Thêm nhiều người bị nước cuốn
Theo thống kê của Ban Chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh Bình Định, đến chiều 20.10, mưa lũ đã làm 2 người chết là anh Lê Văn Quyền (30 tuổi, ở thôn Vạn Hòa, xã n Hảo Đông, huyện Hoài n) và ông Võ Khắc Hùng (62 tuổi, ở thôn Tấn Thạnh, xã Hoài Hảo, huyện Hoài Nhơn), đồng thời nhấn chìm 1 tàu cá của ông Nguyễn Công Định ở xã Tam Quan Nam, Hoài Nhơn.
|
Mưa lũ cũng làm 746 ngôi nhà dân bị ngập nước; 465 ha lúa bị ngập và hư hại; 13,5 ha đất sản xuất bị phá; 228 tấn lúa ướt; trên 14 km kênh mương, bờ sông bị sạt lở và cuốn trôi khoảng 82.650m3 đất, đá. Nhiều tuyến đường giao thông tại các huyện An Lão, Hoài Nhơn bị sạt lở. Tại huyện Tuy Phước, chiều 20.10, nước lũ đã tràn qua tỉnh lộ 636B và tỉnh lộ 640.
Tổng thiệt hại do mưa lũ gây ra ở tỉnh Bình Định ước tính trên 12 tỉ đồng. Hiện nay, tại Bình Định mưa lớn vẫn còn xảy ra, mực nước vùng hạ lưu các sông đang dâng lên.
Mưa lớn cùng việc hồ thủy điện Sông Ba Hạ xả lũ và vận hành với lưu lượng 2.600m3/giây đã khiến lũ lên nhanh, nhiều tuyến đường ở Phú Yên bị ngập. QL25 có 3 điểm ngập sâu; cầu La Hai trên tuyến đường ĐT641 đi huyện Đồng Xuân ngập 1,3m; cầu Sông Cô trên tuyến đường 642 ngập hơn 3m; nhiều cầu, tràn trên các tuyến đường 644, 646, 647 ngập sâu từ 0,5-2m, nhiều xã bị cô lập.
Chiều cùng ngày, lực lượng cứu hộ huyện Tuy An vẫn chưa tìm thấy thi thể ông Nguyễn Công Bình (70 tuổi, ở thôn Bình Hòa, xã An Dân) bị lũ nhấn chìm trong lúc đánh cá ở khu vực phía bờ bắc đập Tam Giang (xã An Dân).
Tại Quảng Ngãi, theo ông Đặng Văn Minh, Giám đốc Sở GTVT, đến chiều 20.10 các đơn vị thi công đã giải tỏa hết khối lượng đất đá sạt lở tại nhiều điểm trên tuyến QL24 từ Quảng Ngãi đi Kon Tum nên tuyến đường này đã thông trở lại.
Tại Kon Tum, tối 19.10, anh A Ba (36 tuổi) và anh A Yêu (29 tuổi, cùng ở xã Đăk Kôi, huyện Kon Rẫy) trong lúc dắt bò đi ăn trở về thì bị nước lũ cuốn trôi. A Ba được người dân cứu thoát. Còn anh A Yêu đến sáng 20.10 mới tìm thấy xác trên sông.
Thiệt hại gần 110 tỉ đồng Ngày 20.10, Trung tâm PCLB miền Trung Tây Nguyên thống kê đợt mưa lũ vừa qua gây thiệt hại 109 tỉ đồng các tỉnh từ Quảng Bình đến Bình Định, trong đó Quảng Bình thiệt hại nặng nhất gần 67 tỉ đồng, Thừa Thiên-Huế hơn 31 tỉ đồng, Quảng Nam hơn 10 tỉ đồng. Mưa lũ làm hư hỏng 94.660 ngôi nhà, sập 4 trường học, làm chìm 2 tàu thuyền, hư hại 58 km đường giao thông, sạt lở 178.338m3 đất đá, phá hoại 26 công trình thủy lợi; 2.292 ha lúa và 15.551 ha hoa màu bị ngập úng, mất 4.234 tấn lương thực, cuốn trôi 23.033 gia cầm, 614 gia súc cùng 12 tấn tôm cá, 7,5 tấn giống thủy sản. |
Khẩn trương khắc phục hậu quả
Trong hai ngày 19 và 20.10, Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) tỉnh Quảng Bình đã lắp hệ thống xử lý nước sạch theo công nghệ Nomad của Úc, công suất 5m3/giờ cho nhân dân vùng lũ ở 2 thôn Uẩn Áo và Quy Hậu, xã Liên Thủy, H.Lệ Thủy. Ông Cao Quang Cảnh, Chủ tịch Hội CTĐ tỉnh Quảng Bình, cho biết theo công nghệ Nomad thì người dân chỉ cần lấy nước trong các ao, hồ, giếng đổ vào hệ thống xử lý nước sạch là có thể sử dụng trực tiếp nước để uống. Trong 2 ngày qua, hệ thống xử lý nước sạch cung cấp hơn 27.000 lít nước, đáp ứng nhu cầu sử dụng trong sinh hoạt cho hơn 1.000 hộ dân tại xã Liên Thủy. Hôm nay (21.10), Hội CTĐ Quảng Bình tiếp tục lắp đặt hệ thống này tại xã An Thủy (H.Lệ Thủy).
UBND tỉnh Quảng Trị vừa quyết định chi 30 tỉ đồng hỗ trợ 3 đơn vị thực hiện dự án di dân khẩn cấp ra khỏi vùng sạt lở đất, lũ ống, lũ quét. Số tiền này chủ yếu đầu tư hệ thống cơ sở cho vùng tái định cư, hỗ trợ người dân làm nhà và ổn định đời sống trong các tháng đầu. Thời gian triển khai đến hết tháng 1.2012.
Chủ tịch UBND H.Núi Thành (Quảng Nam) Nguyễn Quang Hòa cho biết đơn vị thi công cầu đường sắt An Tân ở Km 889+557 trên tuyến đường sắt Bắc - Nam mới chỉ đáp ứng một phần khi chính quyền địa phương gửi văn bản phản ánh việc thi công cầu đã chặn dòng chảy, gây ngập lụt nghiêm trọng. Cùng với lũ lớn trong nhiều ngày qua, tại H.Núi Thành đã xuất hiện tình trạng ngập lụt nghiêm trọng ở các xã vùng thượng lưu và phụ cận như Tam Mỹ Đông, Tam Mỹ Tây, Tam Nghĩa… Tại xã Tam Mỹ Tây, đã xuất hiện lũ đặc biệt lớn, ngang với đỉnh lũ lịch sử năm 1964.
Ngày 20.10, ông Bh'riu Liếc, Bí thư Huyện ủy Tây Giang, Quảng Nam cho biết do thi công chậm chạp cùng với mưa lũ, đoạn đường từ Km 18 đến Đồn biên phòng 649 không thể lưu thông khiến 4 xã vùng cao bị cô lập cả tháng nay. Xuất phát từ nguyên nhân này mà 60 tấn gạo của huyện hỗ trợ cho 4 xã vùng cao với 6.000 đồng bào dân tộc Cơ Tu và biên giới nước bạn Lào có nguy cơ mốc meo. Người dân ốm đau, bệnh tật rất nguy hiểm vì không được cấp cứu kịp thời.
Thanh Niên
Bình luận (0)