Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng cơ chế bảo vệ người tố cáo hiện nay ở nước ta là chưa tốt, chưa hiệu quả và còn nhiều yếu kém. Trên thực tế, rất nhiều trường hợp người tố cáo chờ được sự bảo vệ của pháp luật, của cơ quan có thẩm quyền thì đã lãnh đủ “hậu quả” với những “đối tượng ngầm”. Từ đó, các đại biểu đề nghị dự luật nên quy định rõ việc bảo vệ người tố cáo bằng nhiều hình thức, chứ không chỉ “khoán” cho cơ quan công an.
Mặt khác, chủ thể tố cáo không chỉ là công dân Việt Nam mà cần bổ sung thêm là cá nhân người nước ngoài đang công tác, lao động, học tập, sinh sống tại Việt Nam, vì các đối tượng này cũng chịu sự điều chỉnh của luật pháp Việt Nam.
Đối với những tố cáo nặc danh (không rõ họ tên, địa chỉ của người tố cáo), các ý kiến đề nghị nếu có nội dung, bằng chứng cụ thể, rõ ràng và nêu rõ tên người bị tố cáo thì cơ quan chức năng cần phải xác minh, xem xét, chứ không thể bỏ qua.
“Nếu bỏ qua thư tố cáo nặc danh, chúng ta sẽ để lọt hành vi vi phạm pháp luật. Vì thực tế ít người dám mạnh dạn đứng ra tố cáo trực tiếp, công khai vì sợ bị trả thù, trù dập. Nếu ai tố cáo sai sự thật thì có thể bị điều tra, xử lý hình sự với tội danh vu khống”, luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM đề xuất.
Minh Nam - Đình Phú
Bình luận (0)