Với tỷ lệ 55,3% cử tri không muốn Scotland trở thành quốc gia độc lập, kết quả đã rõ ràng một cách thuyết phục chứ không sít sao như mọi dự đoán trước đó và xuất phát từ 2 lý do. Thứ nhất là nhượng bộ mới từ phía chính quyền trung ương ở London. Ngay trước ngày trưng cầu, Thủ tướng Anh David Cameron cam kết dành cho Scotland những quyền tự trị sâu rộng hơn nữa. Cử tri Scotland thấy được rằng trưng cầu chưa diễn ra thì họ đã có được phần thắng.
Thứ hai là cử tri xứ này đã để lý trí lấn át tình cảm trong quyết định. Khát vọng độc lập được ấp ủ từ lâu và chưa khi nào dân Scotland có được cơ hội lịch sử để tự quyết định như bây giờ. Nhưng lo ngại về tương lai bất định sau khi độc lập còn nặng nề hơn. Không còn bảo hộ về pháp lý, an ninh và tiền tệ thì nhà nước Scotland sẽ như thế nào? Người Scotland không thể không lo lắng khi không còn sử dụng đồng bảng, khi phải đối mặt khả năng đứng ngoài EU và NATO cũng như việc không ít ngân hàng và tập đoàn kinh tế rời đi. Lý trí đã chiến thắng ở giây phút phải quyết định chính vì thế.
Nhưng kể cả như vậy thì Scotland vẫn có phần thắng trong nỗ lực thay đổi tương quan quyền lực. Nước Anh sẽ không còn như trước. Xứ Wales và Bắc Ireland chắc rồi cũng sẽ được quyền tự trị sâu rộng hơn. Và EU cùng với NATO tránh được không ít khó xử, đặc biệt là một tiền lệ và phản ứng ly khai dây chuyền với những tác động khôn lường.
La Phù
>> Dân Scotland lựa chọn ở lại với Anh trong cuộc trưng cầu dân ý lịch sử
>> Scotland trưng cầu dân ý về độc lập
>> Cơn lốc ly khai ở châu Âu - Độc lập cho Scotland: Có hay không?
>> Sắc màu Scotland trong Tuần lễ phim Anh 2014
Bình luận (0)