Lý do đau lòng khiến mặt sân Mỹ Đình xuống cấp

15/09/2021 09:16 GMT+7

Bóng đá Việt Nam đang tạo những dấu ấn đáng kể về mặt thành tích trên đấu trường khu vực và châu Á, nhưng điều kiện cơ sở vật chất mà cụ thể ở đây là sân Mỹ Đình dường như đang tỷ lệ nghịch với những thành tích xuất sắc đó.

Báo Thanh Niên đã lấy ý kiến của các nhà quản lý thể thao về vấn đề đang được dư luận đặc biệt quan tâm cũng như của các CLB từng có mặt sân xấu nhưng đã và đang được tu sửa tử tế.

Khu liên hợp không có quỹ tài chính riêng tu sửa sân

Ông Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL, nói: “Được sử dụng từ năm 2003, gần 20 năm qua, khu liên hợp (Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình - NV) chưa được sửa chữa mang tính quy mô. Dự án tu sửa Khu liên hợp Mỹ Đình phục vụ SEA Games 31 đang được các bộ ngành, trong đó có Bộ Xây dựng thẩm định và chúng tôi hy vọng tiến trình sửa chữa sẽ được đẩy nhanh để sân Mỹ Đình trở nên hoàn thiện hơn, phục vụ tốt 4 trận còn lại trên sân nhà của đội tuyển Việt Nam tại vòng loại thứ 3 World Cup và sau đó là SEA Games 31 dự kiến vào tháng 5.2022”.
Ông Trần Đức Phấn, Phó tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TDTT, cho hay bất kỳ công trình thể thao nào cũng cần một quỹ tài chính nhất định để duy tu, bảo dưỡng, chống xuống cấp, nhưng hiện tại khu liên hợp không có quỹ này bởi nhiều lý do khác nhau. Thời gian qua, Khu liên hợp thể thao quốc gia lại bị thanh tra nên việc triển khai đầu tư càng bị đứt quãng. Cũng vì không có kinh phí nên việc duy tu, chăm sóc sân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trong bối cảnh Việt Nam đứng ra đăng cai các sự kiện thể thao quan trọng, mặc dù khu liên hợp đã được nhà nước giao tự chủ, tự hạch toán kinh tế 100% nhưng do cạn kiệt tài chính nên buộc ngành thể thao phải vào cuộc. Được biết, kinh phí đầu tư mà nhà nước sẽ chi cho dự án cải tạo các công trình nằm trong khu vực sân Mỹ Đình vào khoảng 108 tỉ đồng, trong đó có các hạng mục quan trọng như mặt sân, chỉnh trang lại khán đài, cải tạo các phòng chức năng, sơn một phần mái của sân Mỹ Đình…
Ông Phấn cho biết: “Chúng tôi đã xin kinh phí nhà nước và Ban Quản lý dự án miền Trung của Bộ VH-TT-DL được giao trách nhiệm cùng lãnh đạo khu liên hợp phải tiến hành tu sửa khẩn trương, đúng tiến độ, đạt chất lượng. Trước mắt, trong tháng 11, để phục vụ 2 trận đấu trên sân nhà của tuyển Việt Nam tại vòng loại thứ 3 World Cup 2022, khu liên hợp phải đáp ứng được hai yêu cầu, trong đó mặt sân phải thật chuẩn. Chúng ta không có tiền để đi thuê sân ở các nước châu Á như Qatar hay UAE; sân của chúng ta có thể kém sân ở Nhật Bản hay Úc nhưng cũng phải tập trung bằng mọi giá để điều kiện cơ sở vật chất, đặc biệt là sân thi đấu phải làm hài lòng các đội khách. Liên đoàn Bóng đá thế giới và châu Á yêu cầu cái gì, ban tổ chức cố gắng đáp ứng tốt nhất các tiêu chí về chuyên môn. Bộ mặt và hình ảnh của thể thao Việt Nam, bóng đá Việt Nam còn nằm ở chất lượng sân bãi”.

