Lúa ma 'diệt không chết' hoành hành, nông dân khốn đốn bỏ hoang đồng ruộng

24/06/2022 17:49 GMT+7

Lúa ma mọc nhanh, phát triển mạnh, chèn ép các cây lúa khác, diệt mãi không chết khiến người dân chán nản, bỏ hoang đồng ruộng.

Lúa ma còn được gọi là lúa cỏ hay lúa dại, sinh trưởng mạnh, hay chèn ép các cây lúa khác, khó bị diệt trừ nên ảnh hưởng nhiều đến năng suất, nhiều nông dân chán nản bỏ hoang không thu hoạch. Ở một số thửa ruộng, người dân cắt sạch lúa ma nhưng không tuốt lấy hạt mà phơi trên đường làng để hạn chế cho vụ sau. Tình trạng lúa ma đang gây ảnh hưởng nặng nề đến người dân huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam.

Nông dân Hà Nam phơi lúa trên đường làng, không tuốt lúa ma.

Nguyễn BẮc

Khác với lúa bình thường hạt tròn, không có râu nhọn ở đầu, lúa ma có hạt dẹt, nhỏ, ở đầu có râu nhọn rất đặc trưng nên dễ phân biệt.

“Đây là cây lúa ma mới phát triển, nó còn đang đông sữa. Nếu gặp gió bị rụng xuống là nó cũng có thể phát triển thành một cây mới. Râu nó dài, không phải mầm đâu, nó gọi là cái râu. Cái râu nó dài như thế này thì con gì ăn được. Có mấy mét vuông mà nó nhiều thế này đây”, bà Nguyễn Cúc, nông dân huyện Thanh Liêm cho biết.

Lúa ma hạt nhỏ, dẹt, có râu nhọn ở đầu nên rất dễ phân biệt.

Nguyễn BẮc

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thanh Liêm, toàn huyện có gần 13 hecta bị ảnh hưởng bởi lúa ma trên tổng số hơn 5.900 hecta trồng lúa, diện tích này bị ảnh hưởng từ 30% - 50%. Cá biệt có những ruộng lúa mọc hoàn toàn lúa ma nên người dân đã bỏ hoang, không thu hoạch.

“Hiện tượng này là do một phần khâu chăm sóc của bà con nông dân. Khó khăn của chúng tôi ở đây là do bây giờ bà con nông dân đi làm công nghiệp nhiều. Khi mình tuyên truyền thực tế, mình là người sát với đồng ruộng, mình đi kiểm tra thật. Có những hộ dân làm tốt nhưng cũng có hộ dân từ khi cấy đến thu hoạch, người ta chỉ ra đồng 2 – 3 lần. Biện pháp tốt nhất hiện nay là chuyển sang lúa cấy. Có nhiều hình thức cấy mà chúng tôi đang triển khai cho cơ sở, bằng phương pháp mạ khay cấy máy để giảm chi phí tối đa cho bà con nông dân nhưng vẫn hiệu quả”, bà Đỗ Thị Thanh Nga, Phó Phòng NN-PTNT huyện Thanh Liêm chia sẻ.

Lúa thường trồng của người dân huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam.

Nguyễn Bắc

Nguyên nhân gây hiện tượng lúa ma được xác định là do người dân không tập trung cho đồng ruộng từ khâu xuống giống. Nông dân không cấy lúa theo hướng dẫn của cán bộ nông nghiệp mà gieo sạ trực tiếp xuống đồng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.