Luật chưa ban hành đã lạc hậu

24/10/2007 14:56 GMT+7

(TNO) Sáng nay 24.10, Quốc hội (QH) đã thảo luận tại tổ về những điểm còn có nhiều ý kiến khác nhau đối với dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN). Các đại biểu QH dánh giá cao việc ban soạn thảo đã tiếp thu, chỉnh sửa nhiều nội dung trong dự thảo luật từ kỳ họp trước, nhưng nhiều đại biểu (ĐB) QH cũng có ý kiến về vấn đề mức khởi điểm chịu thuế, thuế đối với 3 triệu hộ kinh doanh cá thể...

ĐB Huỳnh Thành Lập (đoàn TP.HCM) nêu ý kiến: “Việc ban soạn thảo đã tiếp thu, quy định miễn thuế cho các khoản đóng góp từ thiện và việc miễn trừ sẽ được thực hiện với các khoản đóng góp từ thiện qua các quỹ từ thiện do Chính phủ quy định  là hợp lý... Nhưng về mức khởi điểm chịu thuế là 4 triệu và mức giảm trừ gia cảnh 1,6 triệu đồng/người theo tôi chưa hợp lý. Nếu như ở các vùng nông thôn thì mức này chấp nhận được nhưng ở các thành phố lớn, 4 triệu không đủ bù chi phí lao động, chăm sóc sức khỏe lúc ốm đau".  "Theo tôi, mức chịu thuế nên là 6 triệu và mức giảm trừ cho người phụ thuộc là 2 triệu”, ĐB Lập đề nghị.

Chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam Đặng Ngọc Tùng tỏ ý băn khoăn về việc quy định các chủ doanh nghiệp tư nhân chỉ đóng thuế thu nhập doanh nghiệp chứ không đóng thuế TNCN. Ông nói: “Theo luật, thuế thu nhập doanh nghiệp tối đa là 28%; thuế TNCN tối đa là 35%. Nhưng thực tế giám đốc doanh nghiệp tư nhân có TNCN cao hơn rất nhiều. Bây giờ có rất nhiều ông chủ doanh nghiệp có hàng chục triệu USD như  các chủ doanh nghiệp kinh doanh địa ốc. Như vậy lại không công bằng”.

Ông Tùng đề nghị: “ Năm 2009 phải thống nhất, đi đến mặt bằng chung là cùng áp dụng mức thuế 25% chẳng hạn. Thuế thu nhập doanh nghiệp giảm xuống 25% mà thuế TNCN tối đa cũng 25%. Thuế TNCN nên tính 5% đến 25% nhưng khoảng cách phải giãn ra”.

Ông Tùng tiếp: “Tôi không hiểu ngành thuế sẽ thu thuế TNCN như thế nào. Ở TP.HCM, hầu hết đi thu thuế là khoán, tháng này có khi thu 2 triệu, tháng sau lại là 5 triệu. Luôn có sự thỏa thuận giữa người kinh doanh và người đi thu thuế. (...) Người dân không sợ nộp thuế, chỉ sợ không công bằng”.

Nói về mức thu nhập chịu thuế, ĐB Đặng Ngọc Tùng nêu ra một vấn đề lớn khác: “Nếu 2 năm nữa, khi Luật Thuế TNCN ban hành có hiệu lực rồi thì mức thu nhập chịu thuế là 4 triệu và mức giảm trừ gia cảnh 1,6 triệu đồng/người còn hợp lý không ?”. Theo ông, nếu bất hợp lý thì cũng không dễ dàng sửa đổi luật ngay và mức chịu thuế được đưa ra sẽ trở thành lạc hậu. Ngày 1.1.2008 sẽ nâng lương tối thiểu rồi năm 2009 có nâng lương nữa không, câu hỏi đó chưa được trả lời trong khi luật đã cột chặt như  thế này”.

Ông Tùng đề nghị: “Nên quy định  mức khởi điểm chịu thuế bằng 10 lần mức lương tối thiểu và mức giảm trừ gia cảnh bằng 4 lần mức lương tối thiểu. Như thế sẽ ổn định lâu dài chứ không ta cứ sửa luật hoài”.

ĐB Dao Nhiễu Linh (TP.HCM) phân tích chi ly: “Mức sinh hoạt bình thường với các khoản ăn, mặc, ở, đi lại, chữa bệnh... thấp nhất 1 tháng cũng hết 6 triệu đồng. Người phụ thuộc cũng hết ít nhất 3 triệu đồng. Tổng cộng là 9 triệu đồng rồi. (...) Cho nên mức chịu thuế phải 8-10 triệu đồng mới hợp lý, chứ quy định như dự thảo luật thì đúng là chưa ban hành đã lạc hậu”. Cũng theo ĐB Linh, trong nhóm đối tượng là người phụ thuộc, ban soạn thảo nên quy định rộng ra vì có nhiều người phải nuôi cả anh, chị, em do có hoàn cảnh khó khăn, không nơi nương tựa.

Tiến sĩ Trần Du Lịch, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế TP.HCM bày tỏ: “Tôi ủng hộ tối đa phải ra Luật Thuế TNCN. Tôi hoan nghênh ban soạn thảo tiếp thu ý kiến của đoàn ĐBQH TP.HCM về việc đưa khoản tiền ủng hộ từ thiện vào diện miễn thuế TNCN. Nhưng đáng tiếc là kiến nghị của đoàn đề nghị khoản tiền mua trả góp nhà được khấu trừ trước thuế mà cái này các nước đều thực hiện thì ban soạn thảo chưa tiếp thu”.

Về mức thuế, theo ĐB Trần Du Lịch: “Theo tôi, Việt Nam nên tạo vùng trũng (về thuế) để thu hút chất xám, thu hút đầu tư nhằm phát triển chứ không nên so sánh với các nước có mức thuế cao”. Tuy nhiên, ông Lịch lại cho rằng mức giảm trừ gia cảnh quy định trong dự thảo là hợp lý: “Một người lao động thu nhập 8 triệu: có 1 vợ, 1 con thì số tiền đóng thuế chỉ là 80.000 đồng/tháng; có 2 con thì đóng 40.000 đồng... Không có gì là cao”. Cũng theo ông, không thể quy định mức khấu trừ cho người phụ thuộc tính theo lương tối thiểu: “Lương tối thiểu điều chỉnh bình quân 20% không có lẽ ta lại khấu trừ 20% mỗi năm?”. Ông lập luận: “Khi hệ số trượt giá cao thì Nhà nước điều chỉnh lại. Chính phủ hoặc Ủy ban Thường vụ điều chỉnh”.

M.Q

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.