Phó chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng trả lời báo chí tại Hội nghị chủ tịch các CLB bóng đá - Ảnh: Trung Ninh |
(TNO) Theo tiết lộ của Phó chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng, lương của Tổng giám đốc (CEO) Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp VN (VPF) có thể từ 10.000-15.000 USD/tháng.
>> "Nếu cần, giải đấu nên chậm lại một mùa”
>> Ban tổ chức V.League sẽ có hội đồng quản trị
>> Trang mới của bóng đá VN: Giải vô địch quốc gia sẽ đổi tên thành Giải Ngoại hạng
“Mới chỉ cần liếc qua đề án, tôi đã bảo với Chủ tịch Nguyễn Trọng Hỷ là: “OK đấy!”, ông Lê Hùng Dũng mào đầu cuộc trả lời phỏng vấn của Thanh Niên Online về đề án Công ty VPF.
Đề án này do bầu Kiên soạn thảo cách đây đúng một ngày và đã được sự đồng thuận của 27 CLB khác tại Hội nghị các ông bầu vào ngày 29.9. Trước đó, ông Kiên đã bàn bạc rất kỹ với 5 ông bầu có “máu mặt” nhất của làng bóng Việt là bầu Thắng - Đồng Tâm Long An, bầu Trường - Ninh Bình, bầu Lê Tiến Anh - Khánh Hòa, bầu Đức - Hoàng Anh Gia Lai, và bầu Nguyễn Văn Đệ - Thanh Hóa.
*Thưa ông, đề án thành lập công ty để điều hành giải bóng đá chuyên nghiệp tại VN, thực chất không phải là sáng kiến hoàn toàn mới mẻ vì cách đây vài năm, Phó chủ tịch VFF Phạm Ngọc Viễn cũng đã xây dựng một mô hình tương tự. Phải chăng, vì sự mạnh miệng của của các ông bầu mà VFF dễ dàng nghe theo?
Ông Lê Hùng Dũng: Dự án của anh Viễn xây dựng nặng về lý luận nhiều hơn. Còn đề án của anh Kiên mang tính thực tiễn, khả thi cao. Người soạn thảo đã rất thông minh.
Và tôi rất mừng và cảm động vì không ngờ lại được các đội ủng hộ nhiệt tình đến thế. Và điều này sẽ giúp cho đề án sẽ sớm được thực hiện ngay mùa giải 2012, nhanh hơn một năm so với tưởng tượng của cá nhân tôi. Trong phiên họp buổi sáng (29.9), trước khi nghe ông Kiên trình bày, tôi cứ nghĩ nếu sớm cũng phải đến mùa giải 2013.
Theo đề án, VFF chiếm 35,6% cổ phần công ty nên theo luật doanh nghiệp sẽ có quyền phủ quyết trong mọi quyết định quan trọng của hội đồng quản trị. Ngược lại, VFF sẽ phải thuyết phục một nửa trong tổng số 14 CLB đồng ý để thông qua bất kỳ quyết định nào. Nếu chủ trương được Đại hội thường niên thông qua, các thành viên góp vốn sẽ tiến hành thành lập công ty ngay trong tháng 10.2011 để kịp cho mua giải mới sẽ khởi tranh dự kiến vào ngày 1.1.2012.
* CEO của công ty sẽ được lựa chọn thế nào thưa ông? Chúng ta có nghĩ đến việc thuê ngoại?
Ông Lê Hùng Dũng: Trong đề án có ghi rõ, CEO do Hội đồng quản trị (HĐQT) bổ nhiệm và là người đại diện trước pháp luật có trách nhiệm điều hành toàn diện hoạt động của công ty. Tổng giám đốc xây dựng chức năng nhiệm vụ, cơ cấu nhân sự của các phòng ban trình HĐQT thông qua. HĐQT, CEO phối hợp trình VFF thông qua chức năng nhiệm vụ, nhân sự hoặc thực hiện các quyết định của VFF về các ban trọng tài, ban kỷ luật, Ủy ban đạo đức.
Theo tôi, CEO có thể là người của VFF mà cũng có thể nằm ngoài VFF, miễn là thích hợp. Chỉ cần nhìn lượng khán giả trên sân cũng có thể đong đếm được trình độ của CEO thế nào. Nếu không làm được thì thay ngay.
Và chúng ta cũng không loại trừ khả năng thuê CEO không phải người Việt. Vì cầu thủ cũng đã có ngoại, tại sao CEO của VPF không thể là “ngoại binh”? Mức lương trả cho CEO có thể cao ở mức 10.000 – 15.000 USD. Công ty càng phát triển thì mức lương cao cũng là dĩ nhiên. Nhưng tất nhiên, cũng cần phải điều hành giải đấu một cách chuyên nghiệp.
*Nhiều ông bầu đã kêu ca rằng, BTC giải V.League và hạng nhất cần phải độc lập. Vậy, VPF sẽ điều hành chung hay sao thưa ông?
Ông Lê Hùng Dũng: Có thể sẽ thành lập 2 ban giám đốc dưới sự chỉ huy của CEO. Mỗi ban phụ trách một giải. VFF sẽ cử người tham gia công ty vì dù VFF cũng đã mắc sai lầm nhưng vai trò của VFF không thể bị phủ nhận.
Tôi ủng hộ đề án của anh Kiên còn bởi lẽ, nếu làm ăn tốt, không chỉ các CLB được hưởng lợi, VFF sẽ có tiền cho đào tạo trẻ và các đội tuyển quốc gia mà nói như anh Kiên, trọng tài cũng sẽ nâng thu nhập nếu thổi tốt và có đạo đức để được tín nhiệm. Trọng tài có thể thu nhập 30-50 triệu đồng/tháng, kiếm được 400 triệu đồng/năm. Con số đó quá lý tưởng và không cần phải tiêu cực. Nếu trọng tài tiêu cực thì chẳng ai thuê nữa.
Thôi thì đề án đã có, đừng sợ mà cứ bước đi. Đi ắt sẽ thành đường!
*Cảm ơn ông!
Lan Phương (thực hiện)
Bình luận (0)