Lực lượng 'hung thần' trên Biển Đông

05/09/2020 09:00 GMT+7

Báo cáo mới đây của Bộ Quốc phòng Mỹ tái khẳng định Trung Quốc đang sử dụng lực lượng dân quân biển với tàu cỡ lớn để quấy phá trên Biển Đông - như một phần chiến lược của Bắc Kinh nhằm độc chiếm vùng biển này.

Theo báo cáo thường niên “Sự triển khai quân sự và an ninh liên quan Trung Quốc” mà Bộ Quốc phòng Mỹ vừa công bố, Chiến khu nam của Trung Quốc đang trực tiếp chỉ huy nhiều lực lượng từ tên lửa, hải quân... đến cảnh sát vũ trang, mà cốt cán trong đó có lực lượng hải cảnh, và bao gồm cả dân quân biển hoạt động ở Biển Đông.
Các lực lượng này thường xuyên hiện diện trong khu vực của cái gọi là “đường lưỡi bò” mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông.

Huy động nguồn lực khổng lồ

Báo cáo trên nhận định Trung Quốc đang huy động nguồn lực khổng lồ nhằm hỗ trợ hiện đại hóa quốc phòng, bao gồm cả việc tiến hành Chiến lược phát triển liên hiệp quân - dân sự.
Luật Quốc phòng năm 1997 của nước này cho phép dân quân, bao gồm cả dân quân biển, hỗ trợ “duy trì trật tự công cộng”. Qua đó, dân quân biển được Trung Quốc tự trao quyền thực thi nhiệm vụ, cùng với hải cảnh và hải quân, ở những khu vực mà nước này tuyên bố chủ quyền.
Theo Sách Trắng Quốc phòng Trung Quốc năm 2019, kể từ năm 2012, nước này đã triển khai 950.000 lượt binh sĩ quân đội và cảnh sát vũ trang, cùng hơn 1,4 triệu lượt dân quân tham gia các hoạt động. Bên cạnh đó, lực lượng dân quân Trung Quốc cũng được đào tạo để sẵn sàng tham chiến theo chỉ đạo của chính quyền.
Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, nằm trong lực lượng dân quân tổng thể, dân quân biển của Trung Quốc cũng được vũ trang. Ở Biển Đông, dân quân biển Trung Quốc đóng vai trò quan trọng để đạt được các mục tiêu mà Bắc Kinh đề ra. Thông qua lực lượng này, Trung Quốc muốn tránh tiếng sử dụng “lực lượng quân sự” và không gây chiến nhưng vẫn tiến hành các hoạt động quấy phá nhằm vào một số bên.
Thực tế, dân quân biển của Trung Quốc đã đóng vai trò then chốt trong nhiều nhiệm vụ ở Biển Đông. Điển hình là vụ cản trở tàu khảo sát USNS Impeccable năm 2009, sự cố ở rạn san hô Scarborough năm 2012 khi lực lượng Trung Quốc và Philippines căng thẳng, vụ Trung Quốc điều động giàn khoan Hải Dương 981 xâm phạm chủ quyền Việt Nam năm 2014... Trong các vụ việc này, dân quân biển Trung Quốc luôn tiên phong quấy phá. Năm 2019, hình ảnh thực địa cũng cho thấy các tàu dân quân đã hộ tống tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 8 của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam.

