCM) lo lắng khi liên tục nhận được các cuộc điện thoại từ người lạ tự nhận là công an yêu cầu chuyển tiền vì gia đình ông có liên quan đến đường dây tội phạm.
Mặc dù biết đây là một dạng lừa đảo nhưng vợ ông K. không hết lo lắng khi các cuộc điện thoại xuất hiện cả vào lúc nửa đêm. Trước đó, nhiều người dân tại TP.HCM đã bị bọn lừa đảo qua điện thoại chiếm đoạt số tiền lớn.
Ngày 19.11, cơ quan công an một quận tại TP.HCM đã chỉ đạo tập trung điều tra vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản sau khi tiếp nhận trình báo của người dân. Vào 8 giờ  ngày 17.11, bà T.T.N (72 tuổi, trú tại Q.3, TP.HCM) nhận được một cuộc điện thoại tự nhận là Minh - Công an Hà Nội yêu cầu bà T.T.N chuyển 1,053 tỉ đồng vào tài khoản do Dương Thị Hương đứng tên để phục vụ điều tra sau đó sẽ trả lại số tiền này. Bà T.T.N đã đến Vietcombank chi nhánh Kỳ Đồng thực hiện chuyển 400 triệu đồng vào số tài khoản trên. Sau đó Minh tiếp tục yêu cầu bà T.T.N chuyển thêm 600 triệu đồng còn lại, lúc này bà T.T.N nghi ngờ bị lừa nên đã trình báo công an. Vụ việc này hiện nay đang được cơ quan công an điều tra làm rõ.
Một vụ việc tương tự xảy ra vào giữa tháng 11 đã bị cơ quan công an triệt phá. Bà T.N.H (ngụ TP.HCM) nhận được điện thoại của một người nhận là công an Hà Nội và thông báo bà T.N.H liên quan đến một đường dây ma túy với số lượng lớn. Người này yêu cầu bà T.N.H chuyển 15 triệu đồng vào tài khoản của Trần Văn Mạnh mở tại Sacombank Hải Dương và 300 triệu đồng vào tài khoản của Nguyễn Văn Khơi tại Agribank để phục vụ điều tra. Bà T.N.H đã thực hiện chuyển số tiền này vào 2 tài khoản trên. Sau khi phát hiện bị lừa bà T.N.H trình báo công an và cơ quan công an đã triệt phá đường dây lừa đảo này.
Khi bọn lừa đảo đến ngân hàng rút tiền, công an đã bắt được chúng gồm Đồng Xuân Dũng (SN 1992, tỉnh Quảng Ninh) và Đặng Văn Mùa (SN 1994, ngụ tỉnh Hưng Yên). Dũng, Mùa có nhiệm vụ làm chứng minh nhân dân giả để mở tài khoản tại ngân hàng trong nước rồi cung cấp cho Nguyễn Văn Linh (SN 1989, là anh rể Dũng) cùng một số đối tượng như Thắng, Cường đang sinh sống tại Trung Quốc tham gia vào đường dây lừa đảo người VN bằng thủ đoạn giả cơ quan công quyền để hù dọa qua điện thoại rồi chiếm đoạt tài sản như trường hợp chúng lừa bà T.N.H. Dũng đã mua lại chứng minh nhân dân của Trần Văn Mạnh do Công an Hải Phòng cấp mở tài khoản tại Sacombank rồi cung cấp số tài khoản cho Linh. Mỗi lần lừa và rút được tiền, Dũng, Mùa sẽ nhận được 10% trên số tiền lừa đảo rút được. Ngoài trường hợp bà T.N.H, Dũng còn khai nhận rút cho đồng bọn chiếm đoạt số tiền qua tài khoản mở tại BIDV số tiền 1 tỉ đồng và làm giả nhiều CMND khác, mang tên nhiều người để cho Linh và Thắng ở bên Trung Quốc lừa đảo nhiều vụ.
Chứng minh nhân dân giả qua mặt nhân viên ngân hàng
Bọn tội phạm mua lại chứng minh nhân dân thật nhưng lại dán ảnh giả để mở tài khoản ngân hàng thực hiện nhận tiền lừa đảo.
Theo trưởng phòng mở thẻ một ngân hàng có số lượng phát hành thẻ lớn, các nhân viên mở tài khoản tại ngân hàng thường xuyên được cập nhật thông tin, đào tạo để nhận biết những đặc điểm của một chứng minh nhân dân giả.
Thế nhưng vẫn xảy ra những vụ việc dùng chứng minh giả để mở tài khoản do bọn lừa đảo xử lý tinh vi những giấy tờ này hoặc cán bộ ngân hàng tại tỉnh thành chưa được giỏi để phát hiện ra chứng minh nhân dân giả.
“Những trường hợp lừa đảo qua điện thoại gần đây xảy ra nhiều và tôi cũng không hiểu tại sao người dân lại tin và chuyển tiền cho bọn lừa đảo khi chỉ mới tiếp xúc qua điện thoại. Trong số những người bị lừa, theo tôi biết có cả dân trí thức, học hành đàng hoàng. Người dân cần bình tĩnh khi nhận được những cuộc điện thoại yêu cầu chuyển tiền”, vị này cho hay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.