Luật chưa làm rõ hành vi rửa tiền

16/11/2011 01:10 GMT+7

Thảo luận tại hội trường về luật Phòng chống rửa tiền hôm qua, nhiều đại biểu Quốc hội băn khoăn vì dự luật vẫn chưa chỉ ra được cụ thể đâu là hành vi rửa tiền và tiền được “rửa” như thế nào… để người dân có thể nhận biết, tố giác.

 

ĐB Đỗ Văn Đương: "Luật phải làm rõ được hành vi rửa tiền chứ không phải là những hành vi nhận dạng"

Thảo luận tại hội trường về luật Phòng chống rửa tiền hôm qua, nhiều đại biểu Quốc hội băn khoăn vì dự luật vẫn chưa chỉ ra được cụ thể đâu là hành vi rửa tiền và tiền được “rửa” như thế nào… để người dân có thể nhận biết, tố giác.

ĐB Đỗ Văn Đương (TP.HCM), cho rằng khái niệm rửa tiền tức là rửa tiền bẩn thành tiền sạch, đồng tiền do phạm tội, phạm pháp mà trở thành đồng tiền có nguồn gốc hợp pháp. Ngoài hoạt động đầu tư vào các công trình, nhà hàng, khách sạn, sòng bạc, kể cả việc đầu tư chứng khoán, cá độ bóng đá cũng có thể diễn ra việc rửa tiền… Vì vậy, theo ĐB Đương, luật phải làm rõ được các loại hành vi rửa tiền chứ không phải là những hành vi nhận dạng các dấu hiệu đáng ngờ.

Chưa phát hiện tội phạm rửa tiền

Trao đổi với Thanh Niên chiều qua, ông Nguyễn Mạnh Hiền, Vụ trưởng Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án kinh tế - chức vụ, Viện KSND tối cao cho biết, từ trước đến nay, các cơ quan tố tụng T.Ư chưa phát hiện ra vụ án nào có liên quan đến tội phạm rửa tiền. “Điều này không có nghĩa là ở nước ta không có tội phạm rửa tiền, hoặc do các đối tượng sử dụng các thủ đoạn tinh vi đến mức các cơ quan chức năng không thể phát hiện”, ông Hiền nói.

Ông Hiền cũng cho biết, nhận định của các cơ quan chuyên môn như Liên Hiệp Quốc, Ngân hàng Thế giới... đều cho rằng, VN là mảnh đất màu mỡ cho tội phạm rửa tiền. Các phương thức, thủ đoạn của loại tội phạm này là lợi dụng giao dịch chủ yếu bằng tiền mặt để mua tài sản có giá trị cao như bất động sản, ô tô, vàng bạc, đá quý... sau đó nhờ người khác đứng tên, cất giấu nhằm hợp thức hóa nguồn tiền. Ngoài ra, thực hiện các hoạt động đầu tư kinh doanh giả tạo để che giấu nguồn tiền.  “Chừng nào chúng ta chưa kiểm soát được hoạt động giao dịch bằng tiền mặt thì việc phát hiện xử lý tội phạm rửa tiền sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với mức độ nguy hiểm của tội phạm này tôi cho rằng, luật Phòng chống rửa tiền cần thiết phải sớm được ban hành để hoàn thiện hành lang pháp lý, giúp cơ quan hữu quan nâng cao khả năng phòng ngừa, phát hiện cũng như xử lý”, ông Hiền nói.

Thái Sơn

Đồng quan điểm trên, theo ĐB Võ Thị Hồng Thoại (Bạc Liêu), chính thói quen dùng tiền mặt trong giao dịch đã trở thành mảnh đất màu mỡ cho hoạt động rửa tiền, thông qua các hình thức, như: giao dịch ngân hàng, chứng khoán, kinh doanh vàng bạc, đá quý… hay những hành vi tham nhũng, hối lộ, biếu xén quà cáp, tiền. Vì vậy, luật cần phải xác định hình thức rửa tiền để các tổ chức, cá nhân có thể nhận biết, tố giác về hành vi này.

Trong khi đó, theo ĐB Trần Hoàng Ngân (TP.HCM), một lĩnh vực rất mới, cũng rất nhạy cảm cho hoạt động rửa tiền chính là hoạt động XNK. Trong năm 2010, doanh số thông qua hoạt động XNK đạt 160 tỉ USD, năm 2011 lên tới khoảng 200 tỉ USD, khiến ĐB lo ngại rất có thể hoạt động rửa tiền nằm ẩn ở trong hoạt động này. “Nhưng đọc trong dự thảo luật tôi thấy chúng ta chỉ dành có 3 dòng để phòng, chống rửa tiền ở lĩnh vực này thì quá ít so với tỷ trọng, doanh số giao dịch XNK hiện nay”, ông Ngân nói.

