Lưu học sinh trở về từ tâm dịch Covid-19 Vũ Hán: Chủ quan là tự sát

26/02/2020 18:36 GMT+7

"Đến thời điểm hiện tại, chúng tôi vẫn khỏe mạnh . Nhiều người nghĩ rằng chúng tôi may mắn... nhưng đó không hề là sự may mắn ngẫu nhiên, mà là kết quả của cả một quá trình tự bảo vệ bản thân vô cùng gian nan".

Anh Trần Đình Nhân, nghiên cứu sinh Đại học Sư phạm Hoa Trung (Trung Quốc), là người cùng gia đình trở về từ Vũ Hán (Trung Quốc) ngày 10.2 trên chuyến bay do Chính phủ đưa sang để đón công dân Việt Nam.
Trước thông tin dịch viêm phổi do Covid-19 bùng phát tại nhiều nước, anh Trần Đình Nhân gửi tới Báo Thanh Niên bài viết chia sẻ về kinh nghiệm bản thân trong việc bảo vệ an toàn cho chính mình và gia đình khi còn sinh sống trong ổ dịch ở Vũ Hán.
Dưới đây Thanh Niên xin giới thiệu bài viết của anh Trần Đình Nhân.

“Tớ còn có cả gia đình cần được bảo vệ”

Tôi cùng gia đình nhỏ của mình ở lại Vũ Hán đón tết Canh Tý 2020. Khi dịch bệnh bùng phát dữ dội thì gia đình tôi đã bị kẹt lại ngay tại tâm dịch đáng sợ này, do thành phố bị phong tỏa.
Nho-dau-gia-dinh-toi-thoat-Covid19

Anh Trần Đình Nhân cùng vợ và con gái

Ảnh Tác giả cung cấp

Từ thời dịch Sars, dịch Ebola còn hoành hành, tôi đã thường xuyên theo sát tin tức. Chính vì vậy, từ những ngày đầu có thông tin về một loại virus gây bệnh viêm phổi lạ, tôi đã ngay lập tức cảnh giác. Trong tôi lúc đó xuất hiện một dự cảm rằng lần này dịch bệnh sẽ khủng khiếp hơn rất nhiều.
Tôi nhắn tin cho bạn bè và người thân nhắc nhở nên đeo khẩu trang cẩn thận và hạn chế đến chỗ đông người, theo khuyến cáo của các cơ quan y tế. Tuy nhiên, điều tôi nhận thấy là còn không ít người chủ quan với nguy cơ tiềm ẩn này. Vũ Hán những ngày trước 23.1, người ta vẫn còn chưa chú trọng việc áp dụng các biện pháp để tự bảo vệ bản thân.
Chợ, siêu thị và các khu phố vẫn đông đúc. Xe buýt, tàu điện ngầm và các phương tiện công cộng khác vẫn nhộn nhịp người, trong đó chỉ một bộ phận nhỏ có ý thức đeo khẩu trang. Người ta thậm chí còn mang theo trẻ em đi siêu thị, bởi đó là những ngày giáp tết, nhu cầu vui chơi mua sắm tăng đột biến. Đó là điều vô cùng nguy hiểm.
Xác định cho mình ý thức cảnh giác từ đầu như thế, gia đình tôi thực hiện nghiêm túc các khuyến cáo được đưa ra, mặc cho nhiều người trêu đùa rằng chúng tôi lo lắng quá mức. Tôi hiểu rằng chủ quan có khi sẽ là tự sát, chính vì vậy tôi đã bỏ ngoài tai những lời trêu chọc của người xung quanh. Có lẽ đó là lý do mà chúng tôi vẫn còn an toàn cho đến tận hôm nay.
Nhiều người bảo tôi nhát, tôi cũng chẳng bận tâm. Tôi hạn chế tối đa việc đi ra ngoài, đặc biệt là đến chỗ đông người. Nói là hạn chế bởi vì dù sao tôi cũng cần đi siêu thị mua thực phẩm. Mỗi lần đi, tôi cố gắng mua nhiều nhất có thể. Tủ lạnh nhà tôi lúc nào cũng chất đầy đồ ăn, 2 - 3 tuần mới phải đi mua lại. Những ngày Trung Quốc còn chưa công bố dịch, bạn bè trêu tôi là người yếu bóng vía. Tôi chỉ cười bảo: “Tớ còn có cả gia đình cần được bảo vệ”.

Tính mạng là trên hết

Mỗi lần đi ra ngoài, tôi luôn đeo khẩu trang, mang găng tay và trùm áo mưa tiện lợi kín mít. Trông tôi lúc đó thật giống một người đến từ hành tinh nào đó. Những người trong siêu thị nhìn thấy tôi đều chỉ trỏ, cười khúc khích. Mặc kệ, tôi bỏ ngoài tai tất cả, mua đồ thật nhanh và trở về nhà.
Nho-dau-gia-dinh-tôi-thoat-Covid19

Lưu học sinh Việt Nam ở Vũ Hán (Trung Quốc) trước khi rời Vũ Hán đề về nước trên chuyến bay rạng sáng 10.2

