Mặc áo dài là khoác lên người quốc thể

20/07/2010 23:04 GMT+7

Nói đến chiếc áo dài VN, người ta nghĩ ngay đến sự thướt tha, duyên dáng của trang phục phụ nữ Việt, mà ít ai nhớ rằng “áo dài, khăn đóng” cũng là quốc phục của người đàn ông VN. GS-TS Trần Văn Khê đã luôn mặc áo dài khăn đóng trong những dịp trình diễn nhạc dân tộc.

Chẳng ai biết chiếc áo dài VN xuất hiện từ thời nào, nhưng theo Lê Quý Đôn trong Phủ Biên Tạp Lục thì chính Vũ Vương Nguyễn Phúc Khoát là người có công khai sáng và định hình cho chiếc áo dài VN ở xứ Đàng Trong (để phân biệt với trang phục của những khách trú người Tàu). Chiếc áo dài dành cho nam cũng có hai vạt dài quá gối, cài nút bên phải, thường được may bằng các loại vải gấm (dành cho giới thượng lưu), giới trung lưu thường may bằng chất liệu sa, the mỏng nên bên trong phải mặc thêm bộ bà ba trắng, giới bình dân thì... tùy cơ ứng biến. Mặc áo dài nam phải đi kèm theo chiếc khăn đóng đội đầu mới đủ lệ bộ. Ngày xưa, từ anh học trò cho đến cụ đồ, các viên chức hương xã, thư lại đều phải mặc áo dài ở những nơi công cộng. Cho đến khi u phục chiếm chỗ thì chiếc áo dài nam không được cái may mắn xuất hiện thường xuyên như áo dài của phái nữ (trừ những dịp đình đám, hội hè...), vì thế áo dài nam phải chịu mai một dần.

Riêng với GS Trần Văn Khê thì: “Áo dài là quốc phục của VN. Hình ảnh chiếc áo dài cũng đã trở thành biểu tượng của VN trong lòng bạn bè các nước. Tôi thích mặc áo dài vì hình thức không chỉ phù hợp trong việc biểu diễn âm nhạc dân tộc mà mặc bộ trang phục đó còn chứng tỏ mình đang tham dự một lễ hội quan trọng... Năm 1949, khi tôi mới rời VN qua Pháp, mỗi khi giới thiệu một chương trình âm nhạc truyền thống VN, tôi đều mặc áo dài khăn đóng. Chỉ trừ khi đi đờn ở một hiệu ăn để kiếm tiền theo đuổi việc học là tôi không mặc quốc phục. Bởi với tôi, lúc này đờn chỉ là mua vui cho thiên hạ, nếu cứ “áo dài, khăn đóng” thì sẽ là một sự sỉ nhục đối với chính quốc phục. Thuở đó, đa số người VN muốn bỏ hình ảnh của người Việt thời thuộc địa, thấy tôi mặc áo dài thì trăm người chỉ có một, hai người tán thành, còn lại thì phản đối... Có người bạn bảo tôi: “Bạn là người Tây học lại đang ở nước Pháp mà mặc áo dài. Tôi có cảm giác bạn là người cổ lỗ, phong kiến, quan liêu hay lập dị, muốn người ta để ý đến mình. Bạn đờn rất hay, không lẽ mặc áo dài khăn đóng thì sẽ đờn hay hơn khi bạn mặc u phục?”. Tôi trả lời: “Khi giới thiệu một bộ môn nghệ thuật thì ngoại hình phải đi đôi với nội dung.

Áo dài là hình thức, tiếng đờn là nội dung. Một bó hoa hồng thật đẹp mà gói trong một tờ báo cũ có phải là không bằng gói trong giấy hoa cột nơ? Rượu sâm banh mà uống trong ly giấy sao ngon bằng uống trong ly pha lê? Trà quý chỉ nên uống trong chiếc chung nhỏ bằng đất nung nhưng lại uống bằng tô canh đá thì hương vị của trà có còn không? Người bạn ấy không trả lời được nhưng vẫn lắc đầu... Tôi bất chấp tất cả những lời phê bình của trong và ngoài nước, vẫn mặc áo dài khăn đóng mỗi khi biểu diễn nhạc dân tộc. Những lúc tôi biểu diễn cùng các con trai, con gái của tôi thì các con tôi cũng phải mặc quốc phục. Hình ảnh đó rất được người yêu nhạc u, Mỹ tán thưởng, khen ngợi.

