Những thập kỷ trước, khi danh từ startup chưa trở nên phổ biến và "thời thượng" như bây giờ. Các doanh nghiệp mới ra đời - dù không ai gọi là startup - vẫn khởi nghiệp với tất cả khát vọng của founder cùng các cộng sự, ước mơ đem lại những điều mà con người cần và xã hội thiếu.

Sau nhiều năm, có không ít startup non trẻ ngày ấy đã trở thành doanh nghiệp trụ cột của Việt Nam, và Viettel là minh chứng điển hình. Từ startup số 0 trong ngành viễn thông di động, Viettel Telecom (công ty con thuộc Tập đoàn Viettel) nay không chỉ là doanh nghiệp lớn, mà đích thực là một decacorn hùng mạnh (kỳ lân nhiều sừng hay siêu kỳ lân - từ dùng để gọi những startup có định giá trên 10 tỷ USD), đang tiên phong trong công cuộc kiến tạo xã hội số tại Việt Nam.



"Điều quan trọng nhất của khởi nghiệp là trong tay chẳng có gì cả. Chỉ khi ấy, mình mới xả thân" - câu nói của ông Nguyễn Mạnh Hùng, nguyên Chủ tịch Tập đoàn Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (hiện là Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông), đã nói trúng "điều quan trọng nhất" của Viettel khi bắt đầu làm di động.

Ra đời từ năm 1989 và tạo ra được một số thành tựu như xây dựng đường trục cáp quang 1A dài 2.000km nối 2 miền Nam – Bắc, gặt hái thành công với dịch vụ VoIP từ năm 2000… nhưng với di động thì lúc đó Viettel thực sự là "số 0". Thời ấy, họ chỉ là một doanh nghiệp rất nhỏ bé, tổng số tiền tích lũy không đủ đầu tư phủ sóng 2 thành phố lớn và cũng chưa có kinh nghiệm gì về di động. Thị trường lúc đó là màn độc diễn của VNPT với 2 nhà mạng VinaPhone và MobiFone.

Tuy nhiên, dịch vụ di động là thứ mà người Việt Nam cần và xã hội đang khát. Vào những năm 2000, dịch vụ này quá đắt đỏ, chỉ những người giàu mới có thể sử dụng. Điều này thúc đẩy “startup” Viettel dấn thân.

Ngày 15/10/2004, Viettel chính thức khai trương mạng di động với đầu số 098, trở thành nhà mạng thứ 4 tại Việt Nam. Điều kỳ diệu của ngành di động đã xảy ra khi startup “số 0” chỉ mất 1 năm để đạt mốc 1 triệu thuê bao – con số mà các mạng di động trước đó phải mất hơn 10 năm mới đạt được.

“Startup di động” Viettel xâm nhập thị trường bằng cách tiếp cận khác biệt với các doanh nghiệp cũ: bình dân hóa dịch vụ di động. Từ góc nhìn đó, họ chọn chiến lược xây dựng hạ tầng thần tốc, vùng phủ sóng bắt đầu với 52 tỉnh rồi mở rộng ra phạm vi toàn quốc. Họ phủ sóng cả vùng sâu vùng xa, hải đảo xa xôi chỉ trong vòng 6 tháng tiếp theo, để bất cứ nơi nào trên đất nước Việt Nam cũng có vạch sóng của nhà mạng 098.

Đi kèm với đó, mức cước Viettel thấp hơn 30% so với 2 nhà mạng lớn, lại tính cước theo block 6 giây và sau đó là trên từng giây (thay vì block 60 giây như các mạng lớn). Cộng hưởng cùng giá cước rẻ là những chương trình khuyến mại lớn, lạ mà trước đó chưa từng xuất hiện, với triết lý “có trước, có sau” (khuyến mại cho cả khách hàng cũ chứ không chỉ tập trung vào thu hút thuê bao mới – điều mà các nhà mạng khác thực hiện lúc đó)…

Những điều này tạo ra một cú nhảy vọt ngoạn mục với việc chỉ mất 1 năm thay vì 10 năm như các mạng khác để phát triển được 1 triệu thuê bao. Kỷ niệm 1 năm ngày chính thức cung cấp dịch vụ, Viettel miễn phí cuộc gọi nội mạng đầu tiên trong ngày – tạo nên một chương trình khuyến mại chưa từng có trong lịch sử viễn thông Việt Nam.

