Luật Quản lý ngoại thương tạo thêm nhiều 'tròng'

08/11/2016 06:40 GMT+7

Đây là quan điểm của đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) nêu ra trong phiên thảo luận ngày 7.11 của Quốc hội về dự án luật Quản lý ngoại thương.

Theo đại biểu Lộc, dự luật đã ôm đồm quá nhiều vấn đề không cần thiết hoặc không hiệu quả, khoác thêm nhiều “tròng” quản lý mới đối với các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động ngoại thương, hạn chế quyền tự do kinh doanh của họ. Ông Lộc dẫn chứng có những vấn đề quản lý mặc dù liên quan tới ngoại thương, nhưng mang tính đặc thù, đã được quy định ổn định trong các văn bản khác, vậy mà lại được thiết kế vào luật này, khiến hệ thống pháp luật cồng kềnh.
“Có nhiều vấn đề có thể quy định chi tiết, nhưng dự luật lại đẩy việc cho Chính phủ. Các biện pháp cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu thì phải tuân thủ cam kết WTO. Tại sao chúng ta lại không quy định luôn trong luật mà phải chuyển cho Chính phủ?”, ông Lộc chất vấn. Ông cũng cho rằng dự thảo trao quyền quyết định cho Bộ Công thương trong rất nhiều trường hợp như quyết định tạm ngừng xuất - nhập khẩu hàng hóa; quyết định và công bố phương thức điều hành đối với từng loại hàng hóa áp dụng hạn ngạch thuế quan. Trao quyền mà không kèm theo bất kỳ căn cứ hay tiêu chí nào, rất có thể dẫn tới sự lạm quyền.
Dự luật có thêm nhiều loại giấy phép mới: giấy phép kinh doanh tạm nhập tái xuất, giấy phép quá cảnh hàng hóa, giấy phép gia công hàng hóa thuộc danh mục hàng cấm hoặc tạm ngừng xuất, nhập khẩu… Thế nhưng, dự luật không kèm theo bất kỳ quy định nào về điều kiện, căn cứ cấp phép mà chỉ quy định duy nhất về cơ quan có thẩm quyền cấp phép là Bộ Công thương.
Giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) về dự án luật Quản lý ngoại thương, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh thừa nhận một số nội dung dự thảo đang gây e ngại trong tâm lý, nhận thức của ĐBQH cũng như của cộng đồng doanh nghiệp, xã hội về sự quá tập trung nhiều quyền hạn, quyền lực cho các cơ quan quản lý nhà nước, Bộ Công thương. Ông Trần Tuấn Anh cho biết quan điểm của cơ quan thẩm tra và đa số ĐBQH đều nhất trí giao Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về ngoại thương. Nguyên tắc này cũng phù hợp với một môi trường ngày càng minh bạch, công khai và mỗi việc phải có một cơ quan đầu mối để thực hiện.
Thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017
Chiều cùng ngày, với tỷ lệ tán thành 85,02%, QH biểu quyết tán thành thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017. Nghị quyết đặt ra một số chỉ tiêu chủ yếu như tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,7%, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 6 - 7%, tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu khoảng 3,5%, tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân khoảng 4%, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 31,5% GDP. Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%. Số giường bệnh trên 10.000 dân đạt 25,5 giường. Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 82,2%...
Trong các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu nghị quyết nêu rõ việc nắm chắc diễn biến tình hình trong và ngoài nước, kết hợp chặt chẽ giữa quốc phòng, an ninh và đối ngoại để chủ động giải quyết mọi tình huống xảy ra, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền quốc gia, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững môi trường hòa bình để phát triển đất nước. Triển khai hiệu quả công tác bồi thường sau sự cố ô nhiễm môi trường biển, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng để gây rối, mất trật tự an ninh…
Tiếp tục rà soát, tu chỉnh các quy định về nổ sung
Tại phiên thảo luận chiều 7.11, Bộ trưởng Công an Tô Lâm giải trình ý kiến của ĐBQH về dự án luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Các ĐBQH nhất trí đây là vấn đề rất nhạy cảm, phải được quy định chặt chẽ và cụ thể nếu không rất dễ bị lạm quyền khi nổ súng và người được phép sử dụng vũ khí sẽ vô tình bị phạm tội do vượt quá giới hạn cho phép.
Giải trình về vấn đề này, Bộ trưởng Công an khẳng định điều khoản về nổ súng là nội dung đặc biệt quan trọng. Trên cơ sở ý kiến của các ĐBQH, ban soạn thảo sẽ tiếp tục rà soát, tu chỉnh các quy định về nổ súng nhằm đảm bảo chặt chẽ, tránh bị lạm dụng, tạo điều kiện cho các lực lượng chức năng khi thực thi nhiệm vụ, đồng thời bảo đảm phù hợp với các bộ luật khác có liên quan, nhất là bộ luật Hình sự.
Còn vào sáng 7.11, Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường (KH-CN-MT) của Quốc hội đưa ra trong báo cáo thẩm tra dự án luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi) trình bày trước QH. Trước đó, thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ KH-CN Chu Ngọc Anh đã trình bày Tờ trình về dự án luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi). Về quản lý nhà nước đối với hoạt động chuyển giao công nghệ, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết dự luật bổ sung quy định tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động chuyển giao, ứng dụng công nghệ để hạn chế, ngăn chặn công nghệ lạc hậu, ảnh hưởng đến môi trường và phát triển bền vững quốc gia.
Thẩm tra về dự luật này, Ủy ban KH-CN-MT cho rằng cần tăng cường trách nhiệm quản lý công nghệ của Bộ KH-CN, các bộ có liên quan trong việc kiểm soát công nghệ tại các dự án đầu tư, đặc biệt là các dự án đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI), dự án sử dụng vốn nhà nước.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.