>> YẾN HÂN

Cùng với Brazil, Việt Nam nổi tiếng là thủ phủ cà phê của thế giới với sản lượng cung ứng ra toàn thế giới ở mức 1,4-1,5 triệu tấn/ năm. Quy mô ngành cà phê Việt Nam ở mức 1,2 tỉ USD. Riêng cà phê Robusta, Việt Nam đứng đầu thế giới, chiếm 50% sản lượng cà phê robusta trên thế giới. Chất lượng cà phê Việt Nam cao, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của các nước như Mỹ, EU, Nhật Bản... Nếu chỉ nhìn những con số này có thể khẳng định rằng Việt Nam là gã khổng lồ cà phê thế giới. Tuy vậy, nếu “phẫu thuật” sâu hơn, có thể thấy “gã” này rỗng ruột và có phần... hão danh!“Việt Nam chiếm 17,2% sản lượng cà phê trên thế giới nhưng giá trị thu về chỉ được khoảng 2,2%. Việc tạo ra giá trị thấp đã ảnh hưởng đến mức thu nhập và đời sống của người nông dân trồng cà phê”, bà Lê Hoàng Diệp Thảo - Tổng giám đốc TNI Corporation, nhà sáng lập thương hiệu King Coffee nhận xét.

Cũng theo bà Diệp Thảo, với rất nhiều nỗ lực Việt Nam đã vươn lên trở thành quốc gia xuất khẩu cà phê đứng thứ hai thế giới và đứng số 1 thế giới về sản lượng cà phê Robusta. Đó thực sự là “một điều thần kỳ” - miracle theo cách gọi của bạn bè quốc tế, mà Việt Nam đạt được.

Tuy nhiên, điều thần kỳ ấy mới chỉ dừng ở số lượng sản xuất và xuất khẩu nhờ những điều kiện thuận lợi về thổ nhưỡng, khí hậu, nhân công. Thực tế cà phê Việt Nam chủ yếu chỉ xuất khẩu thô (chiếm đến 91%), mang lại giá trị thấp nhất trong chuỗi giá trị. Tổng giá trị của toàn ngành cà phê thế giới vào khoảng 200 tỉ USD, trong khi hiện nay mỗi năm Việt Nam thu về chỉ hơn 3 tỉ USD từ xuất khẩu thô. “Đứng thứ 2 thế giới nhưng Việt Nam chỉ chiếm lĩnh hơn 1% tổng giá trị trong toàn ngành trên toàn cầu. Đó là điều thật sự đáng tiếc, bởi vì chúng ta chưa xây dựng được thương hiệu để nâng cao giá trị gia tăng và có thể tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Hiện chúng ta còn có quá ít thương hiệu cà phê “Made in Việt Nam” có thể vươn ra thế giới” bà Diệp Thảo - “nữ tướng” của ngành Cà phê Việt Nam thẳng thắn nhìn nhận.

Bà Diệp Thảo chỉ ra nghịch lý, thế giới hiện có khoảng 4 tỉ người đang uống cà phê, trong mỗi tách cà phê họ uống hàng ngày có sử dụng cà phê Robusta của Việt Nam nhưng ít người trong số họ biết đến điều này. Có thể nói, xếp hạng đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu cà phê và đứng đầu thế giới về xuất khẩu cà phê robusta nhưng cà phê Việt vẫn là gã vô danh với người tiêu dùng thế giới. Đấy là điều đau lòng với những ai tâm huyết với ngành cà phê Việt.

“Đây là điều mà tôi canh luôn cánh trong lòng suốt hơn 20 năm nay. Vì vậy mà tôi dành hết tâm huyết của mình để xây dựng được thương hiệu cà phê Việt đủ sức vươn ra thế giới, có thể cạnh tranh được với các thương hiệu cà phê đa quốc gia”, nữ doanh nhân Diệp Thảo - nhà sáng lập thương hiệu Cà phê King Coffee tâm sự.

“Chúng ta có sản phẩm gì để bạn bè quốc tế nghĩ đến ngay lập tức khi nhắc đến Việt Nam? Trong khi Thái Lan có gạo, Đức có công nghiệp nặng, Nhật có hàng điện tử gia dụng, Hàn Quốc có nhân sâm…, chúng ta cũng cần nghĩ tới một cái gì đó tiêu biểu cho Việt Nam. Chỉ khi nào người tiêu dùng thế giới biết họ đang uống cà phê được trồng ở Việt Nam, khi đó chúng ta mới xứng đáng với danh xưng cường quốc cà phê thế giới”, bà Diệp Thảo nhấn mạnh.

Theo báo cáo tháng 9/2018 của Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO), trong 30 năm qua, tiêu thụ cà phê toàn cầu tăng trưởng ổn định khoảng 2%/năm, và dự kiến năm 2024 sẽ đạt mức tăng trưởng 8,4% / năm. Đến năm 2050, sản lượng tiêu thụ toàn cầu ước đat mức 20 triệu tấn - 25 triệu tấn/ năm, gấp 3 lần so hiện tại. Đây sẽ là cơ hội vàng cho Việt Nam trong những năm tới, đòi hỏi các nhà sản xuất và xuất khẩu Việt Nam phải hành động nhanh chóng và vững tay, đồng thời xây dựng được thương hiệu cho cà phê Việt Nam trên thị trường quốc tế, đặc biệt là khu vực trong điểm tiêu thụ lớn như Bắc Mỹ, Tây Âu và Trung Quốc.

Theo bà Diệp Thảo, để làm được điều đó cần nhìn nhận đúng và đầy đủ về giá trị hạt cà phê. Từ những giá trị hữu hình và vô hình, cà phê thật sự có thể coi là báu vật thiên nhiên ban tặng cho con người, cho Việt Nam. Không phải quốc gia nào cũng có thể trồng được cà phê và không phải trồng ở đâu cà phê cũng có chất lượng tốt như cà phê Việt Nam. Nước ta may mắn đang sở hữu “báu vật” này và đang ở vị trí dẫn đầu về sản lượng, vì thế Việt Nam nên đặt đúng giá trị của loại nông sản này vào vị trí ngành kinh tế mũi nhọn.

Hiện nay toàn thế giới có tới khoảng 4 tỉ người uống cà phê, không phân biệt giới tính, tuổi tác, văn hóa, vùng miền... Nếu xét ở góc độ kinh tế Việt Nam, từ lúa gạo, thủy hải sản, khoáng sản, dầu khí, điện tử, cơ khí...., khó có sản phẩm nào có khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới bằng cà phê. Cà phê là “linh hồn”, xứng đáng là “đại sứ” của Việt Nam giới thiệu bạn bè quốc tế. Chỉ khi được đánh giá đúng giá trị tiềm năng và xác định cà phê là ngành kinh tế mũi nhọn, chúng ta mới có những chính sách phù hợp, để tạo nên tên tuổi Việt Nam trên bản đồ cà phê thế giới. “Con đường xây dựng thương hiệu tầm vóc thế giới sẽ vất vả hơn nhiều nhưng lại mang tính lâu dài, bền vững, không chỉ mang lại nhiều kim ngạch hơn từ xuất khẩu mà còn khẳng định vị trí và uy tín của Việt Nam trên thế giới. Vì thế, chúng tôi đang nỗ lực đệ trình Chính phủ bản chiến lược phát triển ngành cà phê Việt Nam để thực sự có sự kết nối hỗ trợ nhau từ 3 nguồn lực: nhà nước, doanh nghiệp và người lao động” - CEO của TNI Corporation Lê Hoàng Diệp Thảo khẳng định.

Ảnh: Yến Hân

Báo Thanh Niên
26.03.2019

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.