Tháng 6.1958, tại thính đường của UNESCO, ban tổ chức giới thiệu nhạc cổ điển Đông-Tây. Trong chương trình, có nhạc sư Yehudi Menuhin đờn violon những bài Sonate xưa của J.S Bach, ông mặc lễ phục phương Tây, thắt nơ trắng. Nhạc sư Ấn Độ Ravi Shankar mặc lễ phục Ấn Độ, đờn sitar. Nhạc sư Nhật Bản Yuize Shinichi mặc kimono đen. Hai nhạc sư Ba Tư là Ebadi đờn setar và Malec đờn

santour đều mặc lễ phục Ba Tư. Tôi được mời biểu diễn âm nhạc truyền thống VN trong chương trình đó. Nếu tôi không mặc áo dài khăn đóng, bạn có thể tưởng tượng tôi sẽ xấu hổ tới đâu không?

Năm 1979, tôi được trường Đại học Perth (Úc) mời thuyết giảng trong ba tuần lễ về âm nhạc truyền thống VN. Sir Franck Callaway - trưởng ban tổ chức nói: “Buổi thuyết trình thứ nhất có cả ban giám hiệu, toàn thể giáo sư và sinh viên của trường đến nghe. Tôi nghĩ, nếu giáo sư mặc quốc phục thì buổi diễn sẽ thêm phần long trọng”. Tôi trả lời: “Chúng tôi có câu: nhập giang tùy khúc, nhập gia tùy tục. Tôi đến đây mà ban tổ chức ước ao tôi mặc áo dài khăn đóng, tôi sẽ rất vui thực hiện lời ước đó...”. Đúng ngày, cả đại giảng đường im phăng phắc khi giáo sư Franck Callaway giới thiệu: “GS-TS Trần Văn Khê thuyết trình về âm nhạc truyền thống VN”. Từ hậu trường tôi bước lên sân khấu trong trang phục áo dài khăn đóng, cúi chào khán thính giả, tiếng vỗ tay vang dội... Sau buổi giảng (có minh họa bằng đàn kìm, đàn tranh), có bốn người VN trong nhóm người Việt di tản đến nắm tay tôi “Khi thấy một người VN mặc áo dài khăn đóng xuất hiện trên sân khấu, chúng tôi không cầm được nước mắt”. Các giáo sư người Úc cũng đến khen ngợi tôi biểu diễn nhạc rất hay và trang phục cũng đậm đà bản sắc dân tộc.

Năm 1983, Hội đồng m nhạc Quốc tế tổ chức đại hội tại Bratislava (Tiệp Khắc), tôi được mời biểu diễn nhạc truyền thống VN. Ở chung phòng khách sạn với tôi có người bạn thân là nhạc sĩ Lưu Hữu Phước. Thấy tôi chuẩn bị áo dài khăn đóng để mặc biểu diễn trong Ngày Quốc tế âm nhạc, Phước hết sức do dự, rốt cuộc cũng nói rõ: “Lúc Khê giới thiệu âm nhạc ở các nước tư bản u Mỹ thì Khê muốn mặc gì cũng được. Nhưng lần này, Khê nên mặc u phục để tham dự buổi hòa nhạc thì tốt hơn”. Tôi trả lời nhẹ nhàng: “Theo tôi nghĩ, óc phong kiến là ở trong đầu của mỗi người. Áo dài, khăn đóng là trang phục truyền thống VN dùng mặc trong các lễ hội. Trong mấy chục năm nay, tôi mặc áo dài khăn đóng đến đâu cũng được hoan nghinh khen ngợi. Nếu bạn nghĩ tôi đến đây nên mặc u phục để biểu diễn thì điều đó nghịch với cách suy nghĩ của tôi mấy chục năm nay. Nếu ban tổ chức bắt buộc tôi phải mặc u phục thì tôi sẽ không biểu diễn”. Lần đó, tôi biểu diễn âm nhạc truyền thống VN trong trang phục áo dài khăn đóng và được đại biểu các nước, kể cả đại diện Sứ quán VN đều hoan nghinh, tán thưởng.

Suốt thời gian dài gắn bó với âm nhạc dân tộc, khi biểu diễn, tôi luôn mặc áo dài khăn đóng. Khi mặc áo dài thì mặc hết sức đàng hoàng, tay trong, tay ngoài, cổ áo đâu ra đó. Không phải tôi “điệu”, mà tôi nghĩ, đó là sự lễ phép đối với người đến nghe mình nói. Họ ăn mặc sạch sẽ, lịch sự đến nghe mình mà mình lại ăn mặc lôi thôi là coi thường khán giả, coi thường bản thân”.

Đến nay, các nghệ sĩ hát ca trù, quan họ đều mặc áo dài, và trong cả nước, số nghệ sĩ mặc quốc phục ngày càng đông. Chính tại Hội nghị cấp cao APEC 2006 tại Hà Nội, trong lễ công bố Tuyên bố chung, các nhà lãnh đạo các nền kinh tế APEC đều mặc trang phục truyền thống của nước chủ nhà do Chủ tịch nước VN trao tặng.

Hà Đình Nguyên
(giới thiệu)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.