Luật chuyên ngành 'đè' luật Đầu tư, luật Doanh nghiệp

27/07/2016 06:00 GMT+7

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại - Công nghiệp VN (VCCI), hiện có khoảng 50 luật với 150 điều khoản được coi là 'nút thắt' cần gỡ để tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh, sản xuất của doanh nghiệp (DN).

Thống kê trên được ông Vũ Tiến Lộc đưa ra trong bài phát biểu sáng 26.7 khi QH thảo luận về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Theo ông Lộc, luật Nhà ở không thống nhất với luật Đất đai. Luật Đầu tư, luật DN được thiết kế theo phương án chọn bỏ, trong khi luật chuyên ngành lại làm theo cách chọn cho.
Hai luật này bảo hậu kiểm nhưng luật chuyên ngành vẫn thiên về tiền kiểm. Luật Đầu tư quy định bộ, ngành không được ban hành điều kiện kinh doanh, trong khi một số luật chuyên ngành vẫn giao cho bộ, ngành “đẻ” ra giấy phép mới. Theo luật DN, DN không cần con dấu, trong khi luật chuyên ngành vẫn yêu cầu DN phải đóng dấu vào tài liệu, giấy tờ gửi cho các cơ quan nhà nước.
Cắt nghĩa cho tình trạng này, đại biểu Quốc Khánh (Hà Nội) cho rằng hầu hết các đạo luật đều do các bộ, ngành chủ trì, tham mưu trình Chính phủ nên nội dung cũng thiên về hướng làm sao cho bộ ngành có nhiều quyền chi phối và thuận lợi đối với những lĩnh vực được giao quản lý.
Theo ông Lộc, Chính phủ cũng đã thống nhất phải sửa đổi 58 điều quy định để bảo đảm sự minh bạch, tính đồng bộ, liên thông, hợp lý của hệ thống pháp luật, nhất là các điều khoản thủ tục về đầu tư đất đai, quy hoạch, xây dựng…
Tuy vậy, đại biểu nói rằng ông "thật sự thất vọng" khi chương trình xây dựng pháp luật đã không có nội dung xem xét thông qua luật sửa đổi các luật liên quan đến DN và môi trường đầu tư kinh doanh như Chính phủ đã đề nghị. "Ủy ban Thường vụ QH có lý khi nói rằng hồ sơ dự án luật chưa có nên chưa đủ cơ sở để đưa vào chương trình. Nhưng điều đáng nói là ngay trong tờ trình, Ủy ban Thường vụ QHcũng không yêu cầu Chính phủ phải chuẩn bị hồ sơ để có thể báo cáo, trình ra QH trong kỳ họp tới, mặc dù việc xem xét thông qua một dự luật quan trọng như vậy đang là một yêu cầu rất cấp bách hiện nay", ông Lộc gay gắt.
Theo đại biểu Lê Anh Tuấn (Hà Tĩnh), qua 1 năm thi hành hai luật trên đã cho thấy nhiều vấn đề bức thiết cần sửa đổi để phù hợp hơn với yêu cầu phát triển theo hướng hội nhập, mở rộng quyền tự do kinh doanh, tự do thương mại. "Đây là những vấn đề thực tiễn đặt ra, đòi hỏi cần điều chỉnh kịp thời. Vì vậy, nên sớm hoàn thiện hồ sơ dự án này để báo cáo QH, đưa vào chương trình làm luật năm 2016 theo hướng một luật sửa nhiều luật", ông Tuấn nói.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) nhận định nếu việc sửa đổi được thông qua vào cuối năm nay thì sẽ tạo đà khuyến khích làn sóng đầu tư trong năm 2017 cũng như tăng sức cạnh tranh cho DN VN, chuẩn bị cho việc thực hiện Hiệp định Thương mại tự do với EU và TPP.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.