Tiếp nối thành công ban đầu, việc tung ra gói cước Cà Chua (Tomato) chính thức giúp Viettel Mobile (tiền thân của Viettel Telecom) tạo ra sự bùng nổ về phát triển khách hàng cho toàn ngành di động Việt Nam. Tăng trưởng thuê bao di động của Viettel vài năm liên tục là cấp số nhân, chứ không tính theo tỷ lệ phần trăm thông thường. Và chỉ sau 4 năm, Viettel đã vươn lên trở thành nhà mạng số 1 Việt Nam với 20 triệu thuê bao.

Công ty này cũng giúp tăng mật độ sử dụng điện thoại di động ở Việt Nam từ 5% tăng lên thành 95% chỉ trong 3 năm, đồng thời đẩy giá cước chung trên thị trường giảm rất mạnh. Từ ngày có Viettel Mobile, dịch vụ di động không còn là thứ đắt đỏ, dành cho người giàu mà trở thành bình dân, mọi người Việt Nam đều có thể sử dụng được.



Trở thành startup kỳ lân - unicorn (doanh nghiệp có giá trị trên 1 tỷ USD) là ước mơ của mọi startup ngày nay. Nhưng với Viettel Telecom, việc trở thành unicorn và sau đó là decacorn (doanh nghiệp trị giá hơn 10 tỷ USD) không phải giấc mơ lớn nhất. Sau khi thực hiện xong mục tiêu “phổ cập dịch vụ của người giàu cho người nghèo”, decacorn đặc biệt này bước sang một giai đoạn mới khi cuộc cách mạng 4.0 có tác động ngày càng lớn tại Việt Nam.

Trước đó, kể từ năm 2009, Viettel Telecom đã “tiếp tục startup” với các dự án về CNTT để có thể tiến tới làm chủ hoàn toàn hệ thống viễn thông chứ không chỉ vận hành, khai thác rồi bán sim thẻ như các nhà cung cấp khác. Và như chia sẻ của ông Phùng Văn Cường – một trong những kỹ sư tham gia cài đặt những server đầu tiên để xử lý hệ thống mạng lõi và CNTT cho Viettel Mobile (tiền thân của Viettel Telecom) – hiện là CEO Viettel Campuchia: “Viettel luôn nhìn trước 10 năm sau mình sẽ làm gì”.

Nhiều “dự án startup” ở Viettel Telecom những năm về trước đã phát triển lớn mạnh và kết hợp với các công ty khác thuộc Tập đoàn Viettel mở ra những lĩnh vực mới như sản xuất Giải pháp doanh nghiệp (Viettel Solutions), Dịch vụ số (Viettel Digital Services)…

Còn đơn vị xuất thân thuần viễn thông Viettel Telecom tiếp tục công việc xây dựng hạ tầng của mình nhưng không còn đơn thuần kinh doanh sim thẻ nữa. Tháng 4/2019, khi Viettel Telecom khai trương mạng 4G – công ty này trở thành hãng viễn thông đầu tiên trên thế giới phủ sóng 4G toàn quốc ngay khi khai trương, với 100% trạm thu phát 4G sử dụng công nghệ 4T4R (4 phát, 4 thu) hiện đại nhất thế giới.

Hiện tại, khách hàng dùng 4G đang chiếm gần 20% tổng số khách hàng (cao gần gấp đôi so với tỷ lệ trung bình tại các nước châu Á sau 1 năm khai trương). Đây cũng là động lực chính giúp cho doanh thu mảng viễn thông của Viettel duy trì sự tăng trưởng trong bối cảnh đi xuống của ngành trên toàn thế giới.