Không phụ thuộc quá nhiều vào “bầu sữa” ngân sách

Nhiều sân cỏ phục vụ các CLB tại V-League từng là nỗi nhức nhối của bóng đá Việt Nam vì chất lượng quá tệ, trong đó có thể kể đến hai “điểm tối” nhất là sân Vinh và sân Lạch Tray. Trong nhiều năm liên tục đội Hải Phòng không đạt chuẩn để cấp phép theo tiêu chí của Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC), ngoài lý do nợ thuế còn có lý do khác là cơ sở vật chất không đảm bảo. Mới đây, sau khi được TP.Hải Phòng giao quản lý CLB Hải Phòng và sân Lạch Tray, ông Văn Trần Hoàn, Giám đốc Công ty cổ phần Sông Hồng, Chủ tịch đội Hải Phòng, đã tự bỏ tiền túi (hơn 10 tỉ đồng) để làm lại dàn đèn và mặt sân.
Ông Hoàn cho biết: “Đây là 2 hạng mục quan trọng mà chúng tôi được lãnh đạo TP.Hải Phòng đồng ý cho đầu tư, sửa chữa. Các hạng mục còn lại do thành phố đầu tư. Tôi xin khẳng định, sau vài tháng được sửa chữa, mặt sân Lạch Tray hiện tại đẹp nhất nhì Việt Nam, có thể sử dụng tốt trong 30 năm tới. Mỗi năm, CLB sẽ bỏ ra không dưới 1 tỉ đồng để bảo dưỡng mặt sân. Chúng tôi sẽ cố gắng không để mặt sân Lạch Tray xuống cấp như trước. Có thế các đội mới thi đấu tốt và bóng đá mới phát triển được. Khi V-League quay lại, dù kể cả thi đấu dưới thời tiết xấu, các đội cũng không phải lo lắng gì với mặt sân tốt như thế này”.
Sân Vinh cũng từng là nỗi ám ảnh của các đội khách mỗi khi đến đây thi đấu và bản thân cầu thủ Sông Lam Nghệ An (SLNA) cũng từng bị chấn thương do mặt sân này quá xấu. Có nhà đầu tư mới, sân Vinh đang được đầu tư bạc tỉ để trở thành sân vận động hàng đầu V-League. Ông Trương Mạnh Linh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần thể thao SLNA, Giám đốc điều hành CLB SLNA, cho biết: “Chủ trương cải tạo, nâng cấp các hạng mục sân Vinh đã có từ lâu và với trách nhiệm của đơn vị được Sở VH-TT Nghệ An giao quản lý, sử dụng, chúng tôi nhận thấy rằng để hướng đến sự chuyên nghiệp, phục vụ khán giả thì chất lượng mặt sân là yếu tố được đặt lên hàng đầu. Sân bãi cũng là bộ mặt của một đội bóng. Cùng với đó, chúng tôi luôn lắng nghe những nguyện vọng của người hâm mộ và chính các cầu thủ.
Về kinh phí, ngoài ngân sách của tỉnh, đơn vị chủ quản và CLB SLNA chấp nhận bỏ thêm kinh phí để cải tạo thêm các hạng mục khác nữa. Ví dụ như sử dụng cỏ lá kim Bermuda thay vì cỏ lá gừng, tu sửa các phòng chức năng, khán đài, khu vệ sinh… Ngoài ra, để chất lượng mặt sân được đảm bảo thì chúng tôi cũng phải có kế hoạch bảo dưỡng theo tư vấn, yêu cầu của phía nhà thầu. Ví dụ như phải có riêng nhân viên chuyên trách về mặt sân”.
Sân Vinh (Nghệ An)
Khánh thành năm 1973
- Sức chứa: 18.000 chỗ ngồi
- Sửa chữa: năm 2003, 2021
- Là sân nhà của CLB Sông Lam Nghệ An tại V-League
Sân Lạch Tray (Hải Phòng)
Khởi công năm 1957, khánh thành năm 1958
- Sức chứa: 30.000 chỗ ngồi
- Sửa chữa: năm 1977, 1995, 2001, 2003, 2013, 2021
- Là sân nhà của CLB Hải Phòng tại V-League
Sân Mỹ Đình (Hà Nội)

ĐỒ HỌA: MINH CHƯƠNG

Thuộc Khu liên hợp thể thao quốc gia, khởi công năm 2001, khánh thành 2003 với tổng kinh phí 53 triệu USD
- Sức chứa: 40.000 chỗ ngồi
- Sửa chữa: năm 2010, 2016, 2021
- Phục vụ các trận đấu của tuyển Việt Nam, U.23 Việt Nam
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.