Ly kỳ bóng đá thế giới: Huyền thoại mang án tử dưới thời Saddam Hussein

Tây Nguyên
Tây Nguyên
29/03/2020 08:39 GMT+7

Sahib Abbas bị nhốt, tra tấn dã man và tuyên án tử sau vụ tấn công tổ chức nhà nước dưới thời Saddam Hussein, nhưng đã được cứu sống nhờ bóng đá trước khi trở thành một huyền thoại của Iraq.

Vào một ngày của năm 1991, như thường lệ sau mỗi trận đấu, Sahib Abbas bắt đầu hành trình trở về Karbala bằng xe buýt. Tuy nhiên, khi đến nhà anh không thấy người anh trai tên Fadhil. Fadhil bị mất một phần chân trong chiến tranh vùng Vịnh, nhưng vẫn sống đầy lạc quan, thường hỏi em trai về kết quả trận đấu (bóng đá) khi họ cùng nhau đi bộ về nhà trên quãng đường vài trăm mét. Nhưng sau 4 trận đấu trong sự nghiệp non trẻ của Sahib với đội bóng hàng đầu Salahaddin, Fadhil bỗng nhiên biến mất.
“Họ đã đến và đưa anh con đi một tuần trước. Họ là những nhân viên an ninh”, mẹ của Sahib buồn bã kể khi anh về đến nhà. Đó là thời điểm chỉ vài tháng sau khi Tổng thống Saddam Hussein ra lệnh cho quân đội Iraq xâm chiếm nước láng giềng Kuwait (từ ngày 2 - 4.8.1990). Tổng thống Mỹ George Bush lúc bấy giờ kêu gọi người dân Iraq nổi dậy để buộc Saddam phải từ chức.
Cùng với hai người anh và một nhóm bạn, Sahib - lúc bấy giờ đang là một cầu thủ trẻ đầy tiềm năng, leo lên chiếc Toyota Land Cruiser lao đến tấn công các trạm kiểm soát do quân đội nắm giữ. Nhưng sau đó, chính phủ Iraq tuyên bố chiến thắng và Sahib buộc phải chạy trốn do bị an ninh truy đuổi. Trong khi ẩn náu, anh được một trong những huấn luyện viên cũ của mình đề nghị trở lại với bóng đá. Nhà cầm quân này nói với Sahib về CLB Salahaddin, đội bóng có trụ sở tại Tikrit, đang tìm kiếm một tiền đạo. Sau một cuộc đàm phán ngắn, Sahib đã thuyết phục Chủ tịch CLB Salahaddin là Abu Kahla ký hợp đồng. Anh được đăng ký để chơi cho đội bóng này với Liên đoàn Bóng đá Iraq và ghi 2 bàn trong trận ra mắt, nhưng thảm kịch ập đến chỉ sau 4 trận của Sahib tại CLB Salahaddin.
Những chuyện ly kỳ của bóng đá thế giới: Huyền thoại mang án tử dưới thời Saddam Hussein1

Sahib Abbas giã từ sự nghiệp trong màu áo của CLB Al-Talaba

Ảnh: Cắt từ clip

Sahib nói với mẹ rằng anh sẽ đến cơ quan an ninh địa phương để hỏi về anh trai. Là một cầu thủ của Salahaddin, đội bóng do một quan chức cấp cao nắm giữ và được hậu thuẫn bởi chế độ, Sahib tin rằng mình sẽ an toàn. Sahib gặp Zuhair, đội trưởng an ninh của Karbala, người mà anh được Chủ tịch CLB Salahaddin khuyên nên liên lạc khi cần. Sau vài lời qua lại, Sahib sửng sốt khi Zuhair gằn giọng: “Anh đã làm gì? Anh đã giết bao nhiêu người? Anh đã đánh bom ở đâu? Tên và hồ sơ của anh đều có ở đây”. Thế là Sahib bị ném vào nhà giam. Anh bị bịt mắt và trói hai tay sau lưng, rồi bị tra tấn. Sahib phải ngồi trên một chiếc ghế với dây điện nối vào chân, tay, bộ phận sinh dục và bị cảnh báo rằng nếu nói dối, bộ máy sẽ biết và anh sẽ bị điện giật chết ngay lập tức.
Trước khi rời khỏi nhà, Sahib đã dặn mẹ rằng nếu anh về muộn hoặc không trở về, bà nên đến thẳng Salahaddin và cầu cứu Abu Kahla cùng HLV Abdelilah Abdul-Hamed của anh. Vào ngày bị thẩm vấn tiếp theo, Abu Kahla và HLV Abdelilah Abdul-Hamed đã đến Karbala, một phần vì các cầu thủ của CLB Salahaddin đình công và nói rằng họ sẽ không thi đấu nếu Sahib không ở trong đội. Ngày hôm sau Sahib được tạm thả, nhờ chủ tịch CLB và HLV cầu xin với lý do anh là tài năng hiếm có của bóng đá Iraq thời điểm ấy. Tuy nhiên án tử hình vẫn lơ lửng trên đầu Sahib. Bóng đá đã cứu mạng Sahib, nhưng người anh trai Fadhil và 4 người bạn của anh đã bị xử tử vì tham gia cuộc nổi dậy năm 1991.

Số phận chìm nổi

Sahib đã có hai mùa giải chói sáng ở CLB Salahaddin, rồi chuyển sang đội bóng nổi tiếng Al-Zawraa (năm 1994), nơi anh tiếp tục tỏa sáng để đoạt cú đúp vô địch Iraq vào giữa những năm 1990. Sahib rời Al-Zawraa vào năm 1998, nhưng án tử trước đó đã ảnh hưởng nặng nề đến sự nghiệp của tiền đạo xuất sắc này. Trong suốt nhiều năm các cơ quan thể thao Iraq đánh một chữ “X” lớn màu đỏ vào tên của Sahib để chặn cơ hội khoác áo tuyển Iraq của anh. Tuy nhiên, dưới áp lực lớn của công chúng, cầu thủ hay nhất giải đấu ở Iraq đã được HLV Ammo Baba triệu tập cho vòng loại Asian Cup năm 1996. Anh đã ghi bàn trong trận ra mắt và giữ vững vị trí trong đội hình cho đến vòng chung kết tại UAE. Tuy nhiên, Sahib cũng đã bị vuột mất nhiều cơ hội khác khoác áo tuyển Iraq, chỉ có 14 lần ra sân và ghi 3 bàn từ năm 1996 - 2001.
Sahib sau đó gia nhập các CLB Al-Nejmeh, Salam Zghorta (Li Băng) trước khi trở lại quê nhà chơi cho Al-Talaba và giành cú đúp vô địch quốc nội vào năm 2002. Năm 2012, Sahib treo giày tại CLB quê hương Karbala ở tuổi 41, kết thúc sự nghiệp với 177 bàn thắng tại giải hàng đầu Iraq, một kỷ lục của mọi thời đại. Sahib chia sẻ: “Tôi đã trải qua nhiều cay đắng trong bóng đá nhưng tôi đã đạt được những điều lớn hơn. Tôi luôn sẵn lòng để phục vụ bóng đá Iraq mỗi khi họ cần đến tôi”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.