Thuê tàu cá để hoạt động

Hiện nay, một số lượng lớn tàu dân quân biển của Trung Quốc tham gia huấn luyện chung và hỗ trợ tàu hải cảnh, hải quân nước này gây bất ổn trên Biển Đông. Các hoạt động này thường núp bóng các sứ mệnh dân sự như bảo vệ tuyên bố chủ quyền, giám sát, trinh sát, bảo vệ tàu cá của Trung Quốc. Chính quyền trung ương của Trung Quốc cung cấp ngân sách cho dân quân biển thông qua các tổ chức thương mại, dân sự ở từng địa phương.
Theo báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ, dân quân biển Trung Quốc thường thuê tàu cá tư nhân. Bên cạnh đó, Trung Quốc còn xây dựng một đội tàu cá “quốc doanh” để phục vụ cho hoạt động của dân quân biển. Chính quyền tỉnh Hải Nam, giáp với Biển Đông, từng ra lệnh đóng 84 tàu cá cỡ lớn để biên chế cho dân quân biển. Không chỉ có kích thước lớn, các tàu này còn được gia cố thân tàu và bổ sung thêm kho chứa đạn. Toàn bộ 84 tàu trên đã được Bắc Kinh bàn giao cho lực lượng dân quân biển của tỉnh Hải Nam, kèm theo các khoản ngân sách để tổ chức hoạt động ở Biển Đông, đặc biệt là khu vực xung quanh quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.

Tàu cá dân binh Trung Quốc (trái) hùng hổ lao vào giữa đội hình tàu cá vỏ gỗ Việt Nam đang đánh bắt, khẳng định chủ quyền trên vùng biển Tri Tôn (Hoàng Sa), tháng 6.2014

Mai Thanh Hải

Chiêu trò áp đặt vùng xám

Thực tế, bên cạnh dân quân biển thì lực lượng hải cảnh, vốn được trang bị tàu vũ trang hỏa lực mạnh, cũng “núp bóng” hoạt động dân sự để tiến hành các hoạt động gây rối ở Biển Đông phục vụ mưu đồ của Bắc Kinh.
Trong một bài viết gửi đến Thanh Niên, TS James R.Holmes (chuyên gia chiến lược hàng hải - Đại học Hải chiến Mỹ) từng chỉ ra rằng để đạt được mục tiêu chủ quyền phi pháp ở Biển Đông, Bắc Kinh bất chấp sử dụng nhiều biện pháp như thông qua thương mại, hay lực lượng mà họ gọi là chấp pháp trên biển, lực lượng quân sự…
“Bắc Kinh bày ra chiêu trò hình thành lực lượng “dân quân biển” tìm cách hoạt động quấy phá lực lượng quân sự và hải quân chính quy của các nước khác. Cùng lúc, hải quân Trung Quốc sẽ phục sẵn cho trường hợp các nước khác phản ứng. Nếu răn đe như thế thành công, Bắc Kinh sẽ không điều quân đội trực tiếp có mặt ở các “điểm nóng” trực tiếp đối đầu”, TS Holmes phân tích.
Trả lời Thanh Niên về các thách thức cho Biển Đông, ông Gregory B.Poling, Giám đốc chương trình Sáng kiến minh bạch hàng hải (AMTI) thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ), từng đặt vấn đề Trung Quốc dựa vào các đảo nhân tạo mà nước này xây dựng phi pháp ở quần đảo Trường Sa để hỗ trợ đợt triển khai lực lượng dân quân biển ở quy mô chưa từng có nhằm gây áp lực với các bên trong khu vực Biển Đông, đặc biệt ở những khu vực xung quanh quần đảo Trường Sa.
“Đây cũng chính là lực lượng gây rối các tàu dân sự của Việt Nam”, ông Poling nhấn mạnh.
Indonesia bác tin để Trung Quốc lập căn cứ
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Indonesia Teuku Faizasyah đã bác bỏ thông tin cho rằng Trung Quốc sẽ thiết lập cơ sở hậu cần quân sự trên lãnh thổ Indonesia, theo trang Medcom.id ngày 4.9. “Chính sách đối ngoại tự do và chủ động của chúng tôi không cho phép kiểu hợp tác quân sự này với bất kỳ nước nào”, ông Faizasyah nói. Phát ngôn được đưa ra sau khi Bộ Quốc phòng Mỹ công bố báo cáo nói Bắc Kinh đang lên kế hoạch thiết lập cơ sở hậu cần quân sự ở Indonesia và một số nước.  
Bảo Vinh
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.