Lương tối thiểu phải gắn với CPI

16/11/2011 23:31 GMT+7

Mức lương tối thiểu, độ tuổi nghỉ hưu với lao động nữ và tăng thời gian nghỉ thai sản là những vấn đề được đại biểu quan tâm thảo luận trong phiên họp tổ bàn về dự thảo bộ luật Lao động (sửa đổi) chiều qua.

Mức lương tối thiểu, độ tuổi nghỉ hưu với lao động nữ và tăng thời gian nghỉ thai sản là những vấn đề được đại biểu quan tâm thảo luận trong phiên họp tổ bàn về dự thảo bộ luật Lao động (sửa đổi) chiều qua.

ĐB Đặng Ngọc Tùng, Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động phát biểu: Lương tối thiểu và định mức lao động là nội dung quan trọng của bộ luật Lao động (sửa đổi). Dự thảo luật quy định doanh nghiệp không cần trình thang lương, bảng lương cho cơ quan quản lý nhà nước là không nên. Nên giữ nguyên quy định theo luật cũ để tăng cường sự quản lý nhà nước về việc trả lương cho người lao động. Theo ông Tùng, lương tối thiểu thời gian qua chưa đáp ứng đời sống tối thiểu của người lao động, và đề nghị, lương tối thiểu không là con số chết mà gắn liền với chỉ số tăng giá. Hằng năm, CPI tăng bao nhiêu thì phải căn cứ vào đó để tính lương tối thiểu.

 
ĐB Thân Đức Nam (Đà Nẵng) phát biểu tại phiên thảo luận tổ - Ảnh: Ngọc Thắng

Đồng quan điểm trên, ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) cho rằng, lương tối thiểu để đảm bảo mức sống tối thiểu với điều kiện giá không tăng chứ nếu tăng như hiện nay thì lương tối thiểu không thể duy trì một cuộc sống với những nhu cầu thiết yếu được.

Cần có tổ chức công đoàn đủ mạnh

Cũng trong chiều qua, QH đã thảo luận tại tổ về dự án luật Công đoàn (sửa đổi). ĐB Thân Đức Nam (Đà Nẵng) cho rằng, thời gian qua những mâu thuẫn giữa doanh nghiệp và người lao động nảy sinh rất nhiều, mỗi khi xảy ra đình công đòi tăng lương không thấy có tổ chức nào đứng ra giải quyết một cách thỏa đáng. Vì vậy, cần thiết phải xây dựng một tổ chức công đoàn có vị thế, đủ mạnh để bảo vệ quyền lợi người lao động.

Anh Vũ

ĐB Nguyễn Văn Khánh (Đồng Nai) cũng nêu thực tế: đời sống của người lao động hiện quá khó khăn. Với mức lương 1,5 - 2 triệu đồng/tháng, bữa ăn thực tế của công nhân chỉ có rau muống luộc với đậu phụ diễn ra rất thường xuyên. Chỗ ở thì hết sức tạm bợ, một căn phòng nhỏ 4 - 5 người. Người nào khá còn có một tấm nệm mỏng để nằm, còn hầu hết chỉ trải chiếu. Sống còn khó khăn, nói gì đến chuyện văn hóa, giải trí.

Một vấn đề các ĐB đặc biệt quan tâm thảo luận là quy định về độ tuổi nghỉ hưu đối với phụ nữ. ĐB Nguyễn Thị Ngọc Thanh (Hà Nội), Phó chủ tịch thường trực Hội Liên hiệp phụ nữ TP HN cho rằng: Luật nên quy định rõ vấn đề này, nên giao quyền cho phụ nữ được chọn thời gian nghỉ hưu trong độ tuổi từ 55 đến 60 tuổi chứ không nên ấn định một mức tuổi nào cụ thể.

Đại biểu Hồ Văn Năm (Đồng Nai) lại cho rằng, việc tăng tuổi nghỉ hưu nữ từ 55 lên 60 không phải là mong muốn của đa số phụ nữ, hầu hết ý kiến chị em được thăm dò đều không nhất trí. Nhiều chị em còn đề nghị hạ xuống 50, nhất là những người làm việc trong các lĩnh vực độc hại, vất vả. ĐB Nguyễn Hữu Quang (Thanh Hóa) nêu ý kiến: nếu kéo dài tuổi nghỉ hưu chỉ nên giữ lại để làm chuyên môn chứ không làm lãnh đạo nữa.

Liên quan đến quy định chế độ nghỉ thai sản, ông Đặng Ngọc Tùng đề nghị tăng lên 6 tháng thay cho phương án tăng lên 5 tháng như trong dự thảo luật. ĐB Nguyễn Thị Ngọc Thanh đồng tình: thời gian nghỉ thai sản tăng lên 6 tháng là phù hợp với thời gian trẻ em cần được nuôi hoàn toàn bằng sữa mẹ, đồng thời nhà trẻ hiện nay ngày càng thiếu, không đủ cơ sở để nhận trông trẻ dưới 6 tháng tuổi.

Tuệ Nguyễn - Nguyệt Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.