Khi 4G còn chưa hết nóng, ngày 10/5/2019, cuộc gọi đầu tiên trên mạng di động 5G được thực hiện tại Hà Nội; đến 21/9/2019, Viettel Telecom thực hiện phát sóng 5G và đưa vào khai thác 1.000 trạm NB-IoT tại TPHCM. Với sự kiện này, Việt Nam trở thành một trong những quốc gia phát sóng 5G sớm nhất thế giới, chỉ sau một số nước phát triển như Mỹ, Australia, Nhật Bản và Hàn Quốc… Hai nền tảng quan trọng bậc nhất của một xã hội số trong tương lai đã được Viettel Telecom tiên phong giới thiệu ở Việt Nam.

Sau 15 năm (tính từ năm 2004, khi cho ra đời đầu số 098), từ “startup số 0” trong ngành di động, Viettel Telecom giờ giữ thị phần số 1 trên thị trường (54%) với 70 triệu khách hàng. Thế nhưng, với tuyên bố không còn là công ty bán sim thẻ đơn thuần như trước, giờ đây, Viettel Telecom lại khởi tạo một hành trình mới: kiến tạo xã hội số.



Tháng 6/2019, thị trường viễn thông Việt Nam có bước ngoặt quan trọng xuất phát từ một chương trình chăm sóc khách hàng có tên Viettel++ của Viettel Telecom. Nếu như trước đây, các công ty viễn thông chỉ chăm sóc thường xuyên với tỷ lệ rất nhỏ (vài phần trăm) trên tổng số khách hàng thì với Viettel++, 100% khách hàng sử dụng dịch vụ đều được vào danh sách đó.

Chưa hết, việc chăm sóc thường xuyên với 70 triệu khách hàng (tích điểm khi sử dụng dịch vụ để đổi quà, tặng ưu đãi…) diễn ra hoàn toàn tự động, với sự hỗ trợ của hạ tầng số đã được chuẩn bị kỹ lưỡng của Viettel Telecom. Đây là điều chưa từng xảy ra trong lịch sử ngành viễn thông Việt Nam. Chỉ là một chương trình chăm sóc khách hàng nhưng nó phát đi tín hiệu rất mạnh mẽ về chuyển đổi số của một công ty viễn thông, bởi nó được áp dụng tự động cho 70 triệu người và trở thành một chính sách lâu dài của Viettel Telecom.

Tiên phong đem đến cho tất cả các khách hàng một trải nghiệm số tốt nhất, dựa trên một hệ sinh thái về dịch vụ số hoàn chỉnh là một chiến lược quan trọng trong quá trình chuyển mình của Viettel Telecom từ nhà cung cấp dịch vụ viễn thông sang nhà cung cấp dịch vụ số. Viettel++ là một điểm nhấn quan trọng trong hành trình đó.

Chia sẻ về mục tiêu trong hành trình mới, ông Cao Anh Sơn, Tổng Giám đốc Viettel Telecom nói: “Viettel Telecom đặt mục tiêu trở thành một telco số vào năm 2025, cung cấp không chỉ dịch vụ mà là trải nghiệm khách hàng số 1 tại Việt Nam, bùng nổ điện thoại thông minh tới 100% người dân và dịch vụ IoT (internet kết nối vạn vật), chiếm 50% số lượng thiết bị kết nối tại Việt Nam”.

Viettel Telecom sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng vùng phủ 4G, 5G để duy trì vị trí công ty cung cấp data lớn nhất, với tốc độ 1,5 Gbps vào năm 2025, tức là gấp hàng trăm lần tốc độ 4G hiện nay.

Người đứng đầu Viettel Telecom cũng chia sẻ thêm: “Giờ đây, chúng tôi đang thay đổi dần hình ảnh của Viettel Telecom. Khách hàng đến với chúng tôi sẽ không chỉ nghĩ đến việc mua SIM, mua thẻ nữa và cũng không cần phải đến cửa hàng bởi Viettel Telecom đã là một công ty dịch vụ số, gần như mọi thứ đều có thể thực hiện online”.

Tuy nhiên, ông Cao Anh Sơn nhấn mạnh điều sẽ không thay đổi trong hành trình mới của Viettel Telecom: “Chúng tôi vẫn luôn lấy khách hàng làm trung tâm, dựa vào nhu cầu của khách hàng để cung cấp các dịch vụ số mới”.


Báo Thanh Niên
11.10.2019

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.