Lương danh nghĩa - Lương thực tế

20/09/2005 23:20 GMT+7

Mức lương tối thiểu đã được Chính phủ quyết định nâng từ 290 nghìn đồng/người/tháng lên 350 nghìn đồng từ tháng 10.2005. Đây là một tin vui đối với người hưởng lương từ ngân sách nhà nước, bởi người hiện đang hưởng mức lương tối thiểu sẽ có thêm 60 nghìn đồng, cử nhân mới tốt nghiệp sẽ có thêm 141 nghìn đồng, còn chuyên viên chính hết bậc sẽ tăng 406,8 nghìn đồng, chuyên gia cao cấp sẽ có thêm 780 nghìn đồng. Đó là lương tăng trên danh nghĩa. Còn thực tế thì sao?

Người có mức lương tối thiểu lần này vui hơn lần cải cách tiền lương năm ngoái: năm ngoái không được đồng nào (nhưng giá tăng thì lĩnh đủ, thậm chí còn hơn, bởi giá nhu yếu phẩm tăng cao hơn giá chung, trong khi tỷ lệ chi cho nhu yếu phẩm trong tổng chi của người có thu nhập thấp cao hơn nhiều so với người có thu nhập cao), còn lần này đã tăng lên, tuy về mặt tuyệt đối là 60 nghìn đồng, nhưng về tốc độ tăng đã lên đến gần 20,7%. Đây cũng là một cố gắng lớn của Nhà nước trong điều kiện ngân sách nhà nước còn bội chi với số tiền không nhỏ, số chi ngân sách còn hạn hẹp, nhưng với mức tăng như trên đã làm nguồn kinh phí lương và trợ cấp 3 tháng cuối năm 2005 tăng thêm gần 3,7 nghìn tỉ đồng và 9 tháng năm 2006 lên đến trên 11 nghìn tỉ đồng.

Tuy nhiên, nói đến lương thì không thể không nói đến lương danh nghĩa và lương thực tế.

Trước hết nói về lương danh nghĩa. Lương danh nghĩa được xét theo nhiều khía cạnh. Xét theo ý nghĩa là kết quả tăng trưởng kinh tế, thì năm 2003 tăng 7,34%, năm 2004 tăng 7,69%, khả năng năm 2005 sẽ tăng không dưới 8%, có nghĩa là tăng trưởng kinh tế tính đến năm 2005 đã tăng 24,8%; trong khi lương tối thiểu mới tăng 20,7% (lương tối thiểu 290 nghìn đồng lên từ 1.1.2003), đó là chưa nói tăng trưởng kinh tế đã loại trừ yếu tố giá (nếu kể cả yếu tố giá thì GDP năm 2005 tăng khoảng 53,1% so với năm 2002).

Xét theo ý nghĩa đáp ứng nhu cầu (hay đủ sống), thì 350 nghìn đồng là không đủ sống đối với bản thân người lao động dù làm công việc đơn giản nhất trong đội ngũ công chức; nếu chia cho số người phải nuôi (bình quân một công chức phải nuôi khoảng 1,8 người kể cả bản thân) thì bình quân một nhân khẩu thấp hơn 200 nghìn đồng, còn thấp hơn cả chuẩn nghèo mới 200 nghìn đồng đối với nông thôn và càng thấp hơn chuẩn nghèo mới 260 nghìn đồng đối với thành thị của nước ta; còn nếu tính theo chuẩn nghèo quốc tế cũ (1 USD/người/ngày) thì mới bằng 70% và nếu tính theo chuẩn nghèo quốc tế mới (2 USD/người/ngày) thì mới bằng trên 30%! Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân 1 người 1 tháng của lao động thuộc khu vực hành chính trong 6 tháng đầu năm 2005 mới bằng 70% mức bình quân chung của lao động thuộc khu vực nhà nước; còn nếu so với ngành sản xuất kinh doanh cũng thuộc khu vực nhà nước thì chưa bằng một nửa; còn nếu so với khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các tổ chức nước ngoài ở Việt Nam thì còn thấp hơn nữa. Chảy máu chất xám từ khu vực nhà nước thời gian qua và thời gian tới có một phần quan trọng là do mức thu nhập quá thấp này. Có người cho rằng, tại sao với mức thấp này mà công chức vẫn sống được, nhiều người còn thuộc nhóm giàu, nhưng chắc chắn không phải là do công chức có mức lương cao, mà do nhiều người đã không tự thắng được mình, từ nghèo mà sinh ra hèn, sinh ra tham nhũng tiêu cực.

Có người cho rằng đưa mức lương lên cao nữa thì lấy nguồn ở đâu, chẳng lẽ thu ngân sách chỉ để nuôi công chức? Đúng là tổng kinh phí chi cho những người hưởng lương ngân sách rất lớn (lên đến trên 7 triệu người) và đây là điều lấn cấn nhất mỗi khi tăng lương mặc dù ai cũng biết mức lương là thấp. Nguyên nhân chính là bao cấp, là do số người hưởng lương từ ngân sách quá đông. Cần phải "khoanh" số đối tượng này lại bằng việc đẩy mạnh xã hội hóa, bằng việc tách số người về hưu hưởng từ quỹ bảo hiểm xã hội, người ốm đau hưởng từ quỹ bảo hiểm y tế...; đồng thời kiên quyết sắp xếp lại tổ chức, biên chế để không những không tăng mà còn phải giảm để tăng hiệu quả.

Tiền lương danh nghĩa tăng nhưng tiền lương thực tế có tăng hay không còn phụ thuộc vào tốc độ tăng giá. Giá tiêu dùng năm 2003 tăng 3%, năm 2004 tăng 9,5%, 8 tháng 2005 tăng 6%. Tính đến nay giá tiêu dùng đã tăng gần 19,6%, thấp hơn tốc độ tăng lương khởi điểm danh nghĩa. Nhưng nếu xét riêng về lương thực - thực phẩm, thì giá đã tăng 28,3%, cao hơn nhiều so với mức tăng lương khởi điểm danh nghĩa (20,7%). Đó là tính đến tháng 8.2005, nếu tính đến tháng 9.2006, thì chắc chắn tốc độ tăng giá tiêu dùng sẽ còn cao hơn nhiều (thậm chí còn gấp đôi). Vấn đề đặt ra là phải kiềm chế tốc độ tăng giá, nếu không tiền lương thực tế sẽ bị giảm! Đây là điều khó khăn trong điều kiện giá thế giới tăng, lại thêm cứ nghe nói lương tăng là các nhà kinh doanh đã tăng giá "vượt trước ngăn chặn".

Ngọc Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.