Chùa Đục luôn là điểm đến của khách du lịch khi ra đảo Lý Sơn - Ảnh: Phạm Văn
Tàu cao tốc chở khách đất liền ra đảo trong ngày Giỗ tổ Hùng Vương - Ảnh: Phạm Văn |
Lượng khách du lịch đến với Lý Sơn ngày càng nhiều nhưng không ít người đã quả quyết “một đi không trở lại”. Bởi Lý Sơn không thiếu những cảnh đẹp, những di tích đáng để chiêm ngưỡng nhưng cơ sở hạ tầng, giao thông đi lại, nơi ăn ở, ngủ, nghỉ… phục vụ du khách lại quá nhiêu khê.
|
Sau kỳ nghỉ dài ngày trên đảo cùng đồng nghiệp, anh Dương Mạnh Tuấn (một du khách của một doanh nghiệp Trung ương có trụ sở tại Quảng Ngãi) lắc đầu than phiền: “Giao thông đi lại thì khó khăn, nơi ăn ở thì thiếu thốn, phải cố gắng lắm 6 anh em tôi mới thuê được một phòng nghỉ trọ vừa nhỏ hẹp vừa ẩm thấp nhưng điện nước thì thiếu. Giá cả lại quá đắt đỏ. Ra Lý Sơn du ngoạn hết các nơi trên đảo rồi thì lần sau không cần đi nữa”.
Theo chị Huỳnh Thị Vân, một khách du lịch đến từ TP.Huế, nhiều đảo khác như: Phú Quốc, Cát Bà, Cù Lao Chàm… có dịch vụ du lịch bài bản hơn hẳn Lý Sơn. Môi trường trên đảo Lý Sơn cũng bị ô nhiễm. “Mình ra đây vì tò mò bởi nghe thông tin trên báo chí viết về Lý Sơn, về những ngư dân dũng cảm và cảnh đẹp trên đảo. Nhưng đi chơi mà thiếu thốn, khó khăn kiểu này thì chẳng có lần sau”, chị Vân khẳng định.
Theo ông Trần Ngọc Nguyên, Chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn, trong định hướng phát triển kinh tế xã hội của huyện đảo từ nay đến năm 2020 và tầm nhìn 2030, Lý Sơn xác định sau giá trị của ngành kinh tế biển là lĩnh vực du lịch. Trong năm 2012, Lý Sơn đã đón trên 10.000 lượt khách ra tham quan; nhưng toàn huyện chỉ có 6 nhà nghỉ, khách sạn với trên 50 phòng nên chỉ phục vụ được đồng thời cho khoảng 300 - 350 khách trọ. “Lý Sơn có thế mạnh và lợi thế để phát triển ngành du lịch nhưng việc kêu gọi đầu tư lại gặp nhiều khó khăn. Nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực du lịch thì quá lớn, ngân sách huyện không kham nổi. Với cơ sở hạ tầng vừa thiếu và yếu như hiện nay thì không biết đến bao giờ Lý Sơn mới phát huy được thế mạnh của mình”, ông Nguyên nói.
Phạm Văn
Bình luận (0)