Thuốc luyện trí nhớ siêu tốc!
Theo một dược sĩ ở chợ thuốc tây Lý Thường Kiệt, TP.HCM, khoảng 3-4 tuần nay, khi kỳ ôn thi đại học bắt đầu, số khách mua các loại thuốc hỗ trợ trí nhớ đã tăng lên đáng kể.
Ngoài các loại cốm, thực phẩm được quảng bá là có chức năng hỗ trợ việc tăng cường trí nhớ, các loại thuốc điều trị các bệnh về não, thần kinh, giúp khắc phục việc suy giảm trí nhớ cũng được các phụ huynh tìm mua rất nhiều.
Riêng về chủng loại thuốc này, thị trường hiện nay có khoảng gần 20 loại, từ êm dịu đến tác động mạnh như: Glutaminol B6; Pho-L; Arcalion; Peracetam; Duxil; Takan và Tanakan…
Giá cả cũng rất phong phú. Người ít tiền thì hỏi mua loại thuốc cực rẻ như Glutaminol B6, với giá chỉ khoảng 100 - 150 đồng/viên, hoặc Pho-L, hoạt huyết dưỡng não… giá chỉ dao động dưới 20.000 đồng/vỉ; người nhiều tiền hơn thì dùng các loại thuốc hỗ trợ thần kinh cao cấp như Arcaliotin, Piracetam, Duxil… giá từ 3.000 - 4.000 đồng/viên.
Hầu hết các loại thuốc này đều được giới thiệu là thuốc hỗ trợ trí nhớ, làm cho trí óc tỉnh táo, cải thiện tuần hoàn máu, bồi bổ cơ thể…
Điều đáng lo ngại là nhiều phụ huynh quan niệm, thuốc tăng trí nhớ là thuốc bổ nên không cần đi khám và tất nhiên chẳng cần có toa của bác sĩ. Hầu hết họ đều chỉ nghe người này rỉ tai người kia hoặc nghe theo tư vấn của các chủ hiệu thuốc.
Nhiều loại thuốc bổ thần kinh chủ yếu dùng cho người già bị suy giảm trí nhớ, người sau tai biến mạch máu não… khiến nhiều phụ huynh lầm tưởng là thuốc tăng trí nhớ nên cũng vô tư mua cho con em dùng. Thậm chí, loại thuốc mà nhiều người quen dùng như thuốc để gây ngủ, giải tỏa căng thẳng như Seduxen cũng được nhiều cha mẹ sĩ tử tùy tiện mua về cho con uống.
Không tưởng về... thần dược
Nhìn vào danh sách các loại thuốc được gọi là thuốc tăng cường trí nhớ được bán khá chạy trên thị trường hiện nay, PGS.TS Mai Phương Mai - Phó trưởng khoa Dược, Chủ nhiệm bộ môn Dược lý, ĐH Y Dược TP.HCM, không khỏi giật mình trước tình trạng phụ huynh cho con dùng các loại thuốc trên mà không có đơn kê của bác sĩ đang diễn ra rất phổ biến hiện nay.
Theo TS Mai, hầu hết các loại thuốc được gọi là “thuốc tăng cường trí nhớ” trên thị trường hiện nay chỉ là các loại thuốc điều trị có thể can thiệp, hỗ trợ máu não được chuyển hóa, tuần hoàn tốt hơn hay giúp cải thiện việc chuyển hóa các tế bào thần kinh…
Tuy nhiên, hầu hết các loại thuốc này đều có tác dụng phụ có thể gây biến đổi tâm thần, ảnh hưởng tới tư duy, cảm xúc của người dùng ví dụ như loại thuốc Paracetam là thuốc gây hưng phấn, cải thiện việc chuyển hóa các tế bào thần kinh có tác dụng phụ là gây mệt mỏi, bồn chồn, dễ bị kích động. Với Amphetamin kích thích đầu óc tỉnh táo, giúp sĩ tử chống lại cơn buồn ngủ khi ôn bài, nhưng nếu dùng thuốc kéo dài sẽ làm cơ thể suy kiệt và nguy hiểm hơn nữa là nó có thể gây nghiện.
Trao đổi với chúng tôi, Giám đốc Bệnh viện Sức khỏe tâm thần TP.HCM Lâm Xuân Điền khẳng định, cho đến nay trên thế giới chưa có một phương thuốc kỳ diệu nào tạo ra trí nhớ hay trí thông minh. Việc ghi nhớ kiến thức phải là quá trình tích lũy lâu dài chứ không phải dùng các loại thuốc tâm thần cao cấp trong vài ngày, vài tuần là có kết quả.
Các loại thuốc kể trên không thích nghi với mọi lứa tuổi, có những thuốc chỉ sử dụng cho những người trên 15 tuổi, có những thuốc chỉ sử dụng cho người già. Việc dùng các loại thuốc kích thích thần kinh kéo dài sẽ làm cho thần kinh luôn luôn bị hưng phấn và ức chế quá mức, lâu ngày có thể gây ra rối loạn hành vi, hoang tưởng, thậm chí gây ra tai biến và tử vong. Nhiều loại thuốc có chứa những chất kim loại nặng có thể gây nguy hiểm cho cơ thể nếu sử dụng tùy tiện.
Để ôn thi có hiệu quả, các sĩ tử cần lưu ý đến việc giữ gìn sức khỏe tâm thần, chú ý ăn uống đủ chất, học hành và nghỉ ngơi điều độ, hợp lý thì sẽ đạt được hiệu quả cao hơn là lạm dụng các loại thuốc tăng cường trí nhớ.
Theo Kim Liên/báo Sài Gòn Giải Phóng
Bình luận (0)