Mạch nguồn bí ẩn

16/08/2020 06:17 GMT+7

1. Bàu Trúc đón tôi bằng phượng hồng rực rỡ và cái nóng khô khốc của những ngày tháng bảy miền Trung.

Đứa con trai từ miệt bưng đồng xuôi hai chuyến xe đò, theo lời mời của cậu bạn thân, một lần thăm quê bạn để biết vì sao bạn mình không chọn Sài Gòn lập nghiệp. Về quê K. đi, về một lần để thêm thương xứ cát, xứ bão, xứ tình người luôn mặn mà như sóng biển xa khơi. Chỉ vài hôm ở nơi “nắng như phang, gió như rang”, tôi đã lử đử say - say cảnh, say tình, say những vòng xoay thụt lùi của những người nghệ nhân làm gốm làng Bàu Trúc.
K. nói, theo chế độ mẫu hệ, sau này cậu ấy phải đi ở rể.
K. không muốn vậy! K. chỉ muốn ở cùng với amek (mẹ) để làm gốm, để tạo ra những mẫu gốm mới đẹp và độc lạ bán ra thị trường, để nhà K. giàu lên bằng nghề làm gốm; để giữ cái nghề của tổ tiên đã truyền thừa lại. Đàn ông Chăm không trực tiếp làm gốm, mà chỉ được tham gia vào công đoạn đi lấy đất, nhào đất, nung gốm, K. kể.
Amư (cha) của K. bị rắn độc cắn chết trong lần đi lấy đất sông Quao để về làm gốm. K. chào đời, không biết mặt amư. K. chỉ biết đất sông Quao qua bàn tay của amek nhào nặn thành những chum, những vại, rồi sớm mai đem ra chợ bán để kiếm từng chục ngàn đồng bạc mưu sinh. Vào Sài Gòn, K. vừa học vừa đi làm thêm để cho amek vơi bớt phần dầu dãi. Nhiều đêm ngơ ngác giữa thị thành, những chum, những vại đã trôi về trong những giấc mơ của K.
2. Gốm Bàu trúc không dùng bàn xoay mà chỉ dùng bệ đỡ, kết hợp đôi bàn tay khéo léo của người phụ nữ Chăm. Và để tạo dáng cho sản phẩm, người ta phải xoay người thụt lùi - đánh vòng ngược chiều kim đồng hồ để chải chuốt sản phẩm của mình. Bởi thế, ngày K. vào đại học, amek đi thụt lùi tiễn nó, rồi đến ngày amek đón K. vinh quy, chắc cũng thế mà thôi! Một cái chum, một cái vại amek của K. làm phải đi thụt lùi đến những 1.000 vòng tròn, thấm đẫm mồ hôi bên bệ đỡ. Nếu tính cả cuộc đời của amek, chỉ với 21 năm nuôi K. ăn học, có thể amek đi không biết bao nhiêu vòng tròn của tỉnh Ninh Thuận. Cũng như những người phụ nữ Chăm cứ đi thụt lùi, thụt lùi để tạo ra những sản phẩm gốm ẩn chứa bên trong cái nét duyên thầm thùy mị… rồi đến bao giờ mới dừng lại!?
Có phải, những người đàn ông Chăm và cả K. đều không thể đi thụt lùi? Nghĩ xa xăm,
K. bỗng dưng muốn khóc!
K. muốn làm một điều gì đó để cho sản phẩm gốm của làng mình cũng biết đây đi đó như K. Cho dù thô ráp trong họa tiết, trong màu lửa nung đôi chỗ không đều kia, nhưng K. muốn làm sao cho mọi khách hàng đến với gốm Bàu Trúc phải nặng lòng bởi sức sáng tạo mang đậm dấu ấn riêng tư của nó.
3. K. từng nói, gốm Bàu Trúc là sự kết hợp giữa tĩnh và động, giữa hồn đất và tình người Ninh Thuận. Gốm Bàu Trúc mang trong mình sự mầu nhiệm của lửa - nước - đất, tương khắc nhưng tương sinh, nương náu với nhau, tạo nên hồn cốt cho gốm. Và mỗi khi chạm tay vào từng sản phẩm gốm Bàu Trúc, K. nói, tôi sẽ cảm giác như chạm vào mạch nguồn văn hóa bí ẩn của dân tộc Chămpa.
Với K., gốm Bàu Trúc là sản phẩm tinh thần của quê nhà yêu dấu, là bầu sữa mẹ căng tròn, đã nuôi K. lớn khôn nên hình vóc. Với tôi, Bàu Trúc là một làng nghề ngàn năm tuổi, đã đi qua biết bao thăng trầm, cần được giữ gìn và phát triển. Vậy nên, tôi mới hiểu thị thành xa hoa chẳng thể nào níu chân K.
Ngày K. tiễn tôi về lại miền đất châu thổ chín cửa sông,
K. nào hay, ngay cả tôi cũng đã để quên con tim nơi miền gió cát - Ninh Thuận rồi!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.