Ảnh Tác giả cung cấp

Thời gian đầu, tôi mua găng tay ni lông loại dùng 1 lần. Loại này rất rẻ, dùng xong có thể bỏ ngay. Sau này, khi chính quyền công bố dịch, tôi mới chuyển sang mua găng tay y tế cho an toàn hơn, bởi lúc đó dịch đã không còn là dự cảm nữa, mà đã là đại họa rồi.
Tôi cũng mua khá nhiều áo mưa tiện lợi, loại này cũng rẻ như bèo. Mỗi lần ra ngoài, tôi lại trùm 1 chiếc. Khi trở về, trước khi bước vào nhà, tôi lột hết áo mưa, găng tay bỏ vào thùng rác công cộng. Tôi cẩn thận tới mức những túi ni lông đựng thực phẩm tôi cũng vứt hết, chỉ dùng loại túi đã chuẩn bị sẵn ở nhà.
Bộ áo quần tôi mặc để đi ra ngoài, mặc dù đã được trùm áo mưa cẩn thận, nhưng tôi vẫn bỏ tất cả vào máy giặt giặt sạch. Đôi giày sử dụng khi đi ra ngoài tôi luôn để ở hành lang, không bao giờ đem vào phòng. Xong xuôi tôi rửa tay cẩn thận với xà phòng. Nhiều khi hai vợ chồng nhìn nhau và cười bảo: “Cẩn thận đến vậy rồi mà còn bị nhiễm nữa thì đành chịu”.
Cũng nhờ sự lo xa đó mà từ khi có thông tin dịch bệnh đến khi được di tản về nước, chúng tôi chỉ đi ra ngoài mua đồ 2 lần, do đó giảm thiểu được nguy cơ lây nhiễm.
Năm ngày cuối khi sắp được di tản, đồ ăn của tôi gần cạn, chỉ đủ độ hơn 3 ngày rưỡi, nhưng tôi vẫn quyết định không đi ra ngoài mua thêm, bởi đó là thời điểm chính quyền khuyến cáo dịch lên đến đỉnh điểm. Giáo sư hướng dẫn gọi điện dặn tôi nếu không phải vạn bất đắc dĩ thì không nên ra ngoài. Chúng tôi đã quyết định giảm khẩu phần ăn lại để có thể đủ dùng đến khi di tản.

Ăn uống đủ chất, giữ tinh thần lạc quan

Chung cư chúng tôi ở nằm khá gần Bệnh viện Nhân dân Vũ Hán, trung tâm lớn nhất khám, chữa trị và cách ly những người nhiễm bệnh. Chúng tôi xác định dù cẩn thận đến mấy cũng có thể “vướng” vài con virus lúc nào không hay.
Qua chia sẻ của những người nhiễm bệnh và đã phục hồi, chúng tôi ý thức được vai trò của việc bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cho cơ thể, do đó, chúng tôi đã dự trữ rất nhiều rau xanh và hoa quả để tăng sức đề kháng của cơ thể.
Trong những lần đi mua thực phẩm, nhiều người đã bật cười với bộ dạng quái dị của tôi. Một tay xách túi thịt cá nặng trịch, tay còn lại kéo chiếc xe đựng đồ chất đầy ắp rau củ các loại. Chúng tôi phân chia khẩu phần hợp lý, loại nào nhanh hỏng ăn trước, loại nào bảo quản được lâu thì ăn sau. Trung Quốc có nhiều loại rau lạ, cả lá và thân đều ăn được. Vợ tôi cắt lá dùng trước để bảo đảm rau không bị hỏng.
Bên cạnh đó, chúng tôi tích cực uống nước và thực hiện những bài tập vận động trong không gian hẹp như ở nhà. Nhiều hôm chán tập thể dục, chúng tôi lại bật nhạc rồi cả nhà cùng nhau nhảy múa. Nghe có vẻ hài hước nhưng đó cũng là cách để vừa tăng cường sức khỏe, vừa giữ vững được tinh thần lạc quan.
Chúng tôi quán triệt tinh thần “chỉ đọc cái đáng đọc và lo cái đáng lo”. Nghe thì chẳng có gì đặc biệt nhưng thật ra nhiều người không ý thức được mình đang làm điều ngược lại. Họ đọc những tin tức giật gân, xem những clip cắt ghép rồi hoang mang. Thế nhưng, đến khi đi ra ngoài lại không thực hiện những biện pháp bảo đảm an toàn cho bản thân: bảo hộ sơ sài, thường xuyên đến chỗ đông người, hay kéo khẩu trang ra để nói chuyện.
Những ngày ở Vũ Hán, chúng tôi chỉ đọc những tin tức chính thống, nắm tình hình quá tải của bệnh viện để hiểu rằng mình càng cần phải giữ gìn sự an toàn cho bản thân nhiều hơn nữa. Cả nhà luôn giữ vững niềm tin rằng chỉ cần không chủ quan thì nhất định sẽ còn an toàn.
Sau gần 1 tháng “cố thủ”, chuyến bay của Chính phủ Việt Nam đã đưa gia đình chúng tôi về nước và cách ly an toàn. Sức khỏe cũng đã được kiểm tra kỹ lưỡng.
Đến thời điểm hiện tại, chúng tôi vẫn khỏe mạnh. Nhiều người nghĩ rằng, chúng tôi may mắn khi sống một thời gian dài ở tâm dịch Vũ Hán mà không nhiễm bệnh. Tuy nhiên, chúng tôi hiểu rằng, điều đó không hề là sự may mắn ngẫu nhiên, mà là kết quả của cả một quá trình tự bảo vệ bản thân vô cùng gian nan.
Diễn biến dịch bệnh phía trước vẫn còn vô cùng phức tạp và không ai nói trước được điều gì. Tuy nhiên, tôi tin rằng, dịch bệnh sẽ không thể lây lan nếu chúng ta luôn chủ động, cảnh giác và nghiêm túc thực hiện theo các biện pháp phòng tránh được khuyến cáo.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.