Cũng theo ông Ngân, thời gian qua, việc hậu kiểm trong vấn đề thanh toán quốc tế khi chuyển tiền XNK khá hạn chế. Nguyên nhân do các ngân hàng thương mại chỉ quan tâm đến khoản phí mình thu được trong hoạt động XNK, nên xuất hiện tình trạng có chứng từ là thanh toán ngay, nhưng sau đó hàng hóa có vào VN hay không thì không kiểm tra được. “Hàng lậu, ma túy vào VN nhưng cuối cùng được hợp thức hóa thông qua các hợp đồng thanh toán XNK đó sẽ rất nguy hiểm. Tôi đề nghị Ban soạn thảo luật nên dành dung lượng nhiều hơn cho việc phòng, chống rửa tiền trong hoạt động này”, ĐB Ngân kiến nghị thêm.

Cơ quan chống rửa tiền quá nhiều quyền?

ĐB Lương Văn Thành (Hải Phòng) cũng khẳng định việc ban hành luật Phòng chống rửa tiền là “hoàn toàn cần thiết” vì VN đang trở thành mục tiêu của tội phạm rửa tiền do sử dụng quá nhiều tiền mặt, thông qua hình thức cá độ bóng đá, đầu tư chứng khoán…

Tuy nhiên, ông tỏ ra băn khoăn về mức giao dịch phải báo cáo của dự thảo luật, vì không biết giá trị lớn là bao nhiêu và vì sao phải giao cho NHNN. Lấy thực tế từ bộ luật Hình sự, ông Thành phân tích khi thực hiện gặp những khái niệm như “hậu quả nghiêm trọng”, “đặc biệt nghiêm trọng”, “có giá trị lớn”… cũng rất khó để có thể được áp dụng khung. Chỉ gần đây khi sửa đổi, bổ sung bộ luật Hình sự, định lượng hóa đối với một số loại tội phạm, thì mới thuận lợi cho việc điều tra, truy tố và xét xử.

“Tham khảo luật Phòng chống rửa tiền của một số nước trên thế giới như Mỹ, Úc quy định trên 10.000 USD, Nhật là trên 30 triệu yen là phải lưu trữ chứng từ và báo cáo. Nghị định 74 của Chính phủ ban hành năm 2005 về phòng, chống rửa tiền cũng quy định giao dịch tiền mặt là trên 200 triệu đồng, gửi tiền tiết kiệm trên 500 triệu đồng phải báo cáo. Do đó luật cần phải quy định cụ thể một mức giá trị để thực hiện. Tuy nhiên, để tránh phải sửa đổi nhiều lần, theo tôi mức giao dịch phải báo cáo nên quy bằng hệ số tiền lương mức cơ bản để dễ điều chỉnh”, ĐB Thành đề xuất.

Tại phiên thảo luận, nhiều ĐB tỏ ra lo ngại dự thảo luật trao quá nhiều quyền cho các đơn vị phòng, chống rửa tiền, qua đó sẽ làm ảnh hưởng tới bí mật riêng tư cũng như vi phạm quyền công dân. ĐB Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội) đề nghị cần xem xét lại nội dung khoản 4, điều 18 khi quy định: cơ quan phòng, chống rửa tiền và các cơ quan có thẩm quyền khác có quyền truy cập vào hệ thống thông tin của các tổ chức, cá nhân. Đồng thời bổ sung điều kiện được truy cập cụ thể, đảm bảo quyền lợi chính đáng của tổ chức và công dân, quyền bí mật về riêng tư của cá nhân đã được Hiến pháp và pháp luật bảo vệ.

Ba điểm mới của dự luật Giám định tư pháp

Chiều qua QH thảo luận tại tổ về dự luật Giám định tư pháp. Ba điểm mới của dự luật thu hút sự chú ý là việc mở rộng phạm vi cho phép đương sự được yêu cầu giám định trong các vụ án dân sự và hành chính; cho phép thành lập rộng rãi cơ sở giám định ngoài công lập; thu hẹp đầu mối giám định tư pháp.

ĐB Đỗ Kim Tuyến, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm - Bộ Công an cho rằng, trong giám định hiện có rất nhiều vấn đề tranh chấp và giải quyết tranh chấp. “Ví dụ, tranh chấp trong giám định tâm thần, hiện nay xảy ra tình trạng lách luật, có vụ án bị xử ở khung rất cao nhưng chỉ cần có một quyết định của giám định tâm thần thì đương nhiên là đối tượng đó sẽ được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự để chữa bệnh. Cần phải đưa vào luật để quy định chặt chẽ nếu không cũng rất khó giải quyết những tranh chấp kiểu như vậy”, ĐB Tuyến đề nghị.

Tuệ Nguyễn

Anh Vũ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.