Lương tối thiểu phải đảm bảo nhu cầu tối thiểu

26/10/2011 23:07 GMT+7

Bên hành lang kỳ họp QH, sáng 26.10, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của QH - bà Trương Thị Mai đã trả lời phỏng vấn báo giới xoay quanh quan điểm cải cách tiền lương giai đoạn tới.

Bà Mai cho biết: Không chỉ điều chỉnh với đối tượng công chức mà cải cách tiền lương cho người lao động (NLĐ) cũng là vấn đề được đặt ra trong lộ trình cải cách tổng thể về tiền lương 10 năm tới. Theo đó, tiền lương (cho cán bộ, công chức, NLĐ - PV) phải được tính đúng theo sức LĐ trong nền kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Để thực hiện quan điểm này, nội dung Bộ luật Lao động (sửa đổi) phải bổ sung thêm một số điều quy định vai trò của Nhà nước trong vấn đề tiền lương.

Ví dụ như, Nhà nước sẽ định kỳ công bố tiền lương tối thiểu và mức lương tối thiểu này được xem như mức sàn tối thiểu, mức sống tối thiểu để NLĐ, chủ sử dụng LĐ căn cứ vào đó để có thể xem xét, thỏa thuận về tiền lương. Đi liền với đó là phải có các quy định chặt chẽ để tránh tình trạng chủ sử dụng LĐ lạm dụng quy định lương tối thiểu, xem đó là lương tham chiếu để quyết định mức lương cho NLĐ.

 “Cải cách tiền lương những năm tới sẽ giải quyết vấn đề lương tối thiểu công chức không đủ để trang trải cho cuộc sống. Còn trong phạm vi Bộ luật Lao động (sửa đổi) lần này chỉ tập trung sửa đổi vấn đề tiền lương, lương tối thiểu cho 15 triệu LĐ có quan hệ LĐ”, bà Mai nhấn mạnh.

Nói như bà, chúng ta sẽ thực hiện quy định này trên những căn cứ cụ thể nào?

Trong dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) lần này có đưa ra một số quy định như Nhà nước phối hợp với tổ chức đại diện cho NLĐ là công đoàn định kỳ hằng tháng, 3 tháng, 6 tháng, hoặc hằng năm đưa ra các thông tin công khai minh bạch về tiền lương. Ví dụ, vùng Đông Nam Bộ hiện nay mức lương cho ngành dệt may đang ở mức 4  - 5 triệu đồng/tháng là hợp lý thì đó được xem như lương mẫu, trên cơ sở đó NLĐ có thông tin để biết rằng mức lương hiện nay người chủ đang trả cho mình đã hợp lý hay chưa, đúng với thị trường LĐ ở khu vực đó hay chưa để từ đó thỏa thuận, đàm phán cho mình mức lương hợp lý khi ký hợp đồng LĐ.

Tôi nghĩ những việc này bây giờ chúng ta chưa làm nhưng sắp tới Nhà nước và tổ chức đại diện cho NLĐ phải cố gắng làm. Chứ như hiện nay, NLĐ không dựa trên căn cứ gì để biết lương mình nhận được đã hợp lý hay chưa.

Trong bối cảnh chỉ số giá tiêu dùng tăng cao như hiện nay thì việc tính lương trên cơ sở giá thị trường liệu có khả thi?

 Lâu nay chỉ số giá tiêu dùng của chúng ta tăng liên tục trong nhiều năm, vì vậy nó làm cho nền kinh tế không ổn định. Nhưng từ năm sau, khi chỉ số giá tiêu dùng quay trở lại một con số như mục tiêu Chính phủ đề ra, việc trả lương theo thị trường hoàn toàn có thể tính toán được và có thể công bố thông tin được.

Nhưng với lộ trình cải cách tiền lương nhỏ giọt như hiện nay, nhiều người cho rằng khó mà có đột phá về tiền lương, cho dù sửa đổi quy định trả lương theo cơ chế thị trường và công sức lao động?

Chúng ta dự kiến đến năm 2012, khu vực vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI), khu vực tư nhân, khu vực nhà nước sẽ cùng chung một mức lương nhưng chúng ta đã quyết định sớm hơn một năm nhằm mục đích tạo điều kiện để NLĐ được hưởng mức lương bảo đảm mức sống cho năm lạm phát tăng cao như thế này. Theo lộ trình, năm sau mới bắt đầu cải cách tiền lương cho 10 năm tới và vấn đề này sẽ được thảo luận một cách chi tiết để đưa ra định hướng cụ thể hơn.

Bà nhìn nhận thế nào về gánh nặng ngân sách khi thực hiện cải cách tiền lương trong giai đoạn 10 năm tới?

Tôi nghĩ rằng gánh nặng ngân sách phải chấp nhận vì cán bộ công chức, NLĐ phải có lương tối thiểu để đảm bảo đáp ứng được nhu cầu chi tiêu tối thiểu mới có thể tái tạo sức LĐ, cho nên chúng ta vẫn phải ưu tiên ngân sách để giải quyết vấn đề này. Kể cả DN cũng vậy, với DN có tới hàng ngàn LĐ, họ cũng phải chịu áp lực khi chúng ta công bố lương tối thiểu sớm hơn thời hạn nhưng đành phải chấp nhận.

Bảo Cầm
(ghi)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.